Nhiều người nhận định hôn nhân chớp nhoáng chẳng khác gì như đang đánh bạc, lúc đó bạn đang lấy cả cuộc đời mình ra để đặt cược, rất rủi ro. Thế nhưng không ít người vẫn nhắm mắt làm ngơ, sẵn sàng đánh canh bạc này để rồi nhận về cái kết ê chề.
Anh Tôn (sống tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) năm nay 29 tuổi và là một tài xế xe tải. Sáu năm trước, anh kết hôn với người vợ họ Vương ở cùng làng, nhưng đến năm thứ 2 sau cưới, vợ lại qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Sau khi góa vợ, anh vẫn độc thân suốt thời gian qua.
Nửa cuối năm ngoái, một người mai mối trong làng đột nhiên đến gặp anh Tôn, nói rằng có một người phụ nữ họ Trần sống ở làng gần đó rất xinh đẹp, và từng trải qua một đời chồng. Chồng cũ của chị cũng là tài xế xe tải, nhưng bị liệt trong một vụ tai nạn hơn 3 năm trước, nên cả hai đã ly hôn. Hiện chị Trần muốn tìm một người đàn ông phù hợp để tái hôn.
Vì từng trải qua một đời vợ nên anh Tôn không kén chọn, đồng ý đưa 180.000 tệ (hơn 590 triệu) để rước chị Trần về nhà mà chẳng cần tìm hiểu kỹ. Trước khi tổ chức đám cưới, anh Tôn đề nghị đi đăng ký kết hôn nhưng chị Trần luôn viện nhiều lý do khác nhau để từ chối.
Cuối cùng vì công việc bận rộn, anh Tôn không để ý tới việc này nữa, “tặc lưỡi” làm vài mâm cơm thết đãi gia đình, người thân vào hồi đầu năm nay, coi như cả hai chính thức thành vợ thành chồng.
Anh Tôn luôn cho rằng, đã là vợ chồng thì phải đối đãi bằng cả trái tim, đồng thời vợ nên là “tay hòm chìa khóa”, quản lý chi tiêu trong nhà. Chính vì vậy, sau khi cưới, anh đã đưa hết tài sản cho vợ giữ, bao gồm một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 70.000 tệ (khoảng 230 triệu) và một số tiền mặt.
Mặc dù là tài xế xe tải nhưng anh Tôn không có xe riêng mà phải làm thuê, làm mướn cho người ta. Gần đây, thấy xe ô tô đang giảm giá sâu nên anh định mua một chiếc ô tô cho riêng mình. Nhưng ai ngờ, khi anh nói vợ đưa tiền tiết kiệm cho mình mua xe thì vợ lại tỉnh bơ đáp rằng đã cho người khác mượn số tiền đó rồi. Nếu anh cần gấp, chị sẽ đi đòi nợ đưa tiền về cho anh.
Anh Tôn tin tưởng đưa hết tiền cho vợ giữ nhưng không ngờ bị lừa một vố đau điếng.
Vợ đưa tiền cho người khác vay mà không bàn qua chồng, anh Tôn có chút tức giận. Nhưng sau đó anh lại nghĩ, chỉ cần vợ lấy lại số tiền đó là được, anh không chấp nhặt làm gì.
Vào cuối tháng 6 vừa rồi, chị Trần đi đòi nợ, nhưng không ngờ chị ta một đi không trở lại, chồng gọi cũng tắt máy luôn. Linh cảm có điều chẳng lành, anh Tôn liền đi tìm vợ và tìm hiểu sự việc.
Điều tra mới biết, chị Trần chưa hề ly hôn với chồng. Lý do chị ta “cưới” anh thực ra là vì muốn dùng tiền của anh để nuôi chồng bị liệt cùng bố mẹ chồng.
Bị lừa một vố đau điếng, anh Tôn tức giận đi khắp nơi hỏi tung tích của chị Trần. Cuối cùng vào ngày 7/7, anh tình cờ gặp “vợ” đang đi mua sắm. Thấy chị Trần, “người vợ nửa năm” của mình, anh Tôn liền đẩy chị xuống đất, ép chị phải trả lại tiền cho anh.
Thấy "vợ hờ" ngoài đường, anh liền đè chị ta xuống đất đòi tiền.
Sự việc ồn ào cả một khu, thu hút sự chú ý của người qua đường và được nhiều người quay lại đăng tải lên mạng xã hội. Hầu hết mọi người đều bức xúc trước hành vi của chị Trần.
“Không chỉ bắt chị ta trả lại tiền tiết kiệm mà tiền sính lễ cũng phải trả lại. Đây rõ ràng là một cuộc hôn nhân lừa đảo”, “Tốt nhất nên giao chị ta cho cảnh sát xử lý, để chị ta chừa thói lừa lọc đi”, “Đây cũng là bài học cho những người yêu nhanh cưới vội, kết hôn mà không tìm hiểu đối phương trước”,… là một số bình luận của cư dân mạng.
Đăng ký kết hôn là điều kiện tiên quyết để cả hai tiến tới hôn nhân. Đây là thủ tục pháp lý, là cơ sở để pháp luật có thể bảo vệ quyền, lợi ích cho người dân. Đăng ký kết hôn cũng là sự ràng buộc về nghĩa vụ của hai bên nam, nữ trong mối quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên trước khi đặt bút ký vào giấy đăng ký kết hôn, cả hai nên tìm hiểu về nhau thật kỹ càng, không nên vì bất kỳ lý do nào mà vội vàng kẻo hối hận về sau.
Những điều dù tế nhị nhưng cần phải hỏi đối phương trước khi kết hôn
Dĩ nhiên tình yêu là điều kiện tiên quyết cần có trong một cuộc hôn nhân. Song bên cạnh đó, các cặp đôi nên trả lời những câu hỏi sau trước khi cưới, hãy suy nghĩ thật kỹ bởi hôn nhân không phải là phép thử.
- Sau khi cưới, chúng ta sẽ sống ở đâu? Sống cùng bố mẹ hay sống riêng?
- Kế hoạch sinh con của chúng ta ra sao? Khi nào sinh và sinh mấy đứa con? Nếu không thể sinh con, chúng ta phải làm gì?
- Chúng ta sẽ quản lý tiền bạc, chi tiêu thế nào? Vấn đề này bao gồm ai là người giữ tiền, có gửi tiền hỗ trợ gia đình hai bên mỗi tháng không, có nợ nần không?
- Chúng ta sẽ phân chia việc nhà như thế nào?
- Khi xảy ra bất đồng, bố mẹ em/anh bình tĩnh thảo luận hay giữ im lặng?
Theo Báo PNTĐ