Bệnh viện Quân y 103 cho biết vừa điều trị thành công cho bệnh nhân N. T. K. L. (64 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) mắc COVID-19 bị đột quỵ chảy máu thân não.
Ông L. có bệnh nền cao huyết áp và béo phì. Tối ngày 28/2, đang điều trị COVID-19, ông xuất hiện đau đầu, buồn nôn, khó thở, tức ngực, sau đó ý thức kém dần, đi vào hôn mê nên được người nhà đưa đi cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu, ông được đặt nội khí quản, thở máy, chụp cắt lớp vi tính sọ não và có kết quả test nhanh dương tính với nCoV.
ThS. BS. Nguyễn Quang Huy, Trung tâm điều trị COVID-19, cho biết bệnh viện được chuyển đến trung tâm trong tình trạng hôn mê, phản xạ ánh sáng âm tính, bóp bóng qua ống nội khí quản.
Tại trung tâm, bệnh nhân được điều trị thông khí nhân tạo, mở khí quản, kiểm soát huyết áp, chống phù não, điều trị COVID-19 theo phác đồ, vỗ rung, khí dung, nuôi dưỡng đường tiêu hoá và tĩnh mạch.
Bệnh nhân được duy trì thở máy qua ống nội khí quản 7 ngày, sau đó được mở khí quản. Tiến triển của bệnh nhân: tổn thương trên X-quang phổi tiến triển tốt dần, được chuyển chế độ thở, cai thở máy sau nhập viện 12 ngày, ý thức cải thiện.
Bệnh nhân được duy trì tự thở qua ống mở khí quản 3 ngày, các chỉ số trong giới hạn bình thường, bệnh nhân xét nghiệm PCR âm tính, chuyển Khoa Đột quỵ điều trị tiếp.
Theo bác sĩ Huy, đột quỵ là bệnh phổ biến, có tỷ lệ tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề cho người không may bị bệnh.
Xuất huyết não tự phát mặc dù chỉ chiếm 10-20% tất cả các trường hợp đột quỵ nhưng tỷ lệ tử vong lại chiếm 37,6% – 52% trong tháng đầu. Trong đó, phần lớn ca bệnh tử vong trong hai ngày đầu; gây tàn phế nặng nề và là loại đột quỵ được đề cập đến nhiều nhất hiện nay.
Đối với trường hợp của ông L. do bị tổn thương phổi do COVID-19 trên mức độ nặng nên lâm sàng sẽ nặng nề hơn các bệnh nhân khác. Vì vậy, việc chăm sóc, điều trị cũng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, nhờ được chăm sóc, điều trị theo đúng phác đồ, nghiêng trở, hút đờm theo đúng qui trình bệnh nhân hồi phục dần và cai được máy thở.