Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức, nhằm tôn vinh thành quả sáng tạo của các tác giả qua việc trưng bày, giới thiệu những mẫu thiết kế sáng tạo, sản phẩm mỹ thuật có giá trị ứng dụng trong đời sống và tính thẩm mỹ cao.
Toàn cảnh không gian Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng Toàn quốc lần thứ 5 (Ảnh: Ban Tổ chức).
Đây là dịp để công chúng chiêm ngưỡng sự đa dạng của các chất liệu, sự phong phú trong tạo hình, thiết kế sản phẩm, là dịp để các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân kết nối với các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Phó Trưởng Ban Tổ chức Triển lãm, cho biết: "Sau 4 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 538 tác phẩm của 283 tác giả thuộc 25 tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự, và đã chọn được 201 tác phẩm, bộ tác phẩm của 138 tác giả để trưng bày triển lãm và chấm giải. Ban Tổ chức cũng đã khảo sát nhiều địa điểm và lựa chọn nhà Cánh Diều, Bảo tàng Dân tộc học để phục vụ cho cuộc triển lãm với mong muốn công chúng sẽ được thưởng thức những bộ sưu tập chất lượng nghệ thuật cao, được bài trí chuyên nghiệp và công phu trong một không gian lý tưởng".
Nhận định đây là kỳ triển lãm mà các sản phẩm được kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cho rằng: "Mỗi một thời kỳ, mỗi thế hệ đều có những đóng góp mới cho sự sáng tạo sản phẩm, nó không chỉ để chia sẻ một ý tưởng thiết kế, ý tưởng sáng tạo, mà nó trở thành sản phẩm thường ngày, và đó là mục tiêu cao nhất của Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam trong thế kỷ này. Qua các sản phẩm tham gia triển lãm cho thấy yếu tố truyền thống vẫn luôn song hành với đương đại để tạo nên giá trị mới cho văn hóa của người Việt".
Ban Tổ chức kiểm tra tại Triển lãm (Ảnh: Ban Tổ chức).
Họa sĩ Vũ Hy Thiều, Chuyên gia lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng và sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, thành viên Hội đồng Nghệ thuật, cho rằng: "Các nghệ nhân đã khai thác tốt kỹ thuật truyền thống, đồng thời khai thác tốt hình ảnh và tính thẩm mỹ của nghệ thuật truyền thống, nổi trội lên là đan mây tre. Các nghệ nhân đã sử dụng kỹ thuật đan họa tiết truyền thống, chuyển sang họa tiết mới tạo nên các tác phẩm vừa mang tính truyền thống lại vừa rất hiện đại".
Tác phẩm "Cổ môn tự" (mảng sản phẩm ứng dụng) của tác giả Lê Duy Đức đạt giải nhì (Ảnh: Ban Tổ chức).
Các tác phẩm của loại hình thiết kế sáng tạo xuất hiện nhiều ý tưởng độc đáo, cập nhật xu hướng công nghệ mới và đa dạng trong tìm tòi, thể nghiệm hướng tới lợi ích cộng đồng. Mảng sản phẩm ứng dụng với cách tiếp cận chất liệu và hình thức thể hiện phong phú dựa trên những nền tảng thủ công truyền thống dân tộc.
Tác phẩm "Ấm cá - Gốm men màu" (mảng sản phẩm ứng dụng) của tác giả Nguyễn Bảo Toàn đạt giải Ba (Ảnh: Ban Tổ chức).
Hai lĩnh vực này là tấm gương phản chiếu rõ nét đời sống của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam hôm nay. Đó chính là sắc màu riêng của triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5, mở ra trang mới cho Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.