Như tin đã đưa, Thành phố Hà Nội vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội vừa chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP (đối tác công - tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy trình, quy định.
Cầu Trần Hưng Đạo là dự án cầu BOT đầu tiên của Hà Nội, có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tham gia 4.204 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện năm 2022-2025.
Một trong những phương án thiết kế của cầu Trần Hưng Đạo (Ảnh: TEDI). |
Tình hình tài chính gây bất ngờ của Him Lam
Mặc dù đã chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, song tình hình tài chính của Him Lam không được doanh nghiệp công khai rộng rãi.
Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, Him Lam có vốn chủ sở hữu 6.538 tỷ đồng, trong đó, 6.500 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Him Lam đạt 70.679 tỷ đồng, tăng gần 1.500 tỷ đồng so với đầu năm ngoái. Trong khi đó, nợ phải trả cũng tăng xấp xỉ lên 64.142 tỷ đồng, gấp gần 10 lần vốn góp của chủ sở hữu.
Trong cơ cấu nợ phải trả của doanh nghiệp, khoản phải trả người bán ngắn hạn là 1.349 tỷ đồng, người mua trả tiền trước ngắn hạn là 1.879 tỷ đồng, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là 151 tỷ đồng, phải trả người lao động hơn 13 tỷ đồng. Riêng vay và nợ thuê tài chính ở mức 2.416 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số 47.819 tỷ đồng tài sản ngắn hạn của Him Lam thì phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn (chiếm 47.281 tỷ đồng).
Sở hữu khối tài sản "tỷ USD" nhưng kết quả kinh doanh của Him Lam lại tương đối khiêm tốn. Cụ thể, doanh thu thuần của Him Lam trong năm 2020 đạt 4.489 tỷ đồng thì giá vốn đã chiếm đến hơn 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp theo đó còn 482 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính không kém cạnh mảng kinh doanh chính, đạt 2.464 tỷ đồng. Thế nhưng, chi phí tài chính cũng rất lớn, lên tới 2.388 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp… Him Lam còn 390 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong năm 2020. Đáng chú ý là chi phí khác của Him Lam lên tới 379 tỷ đồng và khiến doanh nghiệp này ghi nhận lỗ khác 345 tỷ đồng. Qua đó, lãi trước thuế của Him Lam còn vỏn vẹn hơn 45 tỷ đồng.
Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của Him Lam trong năm vừa rồi hơn 25 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận sau thuế của "ông lớn" này chỉ còn khoảng 19,6 tỷ đồng. Con số này thấp hơn đáng kể so với những doanh nghiệp khác trong cùng ngành nghề.
Đại gia "Minh Him Lam"
Công ty cổ phần Him Lam là thương hiệu không xa lạ với công chúng nhiều năm qua. Đây vốn là thương hiệu gắn với đại gia Dương Công Minh và đó cũng là lý do xuất hiện tên gọi "Minh Him Lam" trên thương trường.
Vị doanh nhân người Bắc Ninh sáng lập và từng là Chủ tịch Tập đoàn Him Lam trong giai đoạn 1997-2018. Ông đồng thời cũng là nhà sáng lập, Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giai đoạn 2008-2017.
Trước khi lựa chọn rời ghế lãnh đạo Him Lam để đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Dương Công Minh từng tuyên bố "Him Lam không phải công ty gia đình trị mà là độc trị, chỉ mình ông Dương Công Minh là người quyết định thôi". Theo đó, chỉ riêng ông Minh đã sở hữu 99% cổ phần Him Lam.
Him Lam được thành lập vào tháng 9/1994, là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên kinh doanh bất động sản tại TPHCM. Ông Dương Công Minh từng chia sẻ, tên doanh nghiệp được đặt theo địa danh gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Ông Minh khẳng định, Him Lam là do một tay ông làm nên, từ tiền túi vay nặng lãi, từ cái đầu và tính cách của ông. Mỗi sản phẩm của Him Lam, từng căn chung cư đều do chính tay ông xem bản vẽ, thi công. Chính vì vậy, giá trị cốt lõi của Him Lam chính là ông Dương Công Minh.
Hiện nay, trên website chính thức của Him Lam, các tin tức doanh nghiệp vẫn xoay quanh tên tuổi ông Dương Công Minh. Khi phát biểu với vai trò cựu Chủ tịch Him Lam, ông Dương Công Minh vẫn cho hay, trong tương lai Him Lam sẽ là doanh nghiệp thứ 2 làm bất động sản theo mô hình của Vingroup. Him Lam sẽ xây cả một đại đô thị rộng lớn như một thành phố thu nhỏ.
"Hiện nay, Him Lam đang tập trung triển khai dự án bất động sản tại khu vực quận Long Biên. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Hà Nội trong khoảng 10 năm tới" - ông Minh cho biết.
Chiến lược phát triển kinh doanh bất động sản được phía Him Lam cho biết là chiến lược "xương sống", "đầu tàu" trong mô hình chiến lược của doanh nghiệp này.
Bàn đạp đầu tư tài chính
Theo giới thiệu của Him Lam, doanh nghiệp này đã phát triển nhiều dự án bất động sản như Khu nhà ở Đồng Diều (Phường 4, Quận 8), Khu nhà ở 6A Him Lam (Bình Hưng, Bình Chánh) và đặc biệt là khu đô thị mới Him Lam Kênh Tẻ tại Phường Tân Hưng, Quận 7 với quy mô lên đến 58,3 ha…
Ngoài TPHCM, các dự án đô thị lớn của Him Lam cũng đã xuất hiện các tỉnh thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Cần Thơ, Nghệ An,…
Bên cạnh bất động sản, Him Lam còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như đầu tư tài chính - ngân hàng, dịch vụ (golf), đào tạo nguồn nhân lực.
Về đầu tư tài chính, phía Him Lam cho hay, với định hướng trở thành một doanh nghiệp kinh tế đa ngành, lãnh đạo Him Lam đã quyết định mở rộng sang phát triển lĩnh vực đầu tư tài chính.
"Trọng tâm trong hoạt động đầu tư tài chính của Him Lam là tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Liên Việt cùng Công ty Liên Việt Holdings nhằm tạo ra bàn đạp trong chiến lược đầu tư của mình. Và nay là ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Sacombank là ngân hàng thương mại có nền tảng sản phẩm, dịch vụ tốt, mạng lưới chi nhánh rộng lớn, thương hiệu nổi bật trên thị trường mà đặc biệt là ở khu vực phía Nam" - bản giới thiệu doanh nghiệp của Him Lam cho biết.
Điều này góp phần giúp Him Lam thực hiện chiến lược đầu tư của mình không chỉ giới hạn trong các hoạt động đầu tư bất động sản, mà có thể mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế có hiệu quả khác thông qua các kênh đầu tư tài chính gián tiếp khác nhau.
Về dịch vụ sân golf, Him Lam hợp tác với một số đối tác đã đầu tư vào các dự án sân Golf Long Biên (tại quận Long Biên, TP. Hà Nội), dự án sân golf Tân Sơn Nhất (tại quận Tân Bình, TPHCM). Bên cạnh đó, tập đoàn này còn đầu tư xây dựng sân tập golf Him Lam - Ba Son nằm bên cầu Thủ Thiêm nối liền trung tâm Sài Gòn với đô thị mới Thủ Thiêm.
Lĩnh vực công trình giao thông cũng được Him Lam đề cập tới song không được tập đoàn này nhấn mạnh.
(Theo Dân Trí)