Năm 2018, ĐH Standford mở ra trào lưu không công khai tỷ lệ trúng tuyển vào hôm gửi thư mời nhập học tới các ứng viên.
Theo quy định, các trường đều phải báo cáo kết quả tuyển sinh nhưng thường vài tháng sau khi hoàn thành việc tuyển. Tài liệu này lưu trữ tại Bộ Giáo dục và Common Data Set, ít người quan tâm đến.
"Những gì chúng tôi thấy được là câu chuyện trường nào được lựa chọn nhiều nhất và có tỷ lệ trúng tuyển thấp nhất. Chúng tôi không muốn tham gia vào cuộc đua như vậy", bà Persis Drell, Hiệu trưởng ĐH Stanford, giải thích việc dừng công bố dữ liệu tuyển sinh năm 2018.
Ban đầu, các đại học khác từ chối thực hiện điều tương tự. Nhưng chỉ 2 năm sau, Cornell, thành viên nhóm đại học danh giá Ivy League, tuyên bố không cung cấp số liệu tuyển sinh, bắt đầu từ khóa tốt nghiệp 2024. Trường chỉ công khai dữ liệu vòng tuyển sinh sớm.
Năm nay, 2 trường khác của Ivy League, Pennsylvania và Princeton, tiếp bước. Trong khi đó, Harvard vẫn giữ truyền thống công bố số liệu. Ở mùa tuyển sinh năm nay, tỷ lệ trúng tuyển của trường hạ xuống mức thấp kỷ lục, chỉ 3,19%, The Crimson cho hay.
Động cơ thực sự khi không công khai tỷ lệ trúng tuyển
Các trường danh giá dừng công bố tỷ lệ trúng tuyển đều đưa ra lý do con số này ảnh hưởng đến ứng viên tiềm năng khi mức độ chọn lọc quá cao.
"Cả thí sinh và trường đều không hưởng lợi khi quá trình tuyển sinh chỉ nhấn mạnh vào thống kê duy nhất như tỷ lệ trúng tuyển. Chúng tôi không muốn ứng viên tiềm năng nản lòng, không nộp hồ sơ khi nhìn vào con số cho thấy độ cạnh tranh cao", Karen Richardson, Giám đốc Tuyển sinh ĐH Princeton, nói.
Tuy nhiên, một số nhà tư vấn tuyển sinh vẫn nghi ngờ động cơ thực sự đằng sau sự thay đổi này.
"Tôi hiểu các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan, nhưng cùng lúc đó, các trường vẫn cố gắng để tăng số người nộp hồ sơ xét tuyển", Dan Lee, đồng sáng lập công ty Tư vấn Tuyển sinh Solomon, cho hay.
Ông khẳng định các đại học danh tiếng luôn cố tăng số lượng thí sinh đăng ký hàng năm. Do đó, ông dự đoán việc dừng công bố tỷ lệ trúng tuyển chỉ là thử nghiệm các trường đưa ra nhằm nhận được nhiều hồ sơ hơn vào năm tới.
Ông nghĩ đây là động thái để trường xem xét liệu có nhiều người quyết định nộp đơn hơn không khi không còn phải lo ngại về con số 2, 3 hoặc 4% trúng tuyển.
Phillip Trout, cố vấn trường Trung học Minnetonka, cựu Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tuyển sinh Quốc gia, không biết chính xác nguyên nhân các trường danh tiếng dừng thông báo tỷ lệ trúng tuyển.
"Nhưng tôi có thể hiểu tại sao họ làm vậy. Trường như Stanford, Cornell, Princeton không muốn bị coi là trường danh giá, khó tiếp cận. Tỷ lệ trúng tuyển của những trường này thấp đến mức kỳ cục", ông nói.
Chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho biết các bảng xếp hạng có tầm ảnh hưởng hàng năm có thể tác động đến sự thay đổi trên. Theo ông Dan Lee, thí sinh thường bị "tẩy não" với bảng xếp hạng, quan tâm đến thứ bậc của trường hơn chương trình cụ thể.
"Dù nhân viên tư vấn nói với họ trường này tốt hơn trong đào tạo khoa học máy tính, họ vẫn chỉ chọn trường xếp hạng cao hơn", ông Dan Lee nói.
Cùng quan điểm, ông Trout cho rằng các trường đang tìm kiếm hào quang từ số lượng người ứng tuyển. Con số này lại chịu tác động từ xếp hạng.
Hướng đi sai
Dù các trường tuyên bố dừng công khai tỷ lệ trúng tuyển nhằm giảm bớt áp lực cho ứng viên, nhiều học sinh và nhà tư vấn cho rằng việc thiếu tính minh bạch tạo tác dụng ngược.
"Biết thông tin đó cũng không thay đổi được gì nhưng nó mang lại cảm giác dễ chịu khi được cung cấp thông tin. Việc không nắm được tỷ lệ trúng tuyển khiến em cảm thấy không quen", Omenma P. Abengowe, tân sinh viên khóa tốt nghiệp 2026 tại ĐH Harvard, chia sẻ.
Ryan D. Garcia, tân sinh viên khác, có cái nhìn tương tự. Cậu mong các trường công khai số liệu tuyển sinh vì cảm giác không biết điều gì đó khiến cậu thấy sợ hãi.
Aditya Tummala, tân sinh viên ĐH Harvard, gọi việc một số trường danh giá từ chối công khai dữ liệu tuyển sinh là "chiêu trò". Cậu cho rằng nó không có tác dụng thực sự như trường giải thích.
Tương tự, từ góc độ tư vấn tuyển sinh, ông Trout cho rằng việc công khai tỷ lệ trúng tuyển sẽ giúp ích cho học sinh. Ông chưa phát hiện việc giữ kín dữ liệu giảm bớt căng thẳng cho ứng viên ở chỗ nào.
Với tầm quan trọng của tính minh bạch, các nhà tư vấn tuyển sinh ủng hộ việc tiếp tục công bố tỷ lệ trúng tuyển.
Ông Dan Lee còn lo ngại cách làm của Stanford, UPenn, Cornell, Princeton sẽ khiến các đại học hàng đầu khác "bắt chước" nhằm xem thử liệu không công bố tỷ lệ trúng tuyển có làm tăng hồ sơ đăng ký không.
Dù mọi người vẫn có thể tìm kiếm dữ liệu thông qua chính phủ liên bang và Common Data Set vào cuối năm, bà Anna Ivey, nhà sáng lập công ty tư vấn Anna Ivey, cho rằng sự thay đổi này sẽ tác động lên các thí sinh vốn chưa hiểu về quy trình tuyển sinh.
"Nhiều học sinh sẽ hoài nghi về tính toàn diện trong tuyển sinh vì giờ nó trông như một chiếc hộp đen lớn. Điều gì khiến quy trình xét tuyển trở thành hộp đen một cách có chủ đích? Tôi nghĩ các trường không công bố tỷ lệ trúng tuyển đang đi sai hướng", bà Ivey nhận định.
(Nguồn: Zing News)