Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại thành phố
Đà Nẵng sẽ chủ động phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên tại thành phố để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cộng đồng.
Về công tác giám sát, xử lý: Tập trung vào các hoạt động giám sát, xử lý phòng, chống dịch tại cửa khẩu (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu xử lý, đáp ứng). Tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ…
Các hoạt động giám sát, phòng, chống dịch, xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế: Tại các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác tiếp đón, sàng lọc, phân luồng, sẵn sàng khu vực cách ly với các điều kiện đảm bảo phòng, chống lây nhiễm để tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân nghi ngờ, ca bệnh xác định theo Quyết của Bộ Y tế.
Đặc biệt chú ý giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa Da liễu và các cơ sở khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tổ chức giám sát tại y tế tuyến cơ sở và tại các cơ sở y tế khác để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ. Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ cần được cách ly ngay khi phát hiện, khai thác thông tin bệnh nhân, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm…
Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào thành phố
Về việc xử lý ổ dịch: Đối với người bệnh (áp dụng với trường hợp bệnh xác định hoặc trường bệnh nghi ngờ chưa có kết quả xét nghiệm), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện phối hợp với cơ sở điều trị khẩn trương triển khai điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần.
Người tiếp xúc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, rửa tay ngay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bệnh nhân và những người khác.
Chủ động rà soát, điều tra mở rộng xung quanh tại các điểm nguy cơ cao (nơi ở, nơi làm việc…), tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, cảnh giác để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa. Cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo Quyết định của Bộ Y tế, giảm tối đa biến chứng, tử vong…
Đối với người tiếp xúc gần: Điều tra, truy vết, xác định tất cả người tiếp xúc gần; lập danh sách, hướng dẫn đối tượng tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng. Khi có triệu chứng phát ban và nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau cơ, đau lưng, nhức mỏi cơ thể, mệt mỏi, nổi hạch... cần hạn chế tiếp xúc người khác và thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị, cách ly kịp thời…
Khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch: Khu vực nhà ở, nơi làm việc/học tập của người bệnh phải được khử khuẩn bằng cách lau rửa nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính…
Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng
Các đơn vị y tế tiếp tục thực hiện các biện pháp ở tình huống 2, đồng thời, hàng ngày báo cáo tình hình diễn biến của dịch thường xuyên và tham mưu UBND thành phố và các cơ quan liên quan các biện pháp phòng chống dịch để nhận được chỉ đạo kịp thời.
Tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn việc triển khai công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đơn vị. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.
Hiện Việt Nam chưa phát hiện trường hợp ca bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận ca nhiễm nên nguy cơ bệnh lây lan vào Việt Nam là rất cao.