Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.732.000 tỷ đồng, bằng 116,5% dự toán (vượt 245.587 tỷ), bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023.
Có 60/63 địa phương và 61/64 Cục Thuế hoàn thành vượt mức dự toán năm 2024, còn 3 địa phương đánh giá không hoàn thành về tổng thể, nhưng vẫn hoàn thành 100% thuế, phí nội địa là: Phú Yên, Quảng Ninh, Bình Phước.
Dự toán thu ngân sách được giao cho ngành Thuế là 1.486.413 tỷ đồng. Trong đó, thu dầu thô là 46.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.440.413 tỷ đồng.
Trước đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, đây là năm đầu tiên số thu do ngành thuế quản lý vượt trên 1,7 triệu tỷ đồng. “Với tiến độ này, tính cả dự toán năm 2025, thu ngân sách giai đoạn 5 năm có thể cán đích trên 9 triệu tỷ đồng, vượt 0,7 triệu tỷ so với mục tiêu Quốc hội giao. Theo đó, tỷ lệ huy động vào ngân sách từ thuế đạt khoảng 16 - 17% GDP. Trong đó thu từ thuế, phí trên 14% GDP”, ông Mai Sơn cho biết.
Tính từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu NSNN ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, đạt 86,5% so mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là 8,3 triệu tỷ đồng, trong đó: tổng thu do cơ quan thuế quản lý luỹ kế 2021 - 2024 ước đạt khoảng 6,1 triệu tỷ đồng, bằng 119% so với dự toán, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn khoảng 8,6%/năm.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin, năm 2025, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn 2021 - 2025, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Thuế sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội, Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành, các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN, hoàn thành toàn diện các mục tiêu ngành Tài chính đề ra.
Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng ngành thuế Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ công chức thuế ngày càng chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, theo đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước tại Nghị quyết số 18/NQ-TW và theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao cho ngành, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Đối với công tác quản lý nợ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, thu nợ năm 2024 được 61.227 tỷ đồng, tăng 33,2% so với 2023. Tỷ lệ tổng tiền thuế nợ trên tổng thu NSNN năm 2024 là 11,3%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2024 là 7,8%. Ngành Thuế đã ban hành 58.687 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ là 80.512 tỷ đồng, qua đó đã thu được 4.289 tỷ đồng của 6.648 người nộp thuế.
Trong bối cảnh đầy khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận các cơ quan Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trong khắc phục những khó khăn, củng cố niềm tin và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản sửa đổi phù hợp về thuế, quy trình thủ tục, tham mưu ban hành các chính sách kịp thời về miễn, giảm, gia hạn về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước quốc hội vừa qua, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.
Nhiều năm liền, Bộ Tài chính liên tục nằm trong nhóm 3 Bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.