Trả lời tuần báo Pháp L'Express ngày 22/10, ông Petraeus nhận định, Mỹ và đồng minh có thể gửi lực lượng tới tham gia vào cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng không với danh nghĩa lực lượng của khối NATO.
Ông Petraeus cho rằng, Mỹ có thể thiết lập một lực lượng liên minh các nước sẵn sàng tham gia để đưa tới Ukraine, thay vì từ NATO.
Cựu quan chức trên cho hay, kịch bản Mỹ can dự trực tiếp vào Ukraine có thể xảy ra nếu Nga thực hiện một số hành động "quá sốc và quá nghiêm trọng" tới mức Washington và các nước đồng minh quyết định phải có biện pháp đáp trả.
Theo ông Petraeus, NATO vẫn đang bị ràng buộc bởi hiến chương và chỉ can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine nếu điều 5 được kích hoạt, tức là một trong các nước thành viên bị tấn công.
Ông Petraeus cũng cho rằng, Moscow không muốn cuộc khủng hoảng leo thang và biến thành một cuộc chiến quy mô toàn cầu. "Một cuộc xung đột quy mô rộng hơn là điều cuối cùng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cần vào lúc này", ông nói.
Hồi đầu tháng 10, ông Petraeus từng phỏng đoán rằng, Mỹ có thể can dự trực tiếp và nhằm mục tiêu vào lực lượng Nga ở Ukraine cũng như Hạm đội Biển Đen của Nga, nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Căng thẳng Nga - NATO đã leo thang dồn dập trong gần 8 tháng qua kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hôm 20/10, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng, việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine và hỗ trợ quân sự cho Kiev đang đưa liên minh này đến gần ranh giới nguy hiểm của một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp với Nga.
"Các nước NATO dường như đang chạy đua với nhau trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho chính quyền Kiev, cung cấp thông tin tình báo, đào tạo quân nhân và ban hành hướng dẫn về cách tiến hành các hoạt động tác chiến, do đó NATO ngày càng tiến gần đến ranh giới nguy hiểm của một cuộc đụng độ vũ trang trực tiếp với Nga", bà Zakharova cảnh báo.
Theo nhà ngoại giao Nga, kể từ đầu chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine tới nay, NATO đã gửi cho Ukraine ít nhất 300 xe tăng, 130 xe chiến đấu bộ binh, 400 xe bọc thép chở quân, 450 đơn vị xe bọc thép khác, 700 hệ thống pháo, bao gồm nhiều hệ thống rocket phóng loạt và súng cối, 5.000 tên lửa phòng không cơ động và 80.000 hệ thống rocket chống tăng và súng phóng lựu, 160.000 vũ khí nhỏ, 800.000 quả pháo và đạn dược, 90 triệu viên đạn.
Bà Zakharova cũng chỉ trích kế hoạch của EU trong việc gia tăng hỗ trợ Ukraine trong thời gian tới. Bà cho rằng, quyết định của EU nhằm tạo ra một phái đoàn hỗ trợ quân sự cho Kiev đã khiến cho Liên minh châu Âu (EU) trở thành một bên trong cuộc chiến Ukraine.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cáo buộc rằng từ lâu, Mỹ đã vượt qua mọi ranh giới đỏ do Moscow đặt ra.
"Quan hệ Nga - Mỹ đang ở trong tình trạng cực kỳ tồi tệ. Tôi phải thừa nhận rằng không có thay đổi nào xảy ra trong những lời hùng biện của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và quan trọng nhất là Lầu Năm Góc. Mỹ vẫn chỉ có một mục tiêu duy nhất là gây sức ép với Nga, áp đặt các lệnh trừng phạt mới, nhằm đánh đổ nước Nga", ông cáo buộc.