Đại biểu Quốc hội: Cần bỏ tư duy 'không buôn gì lãi bằng buôn đất'

24/06/2023 09:45

Theo đại biểu Quốc hội, việc xây dựng chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng khi thị trường này luôn rình rập nhiều yếu tố rủi ro đến nền kinh tế.

Chiều 23/6, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Quan tâm về điều 8 trong dự thảo luật nhưng đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho biết ông rất băn khoăn vì quy định trong điều này quá mỏng chưa đủ điều tiết thị trường.

Theo ông, thị trường bất động sản luôn rình rập tình trạng sốt nóng hoặc đóng băng và tình trạng này xảy ra thường xuyên theo chu kỳ từ năm 1990 đến nay. "Hai trường hợp này đều để lại hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, nếu chính sách Nhà nước không điều tiết kịp thời thì có thể ảnh hưởng đến khủng hoảng tài chính, kinh tế", đại biểu nói.

"Cục máu đông" của thị trường bất động sản

Theo vị đại biểu, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang đứng trước bờ vực phá sản, người dân khốn đốn. Do đó việc xây dựng chính sách của Nhà nước đối với thị trường này rất quan trọng.

"Cử tri mong muốn sửa đổi Luật làm sao để xóa bỏ tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất, làm sao để người nghèo không nghèo hơn vì bất động sản, làm sao để thế hệ sau không vô vọng với ước mơ có được căn nhà của mình. Tức, chúng ta phải điều tiết được thị trường bất động sản cùng với các luật khác", đại biểu nhấn mạnh.

Để đảm bảo luật hóa cụ thể các chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản, đại biểu cho rằng cần đảm bảo 4 yếu tố. Thứ nhất là tính ổn định của chính sách do thị trường bất động sản có chu kỳ lâu dài nên tính ổn định chính sách rất quan trọng.

"Bên cạnh đó, cần tạo được sự thuận lợi thông thoáng, động lực sau khi sửa đổi các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này; phải điều tiết lại phân khúc nhà ở. Hiện nay, phân khúc nhà ở cao cấp tồn dư trong khi nhu cầu nhà ở công nhân thiếu, cục máu đông đang nằm ở đây", ông nói.

mua ban bat dong san anh 1
Đại biểu cho rằng phải điều tiết lại phân khúc nhà ở. Hiện nay, phân khúc nhà ở cao cấp tồn dư trong khi nhu cầu nhà ở công nhân thiếu. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời chủ động với tình trạng nóng lạnh của thị trường bất động sản. Các mục tại Điều 8 của dự thảo luật còn chung chung, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư; đồng thời kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ thuế…

Hơn nữa cần có công cụ điều tiết khi thị trường biến động nhưng cần phải có kiểm soát chặt bằng chính sách của Nhà nước. Chẳng hạn ở Singapore, nước này điều tiết bằng công cụ thuế để thị trường phát triển ổn định.

"Mua căn nhà thứ 2 phải nộp 7% giá trị bất động sản, mua căn thứ 3 phải nộp 10%; chuyển nhượng năm thứ nhất nộp 16%, chuyển nhượng năm thứ 2 nộp 10%, năm thứ 3 nộp 6%... Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư phải nộp 15-16% giá trị bất động sản khi mua", đại biểu dẫn chứng.

Đối với ngân hàng, đại biểu cho biết chính sách cho vay cũng được thực hiện nghiêm ngặt, thực hiện sai sẽ bị rút giấy phép. Do đó mà hiện nay, đa số người dân Singapore đều có thể sở hữu 1 căn nhà phù hợp với mình.

Không ít chủ đầu tư có vốn sở hữu thấp, chủ yếu là vốn ngân hàng

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết kinh doanh bất động sản có mục đích chính là tìm kiếm lợi nhuận, tuy nhiên, trong dự thảo Luật quy định các trường hợp: Công trình xây dựng, chuyển nhượng bất động sản do phá sản, giải thể… không thuộc loại hình kinh doanh bất động sản, không tìm kiếm lợi nhuận. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

"Bên cạnh đó, các dự án kinh doanh nhà ở, bất động sản có liên quan đến luật Đất đai, luật Nhà ở, đề nghị cần thống nhất luật nào là chủ đạo, các luật khác có liên quan chỉ dẫn chiếu để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật", đại biểu nói.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh quy định về điều kiện kinh doanh bất động sản là rất cần thiết, đại biểu cho rằng cần biết rõ năng lực tài chính của nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi của bên mua, bên thuê nhà.

Không ít chủ đầu tư có vốn sở hữu thấp, chủ yếu là vốn ngân hàng, khi có sự cố xảy ra sẽ gây hậu quả lớn cho người mua và ngân hàng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

"Thực tế, thời gian qua, không ít chủ đầu tư có vốn sở hữu thấp, chủ yếu là vốn ngân hàng, khi có sự cố xảy ra sẽ gây hậu quả lớn cho người mua và ngân hàng. Tuy nhiên chỉ quy định chủ đầu tư phải có vốn không thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư dự án dưới 20 ha, không thấp hơn 15% vốn đầu tư dự án trên 20 ha. Theo đó cần nêu rõ giới hạn diện tích này là cho từng dự án, hay tính tổng các dự án", đại biểu nhấn mạnh.

Về điều kiện nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh, đại biểu cho rằng cần quy định các công trình xây dựng trên đất có hình thức sử dụng đất được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất, trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thì được phép bán. Ngược lại cho thuê, còn trả tiền cho thuê hàng năm thì chỉ được cho thuê, không được bán, để bảo vệ quyền lợi của người mua khi nhà nước thu hồi đất.

Theo zingnews.vn
https://zingnews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-bo-tu-duy-khong-buon-gi-lai-bang-buon-dat-post1442296.html
Copy Link
https://zingnews.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-bo-tu-duy-khong-buon-gi-lai-bang-buon-dat-post1442296.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Cần bỏ tư duy 'không buôn gì lãi bằng buôn đất'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO