Cứu cả mẹ cả con nhờ cấp tốc đưa vào phòng mổ chỉ sau 10 phút

Thùy Linh| 13/01/2023 10:15

Các bác sĩ khoa Phụ sản, Bệnh viện E vừa cứu sống 2 mẹ con sản phụ bị sản giật nguy hiểm như một kỳ tích. Đặc biệt, sản phụ này còn mắc bệnh beta thalassemia, vẫn đang phải truyền máu định kỳ tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Việc cấp cứu cho cả hai mẹ con đã gặp rất nhiều khó khăn…

Cứu cả mẹ cả con nhờ cấp tốc đưa vào phòng mổ chỉ sau 10 phút
Bác sĩ thăm khám, kiểm tra lại sức khỏe cho sản phụ M. Ảnh: Thanh Xuân

Được đưa vào phòng mổ chỉ sau 10 phút đến cấp cứu

12h30 trưa ngày 7.1.2023, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E, thai phụ M (25 tuổi, ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) đã ngất xỉu, co giật liên tục, huyết áp tăng, phù toàn thân, khó thở, suy hô hấp và nôn sặc không cầm, bụng đau âm ỉ. Người nhà tá hỏa chạy đi cầu cứu.

Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên khoa Phụ sản, Cấp cứu, Hồi sức tích cực… tiến hành cấp cứu, hội chẩn và chẩn đoán thai phụ mang thai con so, thai 37 tuổi bị sản giật nặng trên nền bệnh beta thalassemia.

Các bác sĩ nhanh chóng nhận định đây là ca bệnh khó với nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ con, nhất là khi các bác sĩ không đo được nhịp tim của thai nhi qua máy monitor.

Do đó, chỉ sau 10 phút đến cấp cứu ở Bệnh viện E, thai phụ được đưa vào phòng mổ. Ca mổ diễn ra trong sự căng thẳng lo lắng và hồi hộp của thầy thuốc và gia đình thai phụ…

ThS.BS Ngô Văn Thanh – Khoa Phụ Sản, Bệnh viện E – bác sĩ cấp cứu trực tiếp cho sản phụ này, cho biết, sản giật là một biến chứng của tiền sản giật nặng. Lúc này thai phụ xuất hiện các cơn co giật nặng sau đó hôn mê sâu do tổn thương hệ thống thần kinh trung ương.

Bác sĩ Ngô Văn Thanh và các đồng nghiệp đã nhanh chóng tiến hành mổ “bắt con” cho thai phụ dù biết rằng phẫu thuật viên sẽ đối mặt với nhiều thách thức, thậm chí dễ bị người nhà bệnh nhân hiểu lầm, nếu trường hợp bệnh nhân diễn biến xấu, không may thai phụ tử vong...

Nhưng với trình độ chuyên môn, tâm lý vững vàng và quan trọng sự phối hợp chuyên nghiệp và chặt chẽ giữa các khoa: Phụ sản, Nội Nhi tổng hợp và Gây mê hồi sức đã giúp các phẫu thuật viên giành sự sống cho hai mẹ con thai phụ đang ở lằn ranh mong manh này.

Điều dưỡng chăm sóc bé sơ sinh sau khi được cứu sống. Ảnh: Thanh Xuân
Điều dưỡng chăm sóc bé sơ sinh. Ảnh: Thanh Xuân

10 y bác sĩ nín thở chờ em bé cất tiếng khóc chào đời

Bác sĩ Ngô Văn Thanh nhớ lại: Chưa đầy một phút, em bé đã được “bắt ra” nhưng con lại chẳng chịu khóc như trẻ khác, cứ mềm mềm, nhợt nhạt… Nhưng từ những cảm giác có được khi bàn tay ôm lấy đứa bé đã khiến bác sĩ có niềm tin rằng con vẫn sống.

"Mặc dù rất bình tĩnh, nhưng khi thấy con không khóc, tim tôi đập thình thịch, lo lắng. Lúc này chỉ còn tin vào cảm giác của đôi bàn tay mình khi ôm lấy con, cảm giác được rằng con vẫn sống"- bác sĩ Thanh nói.

Ngay lập tức, bé sơ sinh được chuyển cho các bác sĩ Nội Nhi tổng hợp. Họ nhanh chóng tiến hành hồi sức, ép tim… Gần 10 bác sĩ, điều dưỡng tham gia kíp mổ gần như nín thở theo dõi từng cử chỉ của con.

Sau 3 phút, tiếng ọ ọe, rồi khóc òa lên của em bé khiến các bác sĩ, điều dưỡng cũng chuyển từ hồi hộp, lo lắng đều ồ lên sung sướng, vỡ oà trong hạnh phúc… Em bé đã có phản xạ sơ sinh: Khóc, vận động được tay chân, da hồng hào và tự thở.

Còn người mẹ sau khi được các bác sĩ hỗ trợ vượt cạn thành công đã được chuyển sang hồi sức tích cực tại khoa Gây mê hồi sức. Sau 2 ngày, theo dõi và chăm sóc đặc biệt, người mẹ đã được chuyển về khoa Phụ sản để tiếp tục điều trị với tình trạng sức khỏe hồi phục tốt…

Thống kê tại Việt Nam, sản giật chiếm khoảng 10,7 – 18,4% các trường hợp tử vong ở thai phụ. Sản giật là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ gây hôn mê sâu, thậm chí đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi nếu không được can thiệp kịp thời.

Tuy nhiên, mức độ sản giật của thai phụ này còn nặng và nguy hiểm hơn vì thai phụ còn mắc mắc bệnh beta thalassemia (hay tan máu bẩm sinh) là một nhóm các bệnh di truyền làm giảm lượng hemoglobin bình thường trong hồng cầu. Thai phụ mắc bệnh thalassemia có nguy cơ bị thiếu máu trầm trọng trong khi mang thai.

Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ khi được chẩn đoán tiền sản giật cần lưu ý những vấn đề sau:

Thực hiện khám thai định kỳ đầy đủ và đúng lịch, nhất là những cột mốc khám thai quan trọng ở cơ sở y tế cho chuyên khoa phụ sản.

Chú ý đến chế độ chăm sóc thai phụ, vì với những thai phụ được chẩn đoán mắc hội chứng này cũng như các thành viên trong gia đình cần trang bị kiến thức, tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

Cần có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai phụ và thai nhi phát triển tốt.

Theo dõi, ghi lại sự thay đổi về huyết áp, cân nặng, nước tiểu… hàng ngày để sớm phát hiện bất thường.

Trong trường hợp thai phụ có các dấu hiệu bất thường, gia đình cần đưa thai phụ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị can thiệp kịp thời, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/y-te/cuu-ca-me-ca-con-nho-cap-toc-dua-vao-phong-mo-chi-sau-10-phut-1137520.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/y-te/cuu-ca-me-ca-con-nho-cap-toc-dua-vao-phong-mo-chi-sau-10-phut-1137520.ldo
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Cứu cả mẹ cả con nhờ cấp tốc đưa vào phòng mổ chỉ sau 10 phút
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO