Tăng lên 57 chuyến mỗi tuần
Trong văn bản gửi các các hãng hàng không trong nước, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines hôm nay (14/1), Cục Hàng không Việt Nam thông báo quyết định tăng số lượng khai thác các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, với 10 đường bay quốc tế thường lệ đã khai thác trở lại, số lượng các chuyến bay tăng mạnh và được phân bổ như sau:
Với số lượng ban đầu ít ỏi 4 chuyến bay quốc tế mỗi tuần cho tất cả các hãng, các chuyến bay chủ yếu do Vietnam Airlines khai thác. Với việc tăng mạnh số lượng, lên tới 57 chuyến/tuần, cơ hội khai thác sẽ nhiều hơn cho các hãng. Tuy nhiên, riêng thị trường Trung Quốc và Mỹ, duy nhất chỉ Vietnam Airlines Group triển khai.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, số lượng chuyến bay quốc tế tăng mạnh cũng nhằm đáp ứng nhu cầu về nước ăn Tết của khoảng 140.000 người Việt Nam ở nước ngoài. Dự báo, lượng khách về Việt Nam sẽ vượt 30.000 người/tuần, bao gồm cả công dân Việt Nam, Việt kiều và người nước ngoài là khách ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...
Đối với các đường bay quốc tế thường lệ từ Pháp, Đức, Anh và Nga, Cục đã kiến nghị khai thác trở lại với tần suất ban đầu là 10 chuyến/tuần/chiều, cho toàn bộ các hãng mỗi bên đối với từng thị trường. Sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ GTVT, Cục sẽ thông báo kế hoạch tổ chức chuyến bay đối với các thị trường này.
Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng lập kế hoạch khai thác các đường bay không muộn hơn ngày 20/1. Trường hợp hãng nào không thể tổ chức khai thác chuyến bay như kế hoạch trên, cơ quan này sẽ thu hồi và chuyển hãng khác.
Kiến nghị chấm dứt bay giải cứu
Các hãng hàng không trong nước cũng vừa đề xuất mở không giới hạn các chuyến bay quốc tế, số lượng cụ thể sẽ do hãng tự quyết định trên cơ sở nhu cầu của thị trường và sự cho phép của nhà chức trách hàng không nước ngoài.
Tăng mạnh các chuyến bay thương mại quốc tế |
Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không (VABA), cho rằng, khi cơ quan quản lý đã đồng ý mở bay thương mại quốc tế định kỳ thì cần chấm dứt bay combo hay còn gọi là các chuyến bay giải cứu, bay charter.
Ông lý giải, đó là bởi hành khách phải trả chi phí quá cao, dễ phát sinh cơ chế xin cho, tiêu cực. Đồng thời, nếu vẫn bay charter thì có khả năng các chuyến bay quốc tế thương mại định kỳ sẽ bị gây khó dễ (vì không có lợi đối với những tổ chức, cá nhân tổ chức bay charter).
Trong khi đó, ngành hàng không và du lịch nước ta đang bị mất cơ hội cạnh tranh so với hàng không, du lịch thế giới, ngay cả với hàng không Campuchia, do Việt Nam chậm bay thương mại định kỳ. Ngay cả khi Chính phủ đã phê duyệt, chỉ đạo mở bay thương mại định kỳ thì việc triển khai cũng rất chậm. Đặc biệt là hiện có những rào cản kỹ thuật từ phía một số bộ, ngành địa phương, trong đó có yêu cầu cách ly, thu phí visa,...
Ông Nề đề nghị các bộ, ngành, địa phương bãi bỏ ngay các quy định, các hãng rào kỹ thuật trái với Nghị quyết 128 của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ cho phép đón khách quốc tế theo thông lệ chung của các nước (đã tiêm hai mũi vắc xin, âm tính, không cách ly khách); miễn phí visa với khách từ các thị trường mà Việt Nam đã thực hiện trước Covid-19.
TS. Nguyễn Thiện Tống thì cho rằng, quy định hiện nay chỉ cho người Việt có hộ chiếu Việt Nam bay về nước ăn Tết là vô lý.
"Thực tế nhiều người lấy vợ, chồng người nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài. Con họ cũng mang hộ chiếu nước ngoài. Tết họ đưa gia đình về xum họp thì cần khuyến khích, tạo điều kiện cho họ cùng bay về nước", ông Tống đề xuất.
Ngoài ra, ông cũng kiến nghị Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ hoặc Bộ Công an tiến hành thanh tra hoặc điều tra việc lợi dụng bay giải cứu để trục lợi, buộc kiều bào phải chi trả phí bay về nước rất cao. Báo chí, dư luận, người dân rất bức xúc về việc này.
Ngọc Hà