Bệnh nhân là Nguyễn Trần T.T, (14 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) và Lê B.T, (9 tuổi, trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) đến khám tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng và được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ có chỉ định phẫu thuật.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiểu, khoa Ngoại tim mạch cho biết, đối với 2 ca bệnh này, ekip đã lựa chọn phương pháp mổ tim ít xâm lấn, thay vì phương pháp mổ tim thông thường để đảm bảo chất lượng cuộc sống sau mổ tốt nhất cho trẻ.
“Trước đây với phẫu thuật tim hở kinh điển, bệnh nhân sẽ phải cưa toàn bộ xương ức với đường mổ dài, từ hõm ức tới mũi ức (khoảng 15 - 20 cm với người lớn, 8-10cm với trẻ nhỏ). Do bị xâm lấn nhiều nên kỹ thuật mổ hở này thường có những bất cập như: Chảy máu, nhiễm khuẩn xương ức, sẹo dài xấu, thời gian nằm viện kéo dài…
Với phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn các bác sĩ chỉ mở một đường rạch da ngắn khoảng 3 - 5 cm ở khoang gian sườn với sự trợ giúp của các phương tiện trong phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp ít gây sang chấn cho người bệnh, đỡ đau sau mổ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ, thời gian hậu phẫu giảm, sẹo nhỏ đảm bảo tính thẩm mỹ, nhất là với các bé gái” - bác sĩ Hiểu cho biết.
Sau mổ, các bệnh nhân đều hồi phục nhanh, không gặp biến chứng, sau 5 ngày kết quả siêu âm tốt, bệnh nhi được cho ra viện. Kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn với những ưu điểm vượt trội so với mổ kinh điển đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam.