Đại gia nghỉ dưỡng Cát Bà bị rút 2.200 tỷ đồng, tính bán một phần dự án

21/03/2024 06:49

Vừa phải hoàn trả 2.200 tỷ đồng cho công ty mẹ Vinaconex, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex tiếp tục đối mặt với dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm nay vẫn khó khăn.

CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex-ITC, mã VCR) vừa công bố nội dung đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) sắp tới. Công ty lên kế hoạch doanh thu đạt 526 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 96 tỷ đồng trong năm 2024.

Vinaconex-ITC được thành lập năm 2008 để đầu tư phát triển dự án Cát Bà Amatina. Đây là dự án bất động sản lớn nhất tại đảo Cát Bà.

Theo thiết kế ban đầu, Cát Bà Amatina có tổng diện tích 172,38ha, nằm ở đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng) với vốn đầu tư dự kiến 10.941 tỷ đồng, triển khai từ năm 2020-2025. Năm 2023, do thị trường bất động sản gặp khó khăn, chủ đầu tư đã giãn tiến độ triển khai dự án.

cat ba amatina.jpg
Chủ dự án Cát Bà Amatina kỳ vọng lãi 100 tỷ đồng trong năm 2024. Ảnh: Vinaconex

Trong khi dự án còn dang dở, công ty mẹ Vinaconex lại có động thái rút vốn. Cuối năm 2023, Vinaconex ITC đã phải trả lại 2.200 tỷ đồng hợp tác đầu tư cho Vinaconex.

Theo cam kết hợp tác ban đầu, Vinaconex góp 2.200 tỷ đồng bằng tiền mặt, được hưởng 50% lợi nhuận từ phân khu CT02, đồng thời Vinaconex-ITC đảm bảo lợi nhuận phân chia cho Vinaconex trong thời gian hợp tác đầu tư không thấp hơn 15%/năm trên số dư thực tế mức góp vốn đầu tư của Vinaconex theo từng thời điểm và phân khu CT02.

Khi dự án chưa triển khai xong, đồng thời chưa có lợi nhuận để chia, việc phải trả lại vốn 2.200 tỷ đồng đã làm phát sinh chi phí tài chính của Vinaconex-ITC lên tới 277,1 tỷ đồng. Năm 2023, doanh nghiệp này lỗ sau thuế kỷ lục 286,73 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Thanh cũng đã xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT tại Vinaconex-ITC từ ngày 23/1.

Năm 2024, dự báo thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chưa thể phục hồi, công ty đánh giá việc triển khai các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vinaconex-ITC cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý cùng khả năng chuyển nhượng một phần dự án cho nhà đầu tư khác để tiếp tục đầu tư, kinh doanh và/hoặc bán, cho thuê,…

Một phương án khác được tính đến là khả năng hợp tác với tổ chức tín dụng, nhà đầu tư có năng lực tài chính để tăng quy mô vốn thực hiện dự án.

Tin doanh nghiệp niêm yết

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* BIC: Năm 2024, Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 600 tỷ đồng. Công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu.

* VCI: Ông Lê Phạm Ngọc Phương, Thành viên HĐQT CTCP Chứng khoán Vietcap nhiệm kỳ 2021-2026, có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.

* VIB: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.045 tỷ đồng; tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng trưởng 20-21%, tương ứng dự kiến đạt 492.000 tỷ đồng, 320.600 tỷ đồng và 315.200 tỷ đồng.

* HQC: CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân niêm yết bổ sung 100 triệu cổ phiếu có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày thay đổi niêm yết có hiệu lực là ngày 21/3.

* TMS: CTCP Vinaprint, cổ đông của CTCP Transimex, đăng ký mua 100.000 cổ phiếu từ ngày 22/3-20/4 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

* HVT: Ông Lê Xuân Lương, cổ đông lớn của CTCP Hóa chất Việt Trì, đã bán ra hơn 104.000 cổ phiếu HVT trong ngày 12/3.

* GIL: Bà Lê Anh Thư, cổ đông lớn của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, đã bán ra 152.000 cổ phiếu GIL trong ngày 14/3. Bà Thư còn giữ hơn 4,07 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,88%.

* SRF: Ông Nguyễn Kinh Luân, Phó tổng giám đốc CTCP Searafico, đã mua vào 50.000 cổ phiếu từ ngày 15-19/3 theo phương thức khớp lệnh.

* HSG: Nhóm cổ đông lớn do Dragon Capital quản lý đã bán ra 2 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hoa Sen trong ngày 15/3. Nhóm này còn nắm giữ hơn 73,66 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11,96%.

* TCM: CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công thông qua việc nhận chuyển nhượng dự án đầu tư của Công ty TNHH Dệt may SY Vina với giá gần 468 tỷ đồng.

VN-Index

Chốt phiên 20/3, VN-Index tăng 17,62 điểm (+1,42%), lên 1.260,08 điểm. HNX-Index tăng 1,86 điểm (+0,79%), lên 238,03 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,06 điểm (-0,07%), xuống 90,54 điểm.

Theo Chứng khoán SHS, xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường đang trong giai đoạn biến động rung lắc bất thường, nhưng lực cầu đang khá tốt và có thể giúp VN-Index hướng đến hình thành nền tích lũy trước ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm.

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, thị trường tăng điểm với thanh khoản ấn tượng, tuy nhiên vẫn chưa vượt qua mức trung bình 20 phiên gần nhất. VN-Index đang lấy lại tín hiệu tích cực sau phiên bán mạnh trước đó, nhưng chưa được xác nhận bởi thanh khoản để xu hướng tăng điểm quay trở lại.

Mặc dù vậy, khả năng cao dòng tiền vẫn sẽ luân chuyển giữa các nhóm ngành để duy trì sự tích cực cho thị trường. CSI giữ quan điểm thận trọng, chưa vội vàng giải ngân quay trở lại mà nên kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dai-gia-nghi-duong-cat-ba-bi-rut-2-200-ty-dong-tinh-ban-mot-phan-du-an-2261839.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/dai-gia-nghi-duong-cat-ba-bi-rut-2-200-ty-dong-tinh-ban-mot-phan-du-an-2261839.html
Bài liên quan
  • Nhận định chứng khoán 20/12: VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co
    VN-Index có thể tiếp tục giằng co quanh đường trung bình 50 phiên trong phiên hôm nay 20/12. Đồng thời, thanh khoản có thể vẫn duy trì ở mức thấp vào đầu phiên do tâm lý chờ đợi phiên cơ cấu ETF, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên dòng tiền sẽ có sự phân hóa.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đại gia nghỉ dưỡng Cát Bà bị rút 2.200 tỷ đồng, tính bán một phần dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO