Cựu hiệu trưởng bán bằng giả, kiếm tiền tỷ ở Hà Nội

04/03/2020 11:14

Hôm nay, TAND TP Hà Nội đưa ông Vũ Tiến Hiệp (SN 1966, Hà Nội), cựu Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội ra xét xử.

Cùng hầu tòa về tội Lợi dụng chứng vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với ông Hiệp còn có bị cáo Lê Thị Nhạn (SN 1976), cựu cán bộ Trường trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội); Mai Hiền Quế (SN 1988) và Phạm Thị Phương Thanh (SN 1990, cùng quê Hà Nam), cựu cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Thịnh Xá, Phủ Lý, Hà Nam.

Theo cáo buộc, ông Hiệp được UBND TP Hà Nội bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội vào 12/2009.

Trường được Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cấp phép hoạt động đào tạo nghề, hoạt động trên cơ chế hạch toán độc lập và được phép đào tạo, thi, kiểm tra và cấp các loại chứng chỉ sơ cấp một số nghề.

Các bị cáo tại tòa

Đến ngày 5/8/2010, trường không được phép cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Nhưng để có kinh phí hoạt động, trả lương, thưởng cho nhân viên..., ông Hiệp đã chỉ đạo bà Nhạn (Trưởng phòng hành chính) đưa ra các thông tin về việc nhà trường được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề để bán chứng chỉ.

Cựu hiệu trưởng thuê 2 giáo viên của một trường cao đẳng đến các công ty đã ký hợp đồng đào tạo để dạy và kiểm tra sát hạch theo nội dung hợp đồng đã ký.

Sau đó, căn cứ vào danh sách mà các công ty cung cấp, bà Nhạn làm chứng chỉ sơ cấp nghề cho những người có tên trong danh sách.

Đối với cá nhân có nhu cầu làm chứng chỉ sơ cấp thì chỉ cần cung cấp thông tin họ tên, địa chỉ, bản phô tô CMT, ảnh, bà Nhạn sẽ làm chứng chỉ sơ cấp nghề cho họ mà không phải qua đào tạo và thi sát hạch.

Theo lời khai của bị cáo Hiệp và Nhạn, giá mỗi chứng chỉ, các bị cáo bán với giá 300-500 ngàn đồng. Ngoài ra, bị cáo Hiệp và Nhạn còn làm và bán chứng nhận nâng bậc thợ với giá 50.000 đồng/chiếc.

Thu lợi tiền tỷ

Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến 7/2017, bị cáo Hiệp và Nhạn đã ký hợp đồng đào tạo với 27 công ty, doanh nghiệp, cấp 857 chứng chỉ sơ cấp nghề và bán cho 127 người các chứng chỉ sơ cấp nghề, hưởng lợi hơn 1,1 tỷ đồng.

CQĐT xác định, trong số 27 đơn vị nói trên có công ty CP Vinaconex6 (ở Cầu Giấy, HN) mua 9 chứng chỉ vận hành vận thang (không qua đào tạo) với giá hơn 10 triệu đồng.

Công ty TNHH thiết bị khoa học công nghệ Việt Nhật (ở Từ Liêm, HN) liên kết với trường Trung cấp nghề kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội để đào tạo, cấp chứng chỉ cho 200 phạm nhân của trại giam Thủ Đức (đã trả hơn 321 triệu đồng).

Trong đó có 50 chứng chỉ sơ cấp điện dân dụng, 50 chứng chỉ sơ cấp điện công nghiệp, 100 chứng chỉ sơ cáp nghề kỹ thuật xây dựng.

Cty TNHH MTV xây lắp diện 1 - Hà Nội đã mua 11 chứng chỉ sơ cấp điện công nghiệp, đã thanh toán 11 triệu đồng.

Đối với 2.045 người được nhà trường cấp chứng chỉ, CQĐT chưa làm rõ được do một số người không có mặt tại địa phương, hoặc đã chuyển khỏi nơi cư trú, không xác định được đi đâu; một số người không đủ thông tin lai lịch, địa chỉ để xác minh làm rõ.

Trong vụ án này, cựu hiệu trưởng bị xác định là người chủ mưu, trực tiếp ký hợp đồng liên kết đào tạo với các công ty, doanh nghiệp, chỉ đạo cấp dưới làm và bán các chứng chỉ cấp nghề không có giá trị sử dụng.

Bị cáo Hiệp và Nhạn còn cấu kết với đối tượng ngoài xã hội là bị cáo Quế và Thanh làm, bán chứng chỉ sơ cấp nghề cho những người có nhu cầu.

Quế và Thanh đã bán cho khoảng 30-40 người với số tiền khoảng 25-35 triệu đồng các chứng chỉ sơ cấp nghề không có giá trị sử dụng, hưởng lợi hơn 10 triệu đồng.

Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hiệp 5 năm tù, Nhạn: 4 năm. Quế và Thanh lần lượt nhận mức án 3 và 2 năm tù.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cựu hiệu trưởng bán bằng giả, kiếm tiền tỷ ở Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO