Đại dịch COVID-19 sắp kết thúc chưa? Bất ngờ với nhận định của chuyên gia Mỹ

07/01/2022 13:34

Trong bài viết này, các chuyên gia Mỹ phân tích về thời gian COVID-19 không còn là đại dịch mà sẽ chuyển thành bệnh đặc hữu.

COVID-19 đã dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của từ "đại dịch" - một đợt bùng phát dịch bệnh trên quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên, có khả năng đại dịch COVID-19 có thể trở thành một thứ hoàn toàn khác: một căn bệnh đặc hữu.

Và các chuyên gia dự đoán sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron có thể giúp COVID-19 chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu sau vài tháng nữa.

dai-dich-covid-19-1.jpg

Một y tá đóng một chiếc túi đựng mẫu xét nghiệm COVID-19 tại sân bay quốc tế ở Phuket, Thái Lan vào ngày 29 tháng 11 năm 2021. REUTERS / Jorge Silva

Nhiều người tin rằng sự gia tăng số ca nhiễm Omicron hiện tại ở Mỹ sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 1. Một số chuyên gia lưu ý rằng số ca bệnh đã giảm đáng kể ở Nam Phi, nơi mà biến thể này được báo cáo lần đầu tiên vào cuối tháng 11.

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Vanderbilt ở Tennessee, giám đốc y tế của Quỹ Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm, Mỹ, nói với Healthline: "Để từ đại dịch trở thành bệnh đặc hữu, mức độ miễn dịch của quần thể phải tăng lên mức miễn dịch cộng động. Virus càng dễ lây lan, bạn càng cần mức độ miễn dịch cộng đồng cao để kiềm chế virus cho đến khi nó chỉ còn âm ỉ".

Biến thể Omicron đang lan truyền nhanh và rộng đến mức đến một thời điểm nào đó, sẽ có đủ số người có khả năng miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc từng nhiễm bệnh. Và khi đó, đại dịch COVID-19 có thể dần kết thúc.

Tiến sĩ Schaffner nhận định: "Nếu không có một biến thể mới xuất hiện, chúng ta có thể đạt được mức độ bệnh đặc hữu nào đó vào đầu năm 2022".

Erica Susky, một chuyên gia dịch tễ học bệnh viện và kiểm soát nhiễm trùng tại Toronto, Canada, cho biết thêm: "COVID-19 nhiều khả năng sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu".

Susky nói với Healthline: "Với tất cả những gì đang xảy ra trong đại dịch hiện nay, rõ ràng là SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền từ người sang người rất tốt, không thể ngừng lây truyền bằng bất kỳ biện pháp y tế công cộng hiện tại nào và sẽ tiếp tục lưu hành, có thể là vô thời hạn".

dai-dich-covid-19-2.jpg

Nhân viên y tế chuẩn bị xét nghiệm COVID-19 tại một địa điểm xét nghiệm ở Omaha, Nebraska, vào ngày 10 tháng 11 năm 2021. Ảnh: Dan Brouillette | Bloomberg | Getty Images.

Các chuyên gia nhận định Omicron có thể biến đại dịch chuyển thành bệnh đặc hữu vì nó lây lan dễ dàng nhưng dường như không gây bệnh nặng như một số biến thể khác trong quá khứ.

"Một mầm bệnh hiệu quả tiếp tục lây lan là một mầm bệnh không giết chết hoặc gây hại nghiêm trọng cho phần lớn các cá thể bị nhiễm bệnh. Do đó, các vật chủ còn sống có thể hoạt động khá bình thường khi bị nhiễm bệnh, là vật chủ có thể lây lan mầm bệnh virus sang nhiều vật chủ mới hơn", Susky giải thích.

"Vẫn còn một số lượng lớn người trên thế giới chưa nhiễm SARS-CoV-2. Một loại virus có thể trở thành bệnh đặc hữu khi phần lớn dân số thế giới có khả năng miễn dịch nhờ vaccine hoặc từng nhiễm bệnh. Những người có khả năng miễn dịch ở một mức độ nào đó sẽ ít lây lan virus hơn, vì phản ứng miễn dịch của họ sẽ ngăn chặn sự nhân lên của virus".

Susky nói thêm: "Cuộc sống sẽ tiếp tục và thế giới sẽ học cách chung sống với COVID-19. Đại dịch sẽ không đột nhiên kết thúc, nhưng sẽ dần biến mất".

Học cách sống chung với bệnh COVID-19 đặc hữu


Tiến sĩ Schaffner nói sống trong một thế giới có bệnh COVID-19 đặc hữu sẽ không quá khác biệt so với sống chung với các bệnh đặc hữu khác, chẳng hạn như cúm.

Với cả COVID-19 và cúm, "các chủng mới có thể xuất hiện và gây ra một số bệnh tật nhất định", ông nói. "Mỗi năm, chúng ta đối phó với điều đó bằng cách khuyến khích càng nhiều người tiêm chủng càng tốt".

Tuy nhiên, trong khi các đợt bùng phát cúm có xu hướng xảy ra theo mùa, COVID-19 có khả năng lưu hành trong dân chúng quanh năm, tiến sĩ Schaffner lưu ý.

Một số biện pháp y tế công cộng để ứng phó với COVID-19 có lẽ sẽ giúp ích. Tiến sĩ Schaffner cho biết có thể cần phải sử dụng mũi tiêm tăng cường định kỳ.

Sự bùng phát của các đợt bệnh đặc hữu cũng sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho hệ thống y tế và nền kinh tế, giống như những mùa dịch cúm tồi tệ đã làm.

Việc tiêm chủng và xét nghiệm trên diện rộng cũng sẽ tiếp tục để ngăn chặn COVID-19 quay trở lại mức độ dịch bệnh, đặc biệt là khi các chủng mới xuất hiện.

Tiến sĩ Sean Clouston, nhà dịch tễ học và phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Stony Brook ở New York, nói với Healthline. "Hiệu quả giảm dần của vaccine nghĩa là chúng ta cần tiêm vaccine hằng năm (vào đầu mùa thu) để giữ mức miễn dịch cao, và để ứng phó với những biến thể mới".

"Nhưng kinh nghiệm từ vaccine cúm cho thấy rằng điều này rất khó thực hiện, không phải lúc nào mọi người cũng đi tiêm, vì vậy chúng ta nên lường trước các làn sóng COVID-19 thường xuyên xảy ra vào mùa đông".

Nếu dịch COVID-19 lại bùng phát, các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thậm chí là phong tỏa có thể cần được tái áp dụng trong một khoảng thời gian, tiến sĩ Schaffner nói.

Đặc biệt, việc đeo khẩu trang nhiều khả năng vẫn sẽ phổ biến, đặc biệt là ở những nơi có người già hoặc người suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như bệnh viện và viện dưỡng lão.

Tiến sĩ Schaffner nói thêm: "Ở châu Á, việc đeo khẩu trang trong mùa cúm đã phổ biến trong nhiều thập kỷ. Chúng ta từng nghĩ điều này thật kỳ lạ. Bây giờ chúng ta đã thích nghi với nó".

Susky nói thêm: "Hy vọng rằng một số biện pháp y tế công cộng có thể tồn tại lâu hơn, chẳng hạn như làm việc tại nhà, đeo khẩu trang khi ốm hoặc khi đến nơi công cộng…".

Theo Tin tức online
https://tintuconline.com.vn/suc-khoe/dai-dich-covid19-sap-ket-thuc-chua-n-505904.html
Copy Link
https://tintuconline.com.vn/suc-khoe/dai-dich-covid19-sap-ket-thuc-chua-n-505904.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đại dịch COVID-19 sắp kết thúc chưa? Bất ngờ với nhận định của chuyên gia Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO