Đại biểu Quốc hội: Giám sát tối cao về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông

23/05/2022 18:36

Đại biểu Quốc hội yêu cầu giám sát tối cao về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bởi đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đại biểu Quốc hội: Giám sát tối cao về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Họp phiên toàn thể tại hội trường vào chiều 23/5, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đặc điểm tình hình năm 2023 và đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến nội dung chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Trong đó, đối với giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉđạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực với 121 vấn đề thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn, nội dung đã thực hiện, năng lực thực hiện của các cơ quan, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.

Quốc hội giám sát 4 chuyên đề

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

Cụ thể, chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội vềđổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh, trong quá trình triển khai xây dựng Chương trình giám sát, có một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không lựa chọn và đã giải trình cụ thể như trong Tờ trình đầy đủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Đối với các đề xuất còn lại, căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét, tiến hành giám sát hoặc tổ chức các phiên giải trình cho phù hợp.

Giám sát tối cao đối với chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua,Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hoàn thành chương trình, kế hoạch giám sát đã đề ra.

Thông qua hoạt động giám sát, đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ luỵ nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt và hoàn thiện chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) kiến nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra giám sát, đồng thời sớm nghiên cứu ban hành đềán đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

“Cần tiếp tục giao cho các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố triển khai các giám sát chuyên đề tại địa phương. Tuy nhiên, việc giao cho đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, thành phố giám sát cùng một nội dung cần cân nhắc kỹ theo hướng giao đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì giám sát và Thường trực HĐND tỉnh, thành phố phối hợp giám sát”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, cả 4 chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giám sát trong năm 2023 đều rất đúng và trúng. Tuy nhiên, đại biểu đặc biệt quan tâm đếnchuyên đề 3 bởi đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi đổi mới chương trình, sách giáo khoa chính là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

“Cử tri rất bức xúc vì nhiều chương trình giáo dục không phù hợp, nhiều bộ sách giáo khoa còn in sai, hình ảnh không chuẩn mực, có quá nhiều bộ sách được đề nghị lựa chọn gây lúng túng cho nhà trường cũng như phụ huynh. Đặc biệt, sách giáo khoa không được sử dụng dụng lại gây khó khăn cho nhiều gia đình nghèo. Vì thế, chúng ta cần phải giám sát tối cao đối với chuyên đề 3 xem đâu là mặt được, chưa được để từ đó có những kiến nghị sửa đổi cho phù hợp”, đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng chuyên đề 3 cần được Quốc hội tiến hành giám sát tối cao bởi việc này sẽ giúp đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, từ đó định hướng tiếp tục chỉ đạo đổi mới có hiệu quả trong những năm tiếp theo. Đại biểu cũng đặt ra vấn đề cần bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

“Thậm chí còn có câu hỏi đặt ra liệu có “vụ Việt Á” trong lựa chọn sách giáo khoa hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi và khẳng định chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 không bỏ môn học Lịch sử đối với học sinh THPT cho dù học sinh lựa chọn Lịch sử là môn không chuyên hay môn học chuyên sâu.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) đề xuất lựa chọn chuyên đề 2 và chuyên đề3 để thực hiện giám sát tối cao. Trong đó, đối với chuyên đề 3, đại biểu nhận định khâu tổ chức biên soạn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương còn chậm so với tiến độ đề ra, quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương cho rằng qua phiên thảo luận, cơ bản các đại biểu nhất trí với đánh giá về hoạt động giám sát năm 2021, việc xây dựng chương trình về kết quả giám sát năm 2022 cũng như dự kiến chương trìnhgiám sát 2023 đã nêu trong tờ trình.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trên cơ sở thảo luận hôm nay, kết quả phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội cả vềđề cương, thời gian giám sát cụ thể, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉđạo Tổng Thư kýQuốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của đại biểu để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và Nghị quyết về thành lập các đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Hải Liên


    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Đại biểu Quốc hội: Giám sát tối cao về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO