Đại gia Dương Công Minh và đường về 'một nhà' với Bamboo Airways

17/08/2022 15:41

Trước khi về một nhà, giới đầu tư đã chứng kiến nhiều giao dịch và nhân sự tại FLC (tập đoàn mẹ của Bamboo Airways) và Bamboo Airways liên quan tới ông Dương Công Minh và Sacombank.

Cái bắt tay giữa Sacombank với FLC, Bamboo Airways

Bamboo Airways vừa thông tin ông Dương Công Minh, chủ tịch tập đoàn bất động sản Him Lam và Ngân hàng Sacombank, trở thành cố vấn cao cấp hội đồng quản trị của hãng hàng không này.

Theo đó, sáng 15/8, Chủ tịch Bamboo Airways - ông Nguyễn Ngọc Trọng đã thông báo nghị quyết của hội đồng quản trị (HĐQT) về việc mời ông Dương Công Minh trở thành cố vấn cho HĐQT của hãng.

Theo Bamboo Airways, ông Dương Công Minh là một doanh nhân kỳ cựu có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Ông là nhà sáng lập và lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tên tuổi như CTCP Him Lam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), LienVietPostBank…

Ông Dương Công Minh trở thành cố vấn Bamboo Airways. (Ảnh: Bamboo Airways)

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, việc ông Dương Công Minh trở thành cố vấn cao cấp HĐQT của Bamboo Airways có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cải tổ, kiện toàn bộ máy quản trị và lãnh đạo cấp cao của hãng, hướng tới chinh phục các mục tiêu lớn một cách bền vững trong giai đoạn phát triển mới.

Trước đó, giới đầu tư chứng kiến nhiều giao dịch và nhân sự tại FLC (tập đoàn mẹ của Bamboo Airways) và Bamboo Airways liên quan tới ông Dương Công Minh và Sacombank.

Sacombank là một trong những chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways. Thông tin này được biết đến rộng rãi sau khi cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt và bị khởi tố vị tội thao túng giá cổ phiếu.

Tập đoàn FLC và Bamboo Airways có nhiều mối quan hệ vay nợ với Ngân hàng Sacombank do ông Dương Công Minh làm chủ tịch.

Theo đó, trong quý I/2022 Tập đoàn FLC vay ngắn hạn Sacombank gần 64 tỷ đồng. Khoản vay này sau đó được tất toán trước ngày 30/6 sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt và Sacombank lên tiếng khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.

Tính tới cuối quý I/2022, Tập đoàn FLC có 2 khoản vay dài hạn với Sacombank trị giá tương ứng hơn 1.176 tỷ đồng và 600 tỷ đồng.

FLC vay 1.800 tỷ đồng Sacombank trong quý I/2022.

Các khoản vay lên tới nhiều nghìn tỷ đồng của Tập đoàn FLC đối với Sacombank của ông Dương Công Minh được hình thành chủ yếu bằng bất động sản, cổ phiếu Bamboo Airways (BAV) và các dự án hình thành trong tương lai…

Một hợp đồng vay vốn 120 tháng ghi nhận vào ngày 14/5/2021 được đảm bảo bằng tài sản bên thứ ba là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác.

Tuy nhiên, tính hết quý II/2022, FLC đã hoàn toàn không còn ghi nhận các khoản vay đối với Sacombank.

Một điểm đáng chú ý là trong báo cáo của Tập đoàn FLC xuất hiện khoản vay 621 tỷ đồng đối với một cá nhân tên Lê Thái Sâm và một khoản vay hơn 185 tỷ đồng với CTCP Tập đoàn Homeliday. Đây đều là các khoản vay tín chấp, không có tài sản đảm bảo.

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên, đại diện Sacombank cho biết ngân hàng này cho hệ sinh thái của FLC (gồm cả hàng không) vay trên 5.000 tỷ đồng. Các khoản vay chủ yếu được bảo đảm bằng cổ phiếu BAV và các dự án bất động sản. Theo các báo cáo, ông Trịnh Văn Quyết cũng như vợ và các công ty trong hệ sinh thái FLC đã dùng cả trăm triệu cổ phần BAV (Bamboo Airways) để bảo đảm cho một khoản vay phát sinh tại Sacombank.

Sau sự cố xảy ra với ông Trịnh Văn Quyết, Sacombank đã tiến hành tất toán trước hạn hàng nghìn tỷ đồng.

Tới quý II/2022 FLC không còn vay Sacombank, trong khi vay ông Lê Thái Sâm và Homeliday khoảng 800 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 9/2021, Sacombank và Bamboo Airways cùng hệ sinh thái Bamboo Airways đã ký kết hợp tác toàn diện, trở thành đối tác chiến lược về đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ… Theo thỏa thuận, Sacombank cung cấp các dịch vụ tài chính doanh nghiệp liên quan tới tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, các dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngoại hối… đáp ứng các nhu cầu sản xuất kinh doanh của Bamboo Airways cũng như hệ sinh thái liên quan.

Chân dung nhà đầu tư mới

Trong lá thư chia tay hồi cuối tháng 7, cựu Chủ tịch Bamboo Airways Đặng Tất Thắng (người thay thế ông Trịnh Văn Quyết sau khi bị bắt) cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng để chuyển giao Bamboo Airways với “nhà đầu tư mới”.

Tại đại hội bất thường ngày 13/8, cổ đông Bamboo Airways đã bầu thêm nhiều thành viên HĐQT mới, trong đó có ông Lê Thái Sâm. Ông Sâm từng là thành viện HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại DIC (DIC) - công ty liên kết của DIC Corp (DIG). Him Lam của ông Dương Công Minh cũng từng hiện diện tại DIG với vai trò cổ đông lớn giai đoạn 2020-2022.

Ông Dương Công Minh sinh năm 1961, nguyên quán ở Quế Võ, Bắc Ninh, hiện sinh sống tại TP.HCM và là chủ tịch HĐQT Sacombank, chủ tịch Chứng khoán Liên Việt và CTCP Him Lam cũng như một số doanh nghiệp khác. Trước đó, ông Minh là chủ tịch LienVietPostBank. Ông Minh tốt nghiệp cử nhân kinh tế - Đại học Kinh tế quốc dân năm 1984.

Sacombank ký hợp tác chiến lược với Bamboo Airways hồi tháng 9/2021.

CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) là công ty liên kết của Tập đoàn FLC. Tính tới cuối quý II/2022, FLC sở hữu 21,7% cổ phần tại hãng hàng không này.

FLC gặp nhiều khó khăn sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết. Cổ phiếu FLC giảm giá gần 4 lần kể từ đầu năm và hiện còn 5.700 đồng/cp. Thậm chí, cổ phiếu này còn sắp bị đình chỉ giao dịch vì chưa khắc phục vi phạm về công bố thông tin. FLC chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.

Cổ phiếu của CTCP Nông dược HAI - một doanh nghiệp có liên quan với Tập đoàn FLC - cũng nhận thông báo về khả năng đình chỉ giao dịch với lý do tương tự. Trước đó, cổ phiếu của FLC Faros (ROS) thuộc hệ sinh thái FLC cũng bị đình chỉ giao dịch từ 12/8 vì vi phạm công bố thông tin báo cáo tài chính quý II.

Ngành hàng không ghi nhận kết quả kinh doanh sáng dần thời hậu Covid-19 với lợi nhuận tiếp tục được duy trì, hoặc đã bớt lỗ. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn đối mặt với khó khăn do giá nhiên liệu cao và đường quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn.

Bamboo Airways chưa công bố kết quả kinh doanh. Trong năm 2021, Bamboo Airways ghi nhận lỗ hơn 2.200 tỷ đồng do tác động của đại dịch Covid-19. Trong các năm trước, hãng lãi khoảng 240-300 tỷ đồng/năm. Theo ước tính của Tập đoàn FLC, Bamboo Airways lỗ khoảng 2.100 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022. Hãng có kế hoạch tăng đội máy bay lên 35 chiếc vào cuối năm 2022, 42 chiếc vào năm 2023 và 100 chiếc vào năm 2028.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đại gia Dương Công Minh và đường về 'một nhà' với Bamboo Airways
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO