Chiều 18/4, tại buổi họp báo quý I do Ủy ban nhân dân (UBND) TP Đà Nẵng tổ chức, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố - thông tin về các dự án chậm triển khai ở khu vực trung tâm thành phố.
Theo ông Hùng, các dự án chậm triển khai là vấn đề đang rất nhức nhối tại các địa phương chứ không chỉ của Đà Nẵng.
Theo quy định Luật đất đai, dự án sau khi được giao đất, cho thuê đất mà chủ đầu tư không đưa vào sử dụng trong 12 tháng liên tục thì vi phạm hoặc dự án chậm tiến độ sau 24 tháng được phê duyệt cũng được coi là vi phạm.
Với 2 vi phạm đó, cơ quan Nhà nước sẽ xử lý bằng cách ra quyết định cho gia hạn 24 tháng để chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục và đưa vào sử dụng. Nếu sau 24 tháng, chủ đầu tư không triển khai, không đưa đất vào sử dụng thì sẽ thu hồi.
"Luật thì rất chặt chẽ nhưng khi thực hiện điều khoản này hầu như rất khó để triển khai trên thực tế. Một trong những nội dung mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo để trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh lại Luật đất đai thì có 1 điều khoản này rất quan trọng. Sau 12 tháng, chủ đầu tư được giao đất họ phải thực hiện rất nhiều thủ tục nên không thể nói là 12 tháng mà đưa vào sử dụng được", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho hay, Đà Nẵng có thời gian dài thực hiện việc giao đất, cho thuê đất nhưng không có dự án đầu tư. Chủ đầu tư trước đây bằng nhiều hình thức được thành phố giao đất, sau khi có đất mới nói đến câu chuyện thực hiện dự án đầu tư. Việc triển khai tiến độ các dự án tại TP Đà Nẵng chỉ được thực hiện từ năm 2016. Cho nên dẫn đến tình trạng nhiều dự án được giao đất, thuê đất nhưng chủ đầu tư không triển khai.
Thời gian gần đây, Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt đối với việc này. Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra hơn 180 dự án do thành phố giao đất và cho thuê đất; các quận, huyện kiểm tra các dự án do quận, huyện phụ trách.
Thành phố cũng đã ban hành rất nhiều quyết định để xử lý vi phạm theo Nghị quyết 64. Tới thời điểm này, đã có rất nhiều dự án đã hết thời gian gia hạn sau 24 tháng nhưng chủ đầu tư chưa triển khai.
"Khi tiếp cận với Luật đất đai thì rất rõ ràng nhưng khi thu hồi dự án phải xem tính tương quan với các luật khác như Luật đầu tư, Luật xây dựng. Đây là một vấn đề mà cả nước đang đối diện với khó khăn", ông Hùng nói thêm.
Nói về 3 dự án chậm triển khai ở khu vực trung tâm thành phố, trong đó có dự án của Công ty Cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long và Công ty Cổ phần Địa ốc Viễn Đông, ông Hùng cho hay, năm 2018, Đà Nẵng có chủ trương quy hoạch quảng trường trung tâm, trong đó có 3 khu đất dự án này. Trong đó, có 2 dự án quy hoạch thành công viên và bãi đỗ xe.
Tuy nhiên sau một thời gian dài thực hiện chủ trương này, thành phố đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề ngân sách thành phố phải bỏ ra để thu hồi, đền bù dự án này.
Hiện nay, chủ trương thành phố quyết định đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm từ Thành Điện Hải đến khu vực tiếp cận sông Hàn và dừng chủ trương xây dựng quảng trường tại 3 khu đất đó.
Cho nên, dự án của Công ty Địa ốc Vũ Châu Long sẽ cho nhà đầu tư tiếp tục triển khai, 2 dự án còn lại sẽ chuyển giao cho nhà đầu tư khác.