Tăng cường nhân lực chăm sóc người cao tuổi là nhu cầu bức thiết
Ngày 10.11, tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ IV do Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức, PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã cảnh báo về thiếu nguồn nhân lực chăm sóc cho người cao tuổi.
"Hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn rất nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế như các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế… và đặc biệt là rất thiếu nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi như bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc..." - PGS.TS Nguyễn Trung Anh nói.
Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, việc tăng cường chuyên môn cũng như cơ sở vật chất và nhân lực trong điều trị và chăm sóc người cao tuổi là một nhu cầu bức thiết và cần được quan tâm đến.
Chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cao gấp 7-10 lần người trẻ. Người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Trung Anh, những chi phí này sẽ giảm bớt nếu có những cách tiếp cận hợp lý. "Dịch vụ chăm sóc người già là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp".
Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.
Riêng với Hà Nội, theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh - Trưởng bộ môn Y học gia đình - Đại học Y Hà Nội, thủ đô có khoảng 250.000 người từ 75 tuổi trở lên, cần nhiều sự trợ giúp xã hội, y tế, chăm sóc nhất. "Ước tính riêng Thủ đô cần ít nhất 10 bệnh viện, khoa lão, trung tâm y tế chăm sóc lão khoa chuyên biệt để phục vụ người cao tuổi", PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh nói.
Cần có những khu chung cư cho người già
Ước tính vào năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỉ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
PGS.TS Nguyễn Trung Anh đề xuất cần sớm thành lập bộ môn lão khoa tại các trường đại học y: Tăng cường đào tạo chuyên ngành lão khoa cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác; đào tạo người chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực lão khoa...
"Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cho người cao tuổi thông qua phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế (ví dụ cho bệnh nhân Alzheimer); những khu chung cư dành cho người già; từng bước phát triển các trung tâm ban ngày cung cấp các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi" - PGS.TS Nguyễn Trung Anh nói.
Đồng thời, cần đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi sống tại nhà như dọn nhà, giặt giũ, đi chợ, cung cấp bữa ăn, điều dưỡng đến nhà chăm sóc, phục hồi chức năng, lao động trị liệu, dịch vụ trông người già theo giờ, tư vấn sức khoẻ, cung cấp dụng cụ trợ giúp, các câu lạc bộ vui chơi, giải trí…; phát triển mạng lưới y học gia đình, nhân viên xã hội.Theo các chuyên gia, trung bình một người cao tuổi mắc tới 7 mặt bệnh mãn tính, hầu hết phải điều trị suốt đời. Khả năng hồi phục sức khỏe kém đòi hỏi người cao tuổi phải được điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt.
Tỷ lệ người già sống góa bụa chiếm 33,61%. Thu nhập trung bình của người cao tuổi chỉ khoảng 537,9 nghìn đồng/tháng, chủ yếu từ bảo trợ xã hội, lương hưu, chỉ 62,79% người cao tuổi có bảo hiểm y tế.
Khoảng 27,97% người cao tuổi cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống.90% số người cao tuổi cần trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ (IADL) như sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông.