Giáo sư Liên Hằng trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Quang Huy/TTXVN |
Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm trên mảnh đất Việt Nam nhưng với nhiều người Mỹ, những gì họ biết về Việt Nam vẫn gắn với hai từ “chiến tranh”. Việt Nam của hôm nay là một đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, một nền kinh tế hội nhập toàn cầu, một nền văn hóa sống động, đa dạng bản sắc và một lịch sử đầy hào hùng. Vì lẽ đó, Đại học Columbia, trường đại học danh tiếng của Mỹ nằm trong nhóm Ivy (nhóm 8 trường đại học nổi tiếng và uy tín nhất của Mỹ), đã mở Chương trình Việt Nam học với mong muốn để giới trẻ không chỉ của nước Mỹ mà của nhiều nước trên thế giới hiểu hơn về Việt Nam. Chương trình do hai giáo sư người Mỹ gốc Việt Liên Hằng Nguyễn và John Phan khởi xướng.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại New York sau khi được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng sách và ghi nhận những đóng góp trong việc thúc đẩy sự hiểu biết về Việt Nam tại Mỹ, Giáo sư Liên Hằng, Giám đốc Chương trình Việt Nam học, chia sẻ ý tưởng mở ra chương trình này xuất phát từ năm 2017 khi bà được mời tới giảng dạy lịch sử tại trường Đại học Columbia, chủ yếu lịch sử Mỹ và Đông Á. Vào thời điểm đó, bà tập trung chủ yếu nghiên cứu về cuộc chiến ở Việt Nam và quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các nước sau chiến tranh, trong khi ông John Phan, đồng nghiệp của bà ở khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Á, chuyên nghiên cứu lịch sử tiền hiện đại của Việt Nam, cụ thể là vấn đề nguồn gốc và phát triển tiếng Việt. Khi gặp và trao đổi cùng nhau, cả hai người đều mong muốn có thể mở được Chương trình Việt Nam học tại Đại học Columbia. Ý tưởng này may mắn đã nhận được sự ủng hộ và đầu tư của Đại học Columbia. Ngay sau đó, cả hai đã bắt tay vào xây dựng chương trình học và cùng đảm nhiệm giảng dạy chương trình này.
Theo Giáo sư Liên Hằng, Chương trình Việt Nam học rất đặc biệt vì Đại học Columbia đã quyết định đầu tư cho phát triển chương trình đúng vào thời điểm mà nhiều trường đại học danh tiếng khác như Harvard, Princeton hay Yale không chú trọng nghiên cứu Việt Nam học nữa, đồng thời đây là Chương trình Việt Nam học duy nhất tại Mỹ có riêng hai giáo sư chuyên giảng dạy Việt Nam học. Đại học Columbia cũng có cả Khoa tiếng Việt để bổ trợ do giáo viên người Việt là bà Chung Nguyễn và ông Vinh Nguyễn giảng dạy, do đó Chương trình Việt Nam học được xây dựng rất toàn diện. Chương trình gồm cả khóa đại học và và cao học về Việt Nam học, trong đó có giảng dạy về lịch sử Việt Nam, tổ chức các cuộc hội thảo về Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa. Chương trình thực sự mang tính độc đáo nếu so với việc nghiên cứu về Việt Nam ở nhiều trường đại học hàng đầu của Mỹ.
Giáo sư Liên Hằng cũng cho biết trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới, bà và các đồng nghiệp đã tổ chức được hai hội nghị quốc tế vào năm 2019. Sự kiện đầu tiên là hội thảo về quan hệ Việt - Trung và sự kiện thứ hai là hội thảo về những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn cầu, được tổ chức có sự phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn ở Hà Nội và được đánh giá rất thành công. Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 vào năm 2020, chương trình học được xây dựng buộc phải tạm hủy nhưng bà và đồng nghiệp vẫn cố gắng giữ vững tinh thần cốt lõi của chương trình để vượt qua thời gian thử thách đó. Nhiều cuộc hội thảo qua nền tảng trực tuyến Zoom, qua webinars, tổ chức bình phim Việt, những đêm thơ Việt cho sinh viên và những người quan tâm tới Việt Nam học đã được tổ chức. Ngoài ra, các khóa học trực tuyến được mở lại để sinh viên tiếp tục được học tiếng Việt và tham dự các khóa Việt Nam học. Điều này giúp đảm vảo duy trì Chương trình Việt Nam học qua thời gian khó khăn đó. Cũng chính nhờ các sự kiện trực tuyến như vậy, bà và các đồng nghiệp đã kết nối được với những người cùng quan tâm Việt Nam học ở Việt Nam, mà điều này sẽ rất khó làm được nếu ở trong điều kiện bình thường khi các cuộc tiếp xúc thường phải thông qua gặp gỡ trực tiếp.
Trong chuyến công du tới New York tham dự phiên họp Đại hội đồng của Liên hợp quốc vào tháng 9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận đóng góp của Giáo sư Liên Hằng cùng các đồng nghiệp trong việc thúc đẩy sự hiểu biết về Việt Nam tại Mỹ. Giáo sư Liên Hằng chia sẻ được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những đóng góp của Chương trình Việt Nam học cũng như những nỗ lực để công chúng hiểu hơn về lịch sử và xã hội Việt Nam là niềm vinh dự nhất trong cuộc đời của bà và các đồng nghiệp. Chính cuộc gặp mặt với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là động lực thôi thúc bà và các đồng nghiệp nỗ lực phát triển chương trình hơn nữa. Đặc biệt khi được Chủ tịch nước tặng bộ sách Lịch sử Việt Nam toàn tập, bà và các đồng nghiệp lại ấp ủ mở một Trung tâm Việt Nam học tại Đại học Columbia với mục tiêu cuối cùng hướng tới là thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng nước ngoài không chỉ về lịch sử và nền văn minh Việt Nam mà còn về cả khoa học, chính trị và văn hóa Việt Nam. Nếu có được một Trung tâm Việt Nam Học như vậy, nhiều sinh viên Việt Nam sẽ có cơ hội tới đây tìm hiểu, học tập và nghiên cứu.
Bà Liên Hằng bày tỏ mong muốn được chứng kiến quan hệ giữa Chính phủ Mỹ và Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển hơn nữa vì như vậy, các trường đại học của Mỹ và Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn như Đại học Columbia đã hợp tác với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hà Nội hiện nay. Một bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Fulbright và một vài đại học khác ở Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ chuẩn bị được ký kết, qua đó tạo cơ hội để tổ chức được nhiều cuộc trao đổi học giả và sinh viên, gia tăng hiểu biết lẫn nhau và đó chính là mục đích mà Chương trình Việt Nam học mà bà và đồng nghiệp đang hướng tới.
Giáo sư Liên Hằng cho biết sau khi được gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và được ghi nhận những đóng góp của Chương trình Việt Nam học tại Đại học Columbia, bà và các đồng nghiệp muốn phát triển và mở rộng chương trình hơn nữa. Do đó, bà và các đồng nghiệp đã quyết định sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 7 tới để tổ chức hai cuộc hội thảo, một ở Hà Nội và một ở Thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn để nhiều người ở khắp nơi biết tới Chương trình Việt Nam học tại Đại học Columbia.