Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ ngày 1.1 đến 11.9.2023, có 22.444 trường hợp viêm kết mạc cấp đã khám và điều trị tại bệnh viện. Trong đó, có 11.572 trẻ em chiếm tỷ lệ 51,5%.
Riêng từ ngày 1 đến 11.9.2023, bệnh viện đã khám và điều trị 1.335 trường hợp viêm kết giác mạc (đau mắt đỏ), trong đó có 767 trẻ em, chiếm tỷ lệ 57,5%. Số lượng trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% trẻ em được chẩn đoán mắc viêm kết mạc.
Sáng 12.9, Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng xác nhận tình hình bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có chiều hướng gia tăng trên cả nước.
Trước tình hình trên, một số trường học đã chủ động cho học sinh mắc bệnh ở nhà để tránh lây lan bệnh.
Chị Nguyễn Thị Minh Tâm (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: "Con tôi vừa học lớp 1 được 1 tuần thì bị đau mắt đỏ. Cháu bị lây từ một bạn học ngồi bên cạnh. Cô giáo cũng chủ động liên hệ nhắc phụ huynh có con mắc bệnh đau mắt đỏ để các con ở nhà để điều trị. Việc học đầu năm chưa nhiều nội dung nên các con sẽ được cô hỗ trợ sau khi khỏi bệnh, trở lại lớp".
Để tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, thu dung điều trị bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế TP Đà Nẵng có văn bản kính đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng phối hợp chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường.
Các trường cần thông báo ngay cho các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế) khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để; các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.
UBND các quận huyện phối hợp chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế tại cộng đồng, nhất là tại các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn….
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn trong công tác giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch đau mắt đỏ, tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện, nội dung để người dân tiếp cận được thông tin, hiểu biết các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ để chủ động thực hiện, bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời các biện pháp phòng bệnh, chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc, không tăng giá thuốc; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Cập nhật các phác đồ điều trị, tích cực công tác khám bệnh, chữa bệnh, hội chẩn, chuyển tuyến theo quy định; hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ.Bệnh viện Mắt sẽ chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Nhi cập nhật, khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh đau mắt đỏ đối với các bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn, kể cả khối bệnh viện bộ, ngành, tư nhân (có thể tổ chức tập huấn theo hình thức online bằng các ứng dụng trực tuyến)…