Sáng 27/3, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ án thất thoát hơn 3,8 triệu USD xảy ra Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Công ty Dược Cửu Long).
Sau bản án sơ thẩm, các bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Cửu Long), Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long) và Nguyễn Nam Liên (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A H5N1) có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, Công ty Dược phẩm Cửu Long (bị đơn dân sự) kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự, đề nghị tòa cấp phúc thẩm tuyên buộc các bị cáo và người liên quan liên đới bồi thường, hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 3,8 triệu USD cho Bộ Y tế.
Trong khi đó, người thân của bị cáo Ngô Hữu Hiếu Nghĩa cũng kháng cáo đề nghị giải tỏa, chấm dứt các biện pháp ngăn chặn, tạm ngừng giao dịch áp dụng đối với bất động sản, tài sản liên quan. Vợ bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải kháng cáo đề nghị giải tỏa các tài sản đã kê biên, niêm phong.
Tại phiên tòa hôm nay, TAND Cấp cao cho biết, trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, ngày 7/3, Trại tạm giam T16 Bộ Công an thông báo về việc ông Lương Văn Hóa đã chết vào ngày 6/3 tại Bệnh viện Bạch Mai do viêm phổi sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ung thư biểu mô di căn hạch theo dõi nguồn gốc từ phổi.
Trước đó, cuối tháng 11/2022, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm tuyên ông Lương Văn Hóa 9 năm tù và Nguyễn Văn Thanh Hải 6 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ông Nguyễn Nam Liên bị tuyên 24 tháng tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội nêu trên, tòa tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang mức án 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, song ông Quang cùng 5 người khác không kháng cáo, chấp nhận án sơ thẩm.
Bản án sơ thẩm xác định đầu năm 2006, sau khi được Bộ Y tế đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir, Dược Cửu Long đã nhập 520 kg nguyên liệu sản xuất thuốc này với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore). Dược Cửu Long đã thanh toán 5,25 triệu USD cho đối tác, còn lại hơn 3,8 triệu USD được trả chậm 6 tháng.
Sau đó, ông Hóa chỉ đạo thuộc cấp đề nghị phía Mambo cho giảm giá nguyên liệu với số tiền hơn 3,8 triệu USD; đồng thời, hoàn thiện giấy tờ để ngoài sổ sách số tiền này. Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, bị cáo Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. Khi Bộ Y tế và các đơn vị thanh tra phát hiện, yêu cầu báo cáo về việc thanh toán tiền mua nguyên liệu, bị cáo Hóa tiếp tục chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ thanh toán. Mục đích để ngoài sổ sách, giữ lại hơn 3,8 triệu USD này.
Đối với những bị cáo thuộc Bộ Y tế, HĐXX kết luận cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang và những người liên quan gồm Nguyễn Việt Hùng, Dương Huy Liệu, Nguyễn Nam Liên, Phạm Thị Minh Nga đã thiếu kiểm tra, rà soát nên không phát hiện ra Dược Cửu Long đã dùng thủ đoạn gian dối để giữ lại 3,8 triệu USD.
Tòa sơ thẩm kết luận ông Cao Minh Quang và đồng phạm được giao quản lý tài sản công, nhưng đã thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức trong việc nghiệm thu hợp đồng giữa Bộ Y tế với Dược Cửu Long, dẫn đến gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 61 tỷ đồng.