“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” từng là câu tục ngữ quen thuộc được ông cha ta thời xưa nhắc đi nhắc lại như một chân lý trong răn dạy và giáo dục con cái. Tuy nhiên đến thời nay nó không còn phù hợp nữa, thay vào đó nuôi dạy con không đòn roi mới là phương pháp hiện đại được đánh giá là khoa học và hiệu quả hơn để đảm bảo cho con cái chúng ta có một tuổi thơ hạnh phúc.
# Tại sao con trẻ không nghe lời?
Trẻ em không nghe lời, bướng bỉnh là lý do phổ biến nhất khiến các bậc phụ huynh giận dữ và sử dụng đòn roi khi nuôi dạy con. Tuy nhiên lý do gì khiến trẻ không nghe lời thì rất nhiều phụ huynh lại chưa để ý đến trong khi đó mới là điểm mấu chốt để cha mẹ dạy dỗ, uốn nắn con hiệu quả.
1. Nguyên nhân từ phía bố mẹ:
- Bố mẹ không lắng nghe con nói, thì cũng không thể trách được tại sao khi bạn nói con không mấy chú tâm và thực hiện, lý do chính là trẻ đang “noi gương” bạn.
- Bố mẹ lạm dụng câu “Nếu… thì….” sẽ khiến trẻ luôn nghĩ đến một mối đe dọa, một kết cục không tốt đẹp và cảm thấy sợ hãi mỗi khi làm bất kì điều gì, vì thế lâu dần trẻ có xu hướng không muốn nghe, thậm chí sẵn sàng chống đối ngay khi bạn bắt đầu nói.
- Bố mẹ không giữ lời hứa. Chẳng hạn bạn nói “Con học bài xong mẹ sẽ cho đi chơi” thế nhưng khi con hoàn thành thì lại tìm lý do trì hoãn, điều đó khiến trẻ thất vọng, không còn tin tưởng và không nghe lời bố mẹ nữa.
- Bố mẹ hay quát mắng, la hét mỗi khi con không nghe lời thường chỉ khiến mọi việc xấu thêm mà thôi. Thay vào đó, các chuyên gia giáo dục khuyên bố mẹ nên ngồi xuống bằng tầm mắt con, nói nhẹ nhàng, mềm mỏng… sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn và dễ dàng lắng nghe hơn.
2. Nguyên nhân từ phía trẻ:
Đến một giai đoạn nhất định, trẻ dễ rơi vào “khủng hoảng” tâm lý và trở nên bướng bỉnh, không nghe lời cha mẹ hay những người xung quanh xuất phát từ một số nguyên nhân phổ biến như: Trẻ tò mò; Trẻ muốn thu hút sự chú ý; Trẻ muốn được tôn trọng; Trẻ muốn thể hiện bạn thân; Trẻ có bệnh lý….
Khi đó, bố mẹ đừng quá lo lắng bởi vì đây cũng là điều bình thường mà hầu hết mọi đứa trẻ đều vấp phải khi lớn dần lên và nó sẽ nhanh qua thôi khi trẻ bước vào độ tuổi ổn định hơn.
Vì những lý do như trên, cha mẹ hãy bình tĩnh và tìm hiểu lý do khi trẻ không nghe lời để có những cách xử lý kịp thời và phù hợp, giúp cho mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn. Đó cũng là một kỹ năng sống giúp trẻ ngoan ngoãn hơn, tự tin hơn.
# Tác hại khi dùng đòn roi khi dạy con cái
Không phải tự dưng mà tất các chuyên gia tâm lý cũng như những chuyên gia về trẻ em ngày nay đều khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên dùng đòn roi, bạo lực với con cái. Lý do là cách dạy con kiểu cũ này có rất nhiều tác hại đã được kiểm chứng kỹ lưỡng, điển hình như sau:
- Tạo thói quen xấu cho trẻ. Khi không có đòn roi trẻ trở nên vô cùng ương bướng.
- Gây đau đớn về thể xác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Gây rối loạn về mặt tâm sinh lý dài lâu, từ đó khiến trẻ tổn thương về mặt tinh thần và tự phát gia tăng hành vi sai trái.
- Ảnh hưởng đến tình cảm giữa con cái và cha mẹ rất đáng kể.
- Trẻ thường không dám bày tỏ, tâm sự với cha mẹ do lo sợ bị đánh.
- Cho trẻ cảm thấy bạo lực là giải pháp tối ưu, có thể giải quyết tất cả. Từ đó khiến bé chỉ thích dùng bạo lực, trẻ trở nên hung hăng, cục súc hơn, không hiểu lý lẽ và không có sự cảm thông.
- Suy giảm khả năng nhận thức. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đứa trẻ thường xuyên bị cha mẹ sử dụng đòn roi với mình sẽ dẫn tới sự thay đổi trong chất xám có thể ảnh hưởng tới IQ của trẻ, khả năng quyết định và khả năng xử lý thông tin kém đi.
# Những phương pháp dạy con không đòn roi hiệu quả
Trái ngược với phương pháp “Thương cho roi cho vọt”, dạy con không đòn roi là cách dạy con không bạo lực cả về thể xác và tinh thần của bé. Nhiều người nhầm lẫn rằng phương pháp này sẽ nuông chiều và làm hư trẻ nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Một số cách dạy con không đòn roi dưới đây rất nhẹ nhàng mà lại hiệu quả, hơn nữa còn giúp trẻ phát triển tích cực về mặt tâm lý và tạo nên tiền đề tốt cho cuộc sống sau này. Tintuconline mời độc giả cùng tham khảo:
1. Điều chỉnh cảm xúc bản thân, kiên nhẫn quan sát và dẫn dắt trẻ.
Rất nhiều bậc phụ huynh luôn thể hiện cảm xúc tiêu cực ra ngoài khi con không nghe lời và điều đó nhanh chóng tác động xấu đến trẻ. Vì vậy, muốn dạy con không đòn roi, trước tiên bạn cần tự kiềm chế cảm xúc bản thân, không vội vàng nóng giận mà hãy kiên nhẫn quan sát con, sau đó dẫn dắt bé làm theo lời mình từng chút một để bé hiểu hết và có động lực nghe theo.
Ví dụ khi đồ chơi bừa bọn, thay vì ra lệnh “Con nhặt đồ chơi ngay” thì bố mẹ hãy dẫn dắt “Đồ chơi của con rơi trên sàn kìa, giờ phải làm sao đây?”. Khi nghe một lời nói động viên như vậy, trẻ sẽ dễ dàng nghe theo bạn hơn. Nếu trẻ còn chưa rõ, bạn có thể trực tiếp làm cùng con và hướng dẫn con bỏ đồ chơi vào thùng. Như vậy, những lần sau đó, bé sẽ tự động hiểu phải làm gì.
Bằng cách này, trẻ sẽ cảm thấy bản thân có nhiều quyền quyết định, được tin tưởng hơn nên sẽ khiến trẻ chủ động làm theo mong muốn của bạn. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên tự kiểm điểm bản thân xem có thể hiện thái độ tiêu cực hay trách sai con không, nhờ đó bạn sẽ kiểm soát tốt cảm xúc tốt hơn, thành công trong việc dạy con. Bạn là tấm gương cho con noi theo, nếu bạn làm tốt, bé sẽ phát triển tốt về mặt tâm lý hơn.
2. Lắng nghe, tôn trọng cảm xúc và thể hiện sự đồng cảm
Như đã nói ở trên, cách để dạy con không đòn roi mà vẫn ngoan ngoãn là bạn phải biết lắng nghe. Cần tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng và lắng nghe lời của con mình. Khi bạn đã hiểu rõ được bé muốn gì, hãy thể hiện sự đồng cảm. Sau đó, từ tốn giải thích vì sao mà bạn lại yêu cầu khác với mong muốn của bé.
Hãy đặt bản thân vào vị trí của bé để hiểu được bé cần và mong muốn những gì. Dành thời gian nói chuyện, tìm hiểu và chia sẻ với bé mỗi khi có cơ hội cũng sẽ khiến bé yêu thương bạn nhiều hơn. Sự kết nối này sẽ giúp hình thành nên tính cách tốt cho trẻ. Giúp dễ dàng bước chân vào đời, được nhiều người yêu quý.
3. Dùng từ “nên” và “không nên”
Việc bạn yêu cầu không được làm gì đó sẽ khiến não bộ của trẻ phải xử lý gấp đôi lượng thông tin. Bạn chỉ nên hãy đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng cho bé và không dùng từ nhấn mạnh hay thể hiện cảm xúc tiêu cực.
Ví dụ như: Thay vì nói “Đừng vứt đồ chơi lung tung”, bạn hãy nói rằng “Con nên bỏ đồ chơi vào thùng đồ chơi cho gọn gàng nhé”.
4. Đặt ra khen thưởng và hình phạt rõ ràng
Việc đưa quy tắc rõ ràng sẽ giúp bạn trẻ hiểu rõ được bản thân nên làm gì. Với mỗi quy định, bạn cũng nên có những khen thưởng và hình phạt phù hợp. Mỗi khi bé làm đúng, bạn đừng tiếc lời khen nhưng cũng phải phạt nặng khi bé làm sai. Như vậy, bé sẽ có động lực nghe lời hơn.
Bên cạnh đó, khi bé thất bại, bạn không nên chỉ trích mà phải an ủi trước tiên. Khuyên bảo và chỉ dẫn để trẻ có thể làm tốt hơn vào những lần sau. Việc chỉ trích là một cách bạo lực tâm lý mà bạn cần tránh làm. Bởi điều này không khiến bé tốt hơn và chỉ làm bé không dám tiếp tục cố gắng.
Tuy nhiên, khi đặt ra hình phạt cho con bố mẹ cũng cần lưu ý rằng đôi khi hình phạt này hiệu quả với đứa trẻ khác chứ không phải là con của bạn. Do đó, hãy tìm hiểu và chọn hình phạt có đủ tính răn đe riêng dành cho con mình. Hình phạt phải có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau để bé biết rõ và tránh phạm sai lầm.
Theo V.K - Vietnamnet