Cựu TGĐ Đông Á Bank Trần Phương Bình bị đề nghị 20 năm tù

15/03/2023 10:40

Bị cáo Trần Phương Bình (cựu TGĐ Đông Á Bank - DAB) bị Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt 20 năm tù, tổng hợp với các bản án trước là chung thân.

Ngày 15/3, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Phương Bình (cựu Tổng Giám đốc Đông Á Bank- DAB) về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Liên quan vụ án, các bị cáo Nguyễn Đức Tài (cựu Giám đốc Sở Giao dịch thuộc DAB); Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần M&C) cùng 5 đồng phạm bị Viện KSND tối cao truy tố cùng tội danh trên.

Cựu TGĐ Đông Á Bank Trần Phương Bình bị đề nghị 20 năm tù - 1

Bị cáo Trần Phương Bình tại phiên toà. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Tại phiên tòa, Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Trần Phương Bình 20 năm tù, tổng hợp với các bản án trước là chung thân; Phùng Ngọc Khánh từ 18 - 19 năm tù, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù; Nguyễn Đức Tài từ 8 - 10 năm tù, tổng hợp hình phạt là từ 28 - 30 năm; Nguyễn Chí Công từ 10 - 12 năm tù; Vũ Thị Thanh Hoa từ 4 - 6 năm tù, tổng hợp hình phạt là từ 6 - 8 năm tù; Nguyễn Thị Ngọc Vân từ 2 - 3 năm tù, tổng hợp hình phạt là từ 6 - 7 năm; Nguyễn Văn Thuận từ 2 năm - 2 năm 6 tháng tù, tổng hợp hình phạt là từ 17 năm - 17 năm 6 tháng tù; Trần Hoài Ân từ 6 - 7 năm tù.

Viện KSND TP.HCM buộc bị cáo Phùng Ngọc Khánh bồi thường 5.500 tỷ đồng cho DAB.

Trước đó, khai tại tòa, bị cáo Trần Phương Bình và Phùng Ngọc Khánh thừa nhận thời điểm làm thủ tục vay tiền của DAB, Công ty M&C dùng 18 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đứng tên Công ty M&C) để làm tài sản thế chấp cho khoản vay của nhóm 5 công ty (1.680 tỷ đồng).

Tuy nhiên, 2 bên chỉ ký hợp đồng thế chấp, sau đó không thực hiện công chứng và cũng chưa đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bị cáo Trần Phương Bình khai, liên quan chứng thư bảo lãnh và khoản vay 146 tỷ đồng của Công ty M&C, thời điểm đó DAB không đủ vốn để cho vay trung và dài hạn nên chỉ cho vay ngắn hạn.

Tuy nhiên, sau khi cho vay và đến hạn trả nợ, Công ty M&C không có nguồn tiền để trả cho DAB, nên đã đi vay tại Ngân hàng An Bình bằng hình thức phát hành trái phiếu.

Để có thể vay tiền ở Ngân hàng An Bình bằng trái phiếu, DAB đã phát hành chứng thư bảo lãnh trị giá 120 tỷ đồng, qua đó kéo dài thời gian trả nợ cho Công ty M&C.

"Bị cáo chỉ đạo cho Công ty M&C vay bắt buộc 146 tỷ đồng để công ty này trả nợ gốc và lãi trái phiếu cho Ngân hàng An Bình, mục đích thời điểm đó không bị ảnh hưởng đến uy tín của DAB", bị cáo Trần Phương Bình khai.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh cho biết, hiện Công ty M&C không còn hoạt động do kể từ ngày bị cáo bị bắt, Công ty M&C chưa làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Theo cáo trạng, cuối năm 2012, các tổ chức và cá nhân thuộc nhóm Công ty Cổ phần M&C đến hạn phải trả các khoản vay ngân hàng, nhưng do không có tiền trả nợ nên Phùng Ngọc Khánh đã thỏa thuận, thống nhất với Trần Phương Bình việc Khánh nhờ 5 cá nhân là bạn của Khánh đứng tên đại diện pháp luật của 5 công ty để ký hồ sơ vay.

Tài sản thế chấp chung cho 5 khoản vay là một phần quyền sử dụng đất, diện tích 62.044m2 thuộc dự án 7,6ha ở phường An Phú, quận 2 (nay là phường An Phú, TP Thủ Đức).

Các đại diện công ty vay tiền, gồm: Phạm Quốc Hoàng đứng tên Công ty Ngôi Sao vay 400 tỷ đồng; Hoàng Đỗ Huy đứng tên Công ty Liên Phát vay 400 tỷ đồng; Lê Tiến Dũng đứng tên Công ty Phát Vạn Hưng vay 410 tỷ đồng; Triệu Hồng Cẩm đứng tên Công ty Biển Bạc vay 380 tỷ đồng; Nguyễn Trọng Thắng đứng tên Công ty Minh Quân vay 90 tỷ đồng. Tổng số tiền 5 công ty vay của DAB là 1.680 tỷ đồng.

Quá trình vay vốn, Khánh đã chỉ đạo lập phương án kinh doanh, các hợp đồng hợp tác giữa Công ty Liên Phát với các công ty vay vốn để làm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay; lập hợp đồng hợp tác giữa Công ty CP M&C với Công ty Liên Phát để làm hồ sơ chứng minh tài sản đảm bảo; đồng thời trực tiếp ký các hợp đồng thế chấp 3 bên để hoàn thiện hồ sơ tài sản đảm bảo cho các khoản vay; chỉ đạo việc sử dụng tiền vay của 5 công ty để trả nợ các khoản vay cũ của nhóm M&C…

Quá trình tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt cho 5 công ty vay, Trần Phương Bình và thuộc cấp là các lãnh đạo, cán bộ Sở giao dịch DAB (Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Chí Công, Vũ Thị Thanh Hoa và Trần Hoài Ân) đã không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo.

Trong khi đó, cả 5 công ty đều không đáp ứng điều kiện để vay vốn (không có doanh thu, không có lợi nhuận, không chứng minh được nguồn tài chính để trả nợ cho DAB); phương án kinh doanh, phương án vay vốn được lập khống, việc hợp tác đầu tư chưa có sự đồng ý của Công ty Đại Tín (đồng chủ đầu tư dự án tại phường An Phú với Công ty CP M&C); dự án đầu tư chưa có căn cứ xác định tính khả thi trên thực tế; tài sản đảm bảo cho khoản vay chưa đủ căn cứ pháp lý để thế chấp.

Việc đề xuất và đồng ý phê duyệt cho vay của các cán bộ DAB đã vi phạm quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Sau khi vay được 1.680 tỷ đồng, nhóm Công ty CP M&C để Phùng Ngọc Khánh sử dụng để trả những khoản nợ đã vay trước đó.

Đến nay, nhóm 5 công ty nêu trên ngừng hoạt động, không có khả năng hoàn trả cho DAB hơn 5.500 tỷ đồng (gồm 1.680 tỷ đồng nợ gốc, hơn 3.700 tỷ đồng tiền lãi).

Theo cáo trạng, tài sản được thế chấp cho 5 khoản vay nêu trên, được định giá vào thời điểm thế chấp vay DAB là 79,65 tỷ đồng; đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 24/5/2022) định giá là 184,8 tỷ đồng.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho DAB số tiền 5.518 tỷ đồng (1.826 tỷ đồng tiền vốn gốc và 3.691 tỷ đồng tiền lãi).

Hành vi của Trần Phương Bình và các đồng phạm là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Hoàng Thọ

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cựu TGĐ Đông Á Bank Trần Phương Bình bị đề nghị 20 năm tù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO