Đã đến lúc bỏ các trung gian phân phối xăng dầu?

14/10/2022 14:30

Nếu giảm trung gian là các DN phân phối, cho phép các đại lý trực tiếp nhập xăng dầu từ nhiều đầu mối khác nhau nhưng có kiểm soát chất lượng đầu vào sẽ giảm chi phí kinh doanh lại tăng tính cạnh tranh.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 38 DN (thương nhân) đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó 4 DN chỉ kinh doanh nhiên liệu hàng không tại các sân bay. Dưới 34 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu là 332 DN phân phối xăng dầu, tiếp sau đó mới đến hệ thống đại lý bán lẻ xăng dầu với khoảng gần 17.000 cửa hàng phân bố khắp các vùng miền trên cả nước.

Trên thực tế, 332 DN phân phối xăng dầu có cơ chế được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn, hầu hết các DN này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc, cùng với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng hàng hóa cho các đại lý bán lẻ xăng dầu ở các địa bàn. “Với quyền về nguồn hàng linh hoạt hơn đại lý bán lẻ xăng dầu, các thương nhân phân phối đã hỗ trợ cho 34 DN đầu mối phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng cả nước”, Bộ Công Thương thông tin.

Tuy nhiên thời gian vừa qua, nhiều đại lý không được các DN phân phối xăng dầu cấp phát đủ nguồn, khiến việc bán hàng bị gián đoạn cục bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần bỏ khâu trung gian là các DN phân phối nhằm giảm chi phí trong kinh doanh, đồng thời cho phép các đại lý xăng dầu được trực tiếp nhập hàng từ nhiều nguồn khác nhau để tăng tính cạnh tranh.

Lý giải về điều này Bộ Công Thương, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cần bảo đảm về chất lượng, kiểm soát về giá bán. Theo quy định tại Luật Thương mại, đại lý là những đơn vị được bên giao đại lý giao hàng cho bán theo giá của đơn vị giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa tại các đại lý.

“Nếu để các đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng trực tiếp từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không kiểm soát được chất lượng xăng dầu bán trên thị trường, cũng như đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng và giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng. Theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ 1 nguồn để bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng xăng dầu. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung ứng xăng dầu (các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối với việc cung ứng khá cạnh tranh) nên đại lý bán lẻ xăng dầu có thể lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp có uy tín để hợp tác kinh doanh lâu dài”, Bộ Công Thương cho biết.

Mặc dù các đại lý bán lẻ được phép lựa chọn, thay đổi đơn vị phân phối xăng dầu nhưng theo phản ánh từ một số đại lý, nếu muốn thay đổi nhà cung cấp thì phải đến Sở Công Thương để đổi giấy phép, kéo theo rất nhiều thủ tục làm mất thời gian, công sức và tiền bạc của DN. Đó là chưa kể, việc độc quyền đầu vào cũng làm cho đơn vị phân phối luôn chèn ép đại lý về giá cũng như điều kiện giao hàng…

Nhận định về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc quy định đại lý xăng dầu chỉ được phép nhập hàng từ 1 đầu mối phân phối xăng dầu có lợi là kiểm soát được chất lượng và số lượng xăng dầu. Nhưng tuy nhiên, quy định chỉ cho phép nhập hàng từ 1 đơn vị phân phối lại khiến thị trường xăng dầu chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh. “Khi một quy định không tạo được tính cạnh tranh, nếu gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường thì cũng cần phải nghiên cứu, xem xét thay đổi cho phù hợp”, PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý.

Đồng tình với đề xuất, kiến nghị của các đại lý bán lẻ xăng dầu được phép mua xăng dầu từ nhiều đơn vị phân phối, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ, nới lỏng quy định này sẽ đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng trên cơ sở đúng quy định của pháp luật, lại không làm triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường.

Để làm được việc này theo ông Phú, trước mắt có thể cho phép một số đại lý bán lẻ xăng dầu nghiêm túc đã được kiểm chứng tại địa phương mở rộng nhập xăng dầu từ 2 đơn vị phân phối, từ đó đánh giá hiệu quả để đưa ra giải pháp quản lý một cách tốt nhất. Khi đó, mặc dù các đại lý được đa dạng nguồn cung, nhưng cơ quan chức năng vẫn phải có biện pháp giám sát, quản lý về chất lượng, về nguồn gốc cũng như hóa đơn chứng từ mua bán.

“Vẫn có thể cho đại lý bán lẻ mua xăng dầu từ các nhà phân phối khác nhau nếu có các quy định chặt chẽ hơn, như việc tiền kiểm để đảm bảo chất lượng trước khi nhập kho bán ra thị trường cũng như giám sát quy trình giao nhận - cấp phát. Một khi có sự kiểm soát tốt chất lượng đầu vào của xăng dầu cho các đại lý vừa hạn chế được các hành vi gian lận, lại vừa làm giảm tính độc quyền của các đơn vị phân phối”, ông Phú nói.

Cũng theo ý kiến của ông Phú, mặt hàng xăng dầu từ đầu mối khi đến các đại lý nếu qua nhiều khâu trung gian sẽ khiến chi phí tăng lên, đặc biệt nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ là cơ hội để sản phẩm kém chất lượng trà trộn gây tổn hại cho uy tín của DN và niềm tin của người tiêu dùng. Chính vì thế, thời gian tới Bộ Công thương cần thiết lập lại chuỗi cung ứng xăng dầu bằng cách rút gọn khâu trung gian. Đồng thời duy trì hình thức hóa đơn điện tử, lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu trong quá trình lưu thông./.

Bộ Công Thương:“Danh sách 332 thương phân phối xăng dầu Bộ Công Thương vẫn đang theo dõi và quản lý. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành không có quy định về việc đăng tải danh sách các thương nhân này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp các đơn vị chức năng cần cung cấp thông tin, Bộ Công Thương sẵn sàng cung cấp danh sách cụ thể của các thương nhân phân phối theo quy định”.

Theo vov.vn
https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/da-den-luc-bo-cac-trung-gian-phan-phoi-xang-dau-post977178.vov
Copy Link
https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/da-den-luc-bo-cac-trung-gian-phan-phoi-xang-dau-post977178.vov
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Đã đến lúc bỏ các trung gian phân phối xăng dầu?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO