Phát biểu tại Tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" tổ chức tại Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: "Trong đại dịch COVID-19, bạo lực với phụ nữ đã tăng nhanh chóng. Theo một báo cáo mới công bố của Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp quốc UN Wonmen, có tới 45% phụ nữ phản ánh rằng họ hoặc một số người phụ nữ mà họ biết đã phải trải qua một dạng bạo lực."
Theo ông Christian Manhart, truyền thông đóng vai trò quan trọng góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục về vấn đề này cũng như góp phần thay đổi thái độ, hành vi trong cộng đồng.
Việc tổ chức Tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" là việc làm cần thiết, góp phần giúp các nhà báo và giới truyền thông hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề này, góp phần chống lại bạo lực giới.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng tọa đàm sẽ là cơ hội giúp các phóng viên thu nhận được những kỹ năng, kinh nghiệm quý báu để hạn chế những sai sót xảy ra trong quá trình tác nghiệp về các chủ đề nhạy cảm như: bình đẳng giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, xâm hại tình dục, bảo vệ người yếu thế trong xã hội...
“Buổi tọa đàm này cũng là cơ hội để đội ngũ phóng viên, biên tập viên trao đổi kinh nghiệm làm nghề, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tác nghiệp thực tế, từ đó rút ra những bài học giúp nâng cao kỹ năng đưa tin, viết bài về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái,” ông Ngô Minh Hiển nói.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các cá nhân có tầm ảnh hưởng và các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, báo chí và giới. Trong phần tham luận, các diễn giả và nhà báo cùng nhau thảo luận các chủ đề như cách đưa tin để bảo vệ quyền riêng tư của người bị hại và gia đình của họ một cách khéo léo, hiệu quả, làm sao để phá vỡ sự yên lặng của phụ nữ khi bị xâm hại và tránh biến nạn nhân bị xâm hại trở nên đáng thương một lần nữa thông qua những kinh nghiệm thực tế.
Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, câu hỏi mà các nạn nhân sợ nhất là “tại sao”. Vì thế khi trò chuyện cùng nhân vật hãy tránh dùng những câu hỏi như vậy, thay vào đó tìm một không gian phù hợp, bắt đầu từ những câu hỏi thăm để nhân vật mở lòng.
Trong khi đó, nhà báo Hoàng Như Hoa - Phó trưởng Ban biên tập tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam) đề cập tới sự tế nhị trong việc truyền tải thông tin, làm sao để đưa thông tin một cách hiệu quả, tránh gây tổn thương cho nạn nhân thêm một lần nữa.
Nhân dịp này, bà Lucila Carrasco, chuyên gia ban Truyền thông và Thông tin của UNESCO tại Việt Nam giới thiệu phiên bản tiếng Việt cuốn “Đưa tin về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - Cẩm nang dành cho nhà báo” và "Đối thoại thận trọng: Cẩm nang giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ trong và thông qua truyền thông".
Đây là nguồn tư liệu hữu ích, hỗ trợ thiết thực dành cho các nhà báo, phóng viên, chuyên gia, giảng viên và sinh viên báo chí truyền thông trên toàn thế giới khi đưa tin về vấn đề bạo lực giới.
VOV phối hợp cùng với UNESCO Việt Nam tổ chức cuộc thi dành cho báo chí nhằm nâng cao kiến thức “Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái", góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trên báo chí và nâng cao nhận thức của các nhà báo, phóng viên về vấn đề bình đẳng giới nói chung và chống bạo lực giới nói riêng.
Đối tượng tham gia gồm: phóng viên, nhà báo, phóng viên ảnh, biên tập viên... đang công tác tại các cơ quan báo chí của Việt Nam như đài truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử, báo in...
Bài thi gồm 10 câu hỏi, trong đó có 9 câu trắc nghiệm và 1 câu tự luận liên quan đến các chủ đề bất bình đẳng giới được đề cập trong cuốn cẩm nang "Đưa tin về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”.
Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 8/12/2021 đến hết ngày 27/12/2021.
Người tham gia dự thi có thể truy cập vào đường link https://bit.ly/3dxTKeY
Vũ Vân