Da xanh, nhợt nhạt dấu hiếu bạn đang thiếu máu

09/12/2022 14:44

Theo các chuyên gia, thiếu sắt hay gặp ở phụ nữ và trẻ em. Tình trạng này khá phổ biến, nếu chậm trễ điều trị sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Chị Bùi Hải Hà (Đống Đa, Hà Nội) đến một bệnh viện tư ở Hai Bà Trưng, Hà Nội khám với tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, da dẻ nhăn nheo, tóc khô, gãy rụng.

Ban đầu chị Hà còn tưởng đó là do hậu Covid-19 từ đợt tháng 6. Tuy nhiên, khi làm xét nghiệm, các bác sĩ kết luận nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chị Hà bị thiếu sắt.

Còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Nhung (Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên chóng mặt, chân tay không sức sống.

Chị Nhung còn sợ mình bị đột quỵ nhưng khi tới kiểm tra sức khoẻ thì bất ngờ với nguyên nhân hoàn toàn khác. Chỉ số xét nghiệm sắt trong máu của chị Nhung chỉ bằng 2/3 người bình thường.

BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết bệnh thiếu máu, thiếu sắt do cơ thể không cung cấp đủ sắt để tổng hợp nên hồng cầu nên gây ra tình trạng thiếu máu.

Nếu nam giới xét nghiệm dưới 130 G/L, nữ là 120 G/L, phụ nữ mang thai 110 G/L là thiếu máu. Thiếu máu, thiếu sắt là tình trạng phổ biến ở Việt Nam. Bệnh diễn ra từ từ nên khi người bệnh thấy có vấn đề thì bệnh đã rõ.

Ảnh minh hoạ.

BS Thảo cho biết các triệu chứng bệnh nhân hay gặp như hay mệt, da xanh xao, nhợt nhạt, khả năng làm việc giảm sút, bệnh nhân ngủ kém hoặc ngủ nhiều.

Bệnh nhân dễ mất tập trung, giảm trí nhớ. Ngoài ra, bệnh nhân có các triệu chứng tức ngực, tim nhanh, hồi hộp. Trẻ em thiếu máu chậm lớn, chậm tăng cân, dễ nhiễm trùng, kém phát triển thần kinh vận động.

Người bệnh có thể bị các biểu hiện dễ xuất huyết như rong huyết, rong kinh, xuất huyết tiêu hoá.

Bác sĩ Thảo cho biết thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh.

Về lâu dài tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là phụ nữ có thai.

TS BS Bạch Quốc Khánh – Chủ tịch Hội huyết học và Truyền máu Việt Nam cho biết thiếu máu, thiếu sắt hay gặp ở trẻ em và phụ nữ. Tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, các bác sĩ gặp rất nhiều bệnh nhân đến bệnh viện khám vì tình trạng mệt mỏi, xanh xao ngày càng nhiều và khi xét nghiệm bệnh nhân đều ở tình trạng thiếu sắt.

Khi bị thiếu sắt nếu mắc thêm bệnh lý dạ dày thì việc thiếu sắt diễn ra chậm mà cơ thể không nhận thấy được. Nhưng lượng sắt mất đi hàng ngày không được bù thì sau 1- 2 năm dẫn tới nguy hiểm.

Đặc biệt lứa tuổi trẻ em đang ở giai đoạn bú sữa mẹ và chuyển sang ăn dặm thường ít được chú ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ nên trẻ ngoài 6 tháng tuổi trở ra cũng bị thiếu sắt khá nhiều.

Theo BS Khánh tỷ lệ trẻ thiếu máu, thiếu sắt vào viện chiếm khoảng 20% số trẻ vào viện khám và điều trị.

Với người thiếu sắt các bác sĩ chỉ định điều trị bằng các chế phẩm thuốc bổ sung sắt dạng uống như Ferrous sulfate; ferrous gluconate; ferrous fumarate với liều lượng: 2mg sắt/kg/ngày trong vòng 6 đến 12 tháng, nên bổ sung thêm vitamin C hoặc uống thêm nước cam, chanh để tăng khả năng hấp thu sắt.

Viên sắt dùng đường uống hấp thu tốt nhất khi uống vào lúc đói, tuy nhiên nếu bị kích ứng dạ dày thì có thể uống trong lúc ăn.

Với chế phẩm bổ sung sắt dạng truyền tĩnh mạch cần được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Phải chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt một cách triệt để, tránh gây thiếu sắt tái phát.

Để phòng thiếu sắt, các bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khuyến cáo bạn nên thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, bí đỏ, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,...

Tăng hấp thu sắt bằng ăn uống các loại quả giàu vitamin C như cam, chanh, dứa, nho, ổi, đu đủ… khi ăn thức ăn nhiều sắt.

Khánh Chi

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Da xanh, nhợt nhạt dấu hiếu bạn đang thiếu máu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO