Ông Nguyễn Hữu Đường còn có tên gọi khác là Đường Bia. Ông Đường được biết đến như người đầu tiên thành lập công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội.
Hiện, ông Đường làm Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình. Thành lập năm 1993, Hòa Bình có ngành nghề kinh doanh sản xuất, kinh doanh rượu bia, nước giải khát, xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp, sản xuất malt ( nguyên liệu chính để sản xuất bia), kinh doanh nhà, bất động sản,...
Tham gia vào xây dựng cao tốc
Ngày 5/10, công ty Hòa Bình của đại gia Đường bia khánh thành đoạn đường mẫu cao tốc với cam kết chất lượng vĩnh cửu, chống chịu được động đất cấp 8.
Ông Đường cho biết, doanh nghiệp đủ năng lực tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cao tốc Gia Nghĩa– Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo vị đại gia này, để góp phần thu hút nhà đầu tư hai bên tuyến đường cao tốc, Hòa Bình sẽ tự bỏ chi phí đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng xã hội như xây dựng thêm nhà máy nước sạch dọc hai bên tuyến đường để phục vụ nhu cầu tăng cao.
Đồng thời, công ty tổ chức xây dựng khu nhà ở xã hội mẫu phục vụ công nhân, quy mô nhà ở cao tối đa 17 tầng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạch, căn tin, dịch vụ, trường học… Giá bán tối đa khoảng 12 triệu đồng/m2 sàn nhà ở.
Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa– Chơn Thành là dự án quan trọng quốc gia. Điểm đầu tại khu vực thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, kết nối với điểm đầu của cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh) và điểm cuối của đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Mới đây, liên danh Vingroup – Techcombank (nhà đầu tư lập đề xuất dự án) đã có tờ trình đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức PPP. Phân kỳ đầu tư đề xuất giai đoạn 1 dài khoảng 128,8km, quy mô 4 làn xe cao tốc... với tổng kinh phí trên 29.000 tỷ đồng.
Rao bán khách sạn dát vàng
Ông Đường được biết tới là một trong những đại gia nổi tiếng gắn với các công trình dát vàng. Dát vàng dường như vừa là thú chơi riêng, ông từng dát vàng thành lan can căn hộ, thang máy, nhưng quyết định gây sốc nhất là mạ vàng cả thiết bị nhà vệ sinh.
Năm 2020, khách sạn dát vàng đầu tiên tại Hà Nội khai trương. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD với mặt ngoài và nhiều vật dụng được dát vàng 24k. Trong đó, 36 căn phòng hạng sang với tất cả mọi thứ được dát vàng từ phòng tắm, bồn tắm, toilet, giường ngủ, gương, cửa đến khăn, áo tắm của khách trong phòng cũng đều được dát vàng.
Ông Đường cho biết, thế giới chưa có nước nào có tòa nhà dát vàng từ trong ra ngoài. Ở Việt Nam tiêu chuẩn cao nhất chỉ có 5 sao. Abu Dhabi có khách sạn 8 sao, Dubai có khách sạn 7 sao.
Dù tâm huyết nhưng tháng 3/2023, ông Đường rao bán khách sạn này. Giá khởi điểm là 250 triệu USD, tương đương khoảng 5.830 tỷ đồng. Song mới đây, ông Đường lại tuyên bố không bán khách sạn dát vàng này nữa mà để tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp.
Tại Đà Nẵng, một khách sạn cũng được vị đại gia này dát vàng là Đà Nẵng Golden Bay. Dự án với quy mô hơn 1.000 căn hộ và phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Dự án này sở hữu bể bơi vô cực dát vàng được xây dựng trên nóc tòa nhà cao 29 tầng, cùng với đó là các thiết bị vệ sinh làm từ kim loại cũng đều được dát vàng 24K.
Thang máy tới thiết bị vệ sinh dát vàng
Ngoài các dự án mang tính biểu tượng trên, đại gia Đường bia cũng sở hữu loạt dự án bất động sản khác có chi tiết dát vàng. Tòa chung cư cao cấp Hòa Bình Green City nổi tiếng khi được dát vàng toàn bộ lan can, khu vực sảnh, hành lang và hệ thống thang máy.
Thực tế, lúc bắt đầu xây dựng Hòa Bình Green City, chủ đầu tư không cam kết mạ vàng lan can, thang máy. Nhưng theo ông Đường, để căn hộ đạt tiêu chuẩn 6 sao nên ông quyết định mạ vàng cho công trình. Ông cho hay, mạ vàng vừa khẳng định sự vĩnh cửu vì vàng không bị oxy hóa vừa tăng thêm giá trị cho căn hộ mà người mua hoàn toàn không phải trả thêm chi phí này.
Năm 2022, ông Đường tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội với dự án tại quận Hoàng Mai. Đáng chú ý, dù là nhà ở xã hội mức giá thấp, căn hộ vẫn có chi tiết dát vàng. Theo công bố, căn hộ thiết kế hợp lý và bàn giao nội thất cơ bản trần sàn, thiết bị vệ sinh Toto có điểm nhấn dát vàng, cùng hệ thống thiết bị thang máy, việt liệu xây dựng, kết cấu xây dựng độ bền trăm năm.
Theo kế hoạch, công ty dự kiến sẽ xây dựng 10.000 căn, mức giá bán các căn nhà ở xã hội ở nội thành Hà Nội là 17-18 triệu đồng/m2, ở các tỉnh là từ 11-11,5 triệu đồng/m2.