Cuốn sách lưu giữ hồn cốt nghệ thuật Huế

05/11/2021 18:14

Nghệ thuật Huế" là tác phẩm sâu sắc, có giá trị như từ điển bằng tranh về nghệ thuật của xứ Huế nói riêng và Việt Nam xưa nói chung.

Nghệ thuật Huế (L'Art à Hué) là chuyên khảo số 1 tháng 1-3/1919 của tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué. Với giá trị nội dung tái hiện chân thực nghệ thuật Huế, chuyên khảo này đã trở thành công trình có giá trị, lưu giữ nghệ thuật Huế. Cuốn sách được đề cử trao giải tại Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư, năm 2021.

Nghe thuat Hue anh 1
Nghệ thuật Huế của Léopold Michel Cadière. Ảnh: Việt Linh.

Đọng lại hồn "nghệ thuật Huế"

Đối tượng nghiên cứu chính của Nghệ thuật Huế được chính Léopold Michel Cadière (1869-1955) xác nhận, đó là các họa tiết trong nghệ thuật trang trí An Nam. Những họa tiết ấy có thể được đục, khắc, hoặc thêu, vẽ... nhưng vượt khỏi tính thực dụng. Nó vươn lên tầm nghệ thuật mà nhiều khi người ta bỏ qua không chú ý đến, hoặc đánh giá không chính xác.

Nghiên cứu về nghệ thuật trang trí An Nam, soi chiếu từ Huế, Léopold Michel Cadière nhận thấy những nét riêng biệt mà nếu không phải ở đôi mắt phân tích tinh tường, thực khó nhận diện.

Chẳng hạn ông phát hiện trong các họa tiết do nghệ nhân làm, rùa là con vật có tính nổi loạn nhất. Rùa quen thuộc với hình ảnh đội bia, biểu tượng cho sự vĩnh cửu. Nhưng khi được sử dụng làm họa tiết điểm nhấn uy nghiêm trên đầu mái nhà thay cho rồng uốn khúc, rùa được đắp thêm dải lượn, một ngọn khói hoặc cuộn sóng nước từ miệng để bù trừ cho chiếc cổ và mái khum...

Trước khi đi tìm hiểu chi tiết những họa tiết trang trí làm nên hồn cốt nghệ thuật Huế, tác giả thực hiện phần tổng quan nghiên cứu. Ở đây, nhiều đặc điểm nổi bật của nghệ thuật Huế nói riêng, nghệ thuật Việt Nam nói chung, được thể hiện.

Một điểm đáng chú ý là các họa tiết trang trí, thường được cách điệu hóa và theo mẫu quy ước, dù đó là trái lê, đào hay con hươu, cây tùng... Quy ước ấy còn bắt gặp trong việc "sóng đôi" gần như bất di bất dịch khi hươu phải đi với tùng, chim sẻ gắn với cành mai.

Tác giả còn hướng cả sự chú ý về nghệ thuật của mình nơi đất Huế trong sự chuyển mình của yếu tố này thành yếu tố khác. Đó như là tính ước lệ được đôi mắt phương Tây của Cadière soi kỹ. Không chỉ là sự biến hóa họa tiết từ dây lá thành đường hồi văn, mà cả dây lá hóa rồng... Đến cả chữ viết, ý nghĩa họa tiết cũng được Nghệ thuật Huế tìm hiểu cặn kẽ gắn với văn hóa phương Đông đậm chất Việt.

Nghe thuat Hue anh 2

Bình phong kỳ lân ở chùa. Kỳ lân là họa tiết được trang trí ở bình phong đền, chùa, mái đao, hoặc có mặt trong đỉnh trầm, lư hương... Ảnh: L'Art à Hué.

Sự biến ảo nghệ thuật An Nam qua họa tiết

Dẫn giải cho cái nhìn tổng quan về nghệ thuật Huế là sự trực quan sinh động về mặt hình ảnh qua khối lượng đáng kể họa tiết trong đời thực, được làm sống dậy từ những ký họa của các họa sĩ nơi Nghệ thuật Huế.

Thể hiện sự am hiểu về kỹ, mỹ thuật phương Đông và cũng là người thấm nhuần, cảm thụ sâu sắc văn hóa Việt, nhà Việt học Léopold Michel Cadière chia hệ thống họa tiết thành những góc cạnh chuyên môn riêng biệt để người đọc dễ nhận diện.

Những họa tiết trang trí bằng ký tự, mà ở đây đa số là sự cách điệu chữ Hán, đã giúp ký tự không chỉ thể hiện ý nghĩa thực tế của nó, mà còn trở thành phương tiện trang trí thoát khỏi hình dáng nguyên thủy cứng nhắc về văn tự học. Những chữ "Phúc", "Lộc", "Thọ" trong Tam đa được dùng nhiều và thực sự uyển chuyển qua bàn tay chạm khắc của những nghệ nhân nghề mộc.

Tĩnh vật cũng là phương tiện trang trí phổ biến trong nghệ thuật Huế với những hình ảnh quen thuộc qua họa tiết cuốn thơ, hỏa châu, trái bầu, bộ bát bửu... Bên cạnh đó, họa tiết hoa lá, dây lá, quả và phong cảnh cũng thường gặp.

Đậm nét nơi Nghệ thuật Huế, hình ảnh sống động và nội dung được tác giả dụng công nhiều nhất để phản ánh làm nổi bật, là họa tiết thú. Những hình ảnh của "tứ linh" (long, lân, quy, phụng) cùng những con vật mang tính biểu tượng như rùa, dơi, sư tử, hổ, cá như sống dậy, có hồn qua bàn tay tạo tác của nghệ nhân.

Rồng trong cảm thụ của Nghệ thuật Huế là linh thú mang sức mạnh thần quyền được dùng nhiều nhất trong nghệ thuật Việt, xuất hiện từ cung điện cho đến đình chùa, từ đồ gỗ cho đến vải vóc... Họa tiết rồng cũng do đó, được thể hiện sinh động về kiểu dáng, họa tiết, và còn ở nhiều mô thức, nào "lưỡng long triều nguyệt", "lưỡng long tranh châu" đến "long ẩn vân".

Lần giở những trang tiếp theo, họa tiết của kỳ lân, chim phụng, dơi và những con vật khác, lại hấp dẫn người xem không chỉ ở hình ảnh, mà cả những ý nghĩa, thông điệp được truyền tải qua những họa tiết linh thú ấy.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuốn sách lưu giữ hồn cốt nghệ thuật Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO