Cuộc xung đột Nga-Ukraine sau một năm: Những cột mốc đáng chú ý

21/02/2023 06:14

Khi triển vọng kết thúc chiến sự mờ nhạt và nguy cơ leo thang căng thẳng vẫn đang hiện hữu, hãy điểm lại những diễn biến đáng chú ý của cuộc xung đột Nga-Ukraine sau gần 1 năm.

Tháng 2/2022: Cuộc xung đột nổ ra

Theo Euronews, vào sáng 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Ngay sau đó, các cuộc tập kích tên lửa trên diện rộng đã xảy ra ở nhiều khu vực trên khắp Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev.

Phản ứng lại động thái của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban bố thiết quân lệnh, ra lệnh tổng động viên toàn quốc và chấm dứt quan hệ ngoại giao với Moscow.

Liên Hợp Quốc và phương Tây đã phản đối mạnh mẽ hành động của Nga, đồng thời áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt với Moscow.

Tháng 3/2022: Nấm mồ Bucha

Ảnh: pravda

Sau những lợi thế ban đầu, lực lượng Nga vấp phải sự chống cự mạnh mẽ và buộc phải rút lui khỏi các khu vực xung quanh vùng Kiev. Tuy vậy, sau khi Ukraine giành lại các khu vực này, những hình ảnh kinh hoàng về hậu quả của một cuộc xung đột vũ trang đã làm cả thế giới choáng váng.

Tại thành phố Bucha, rất nhiều khu mộ tập thể đã được tìm thấy ở khu vực rừng thông lân cận. Chính quyền địa phương cho biết, đã nhận được báo cáo về khoảng 12.000 người thiệt mạng ở thành phố này.

Tháng 4/2022: Giao tranh ở Donetsk và Luhansk

Vào đầu tháng 4, Nga chuyển sang tập trung vào mặt trận miền đông để cố gắng kiểm soát hoàn toàn Donetsk và Luhansk. Hai khu vực này sau đó trở thành điểm nóng của cuộc xung đột trong vài tháng tiếp theo.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đã có 2/3 trẻ em của Ukraine phải di cư tới các quốc gia khác vì ảnh hưởng chiến sự.

Tháng 5/2022: Vai trò của NATO

Ảnh: pravda

Chính phủ Nga cho rằng việc NATO cố gắng mở rộng liên minh là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới cuộc xung đột. Đây cũng là thời điểm Thụy Điển và Phần Lan đẩy mạnh tiến trình gia nhập NATO.

Vào cuối tháng 5, những binh sĩ Ukraine cuối cùng còn cố thủ tại Mariupol đã phải rút lui.

Tháng 6/2022: Ảnh hưởng toàn cầu

Khi cuộc xung đột trải qua hơn 100 ngày, những ảnh hưởng của nó với nền kinh tế toàn cầu bắt đầu được thể hiện rõ. Giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao vì các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây khiến lạm phát xuất hiện ở nhiều nơi.

Trong khi đó, LHQ đã lên tiếng cảnh báo về việc 181 triệu người ở 41 quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực do Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc.

Tháng 7/2022: Căng thẳng ở phía đông

Ảnh: Pravda

Lực lượng Nga đã kiểm soát được gần như toàn bộ Luhansk, khiến Ukraine phải tập trung vào việc bảo vệ Donetsk. Tuy vậy, Ukraine cũng giành được một vài lợi thế trên tiền tuyến, khi các tổ hợp HIMARS của Mỹ đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Nga và Ukraine đồng ý ký kết thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen, đây là một bước đột phá trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Tháng 8/2022: Các vụ nổ tại Crưm

Các vụ nổ liên tục xảy ra tại các sân bay quân sự ở bán đảo Crưm và cuộc tranh chấp xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là những điểm nhấn trong tại thời điểm này.

Cuối tháng 8, Nga quyết định dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống "Dòng chảy phương Bắc 1", đẩy giá năng lượng toàn cầu lên mức kỷ lục.

Tháng 9/2022: Lệnh động viên và sáp nhập

Ảnh: pravda

Để chiếm lợi thế tại tiền tuyến, Tổng thống Putin quyết định ra lệnh động viên một phần nhằm bổ sung khoảng 300.000 quân cho chiến dịch quân sự đặc biệt.

Tới ngày 30/9, Moscow hoàn tất quá trình sáp nhập 4 vùng lãnh thổ Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhia thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Tháng 10/2022: Tập kích qua lại

Cây cầu nối liền bán đảo Crưm và lãnh thổ Nga phải hứng chịu một vụ nổ lớn, nhưng lực lượng Ukraine đã phủ nhận sự liên quan. Trong khi đó, Nga tập trung công kích các cở sở năng lượng của đối thủ.

Tháng 11/2022: Ukraine giành lại Kherson

Sau nhiều nỗ lực, lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát Kherson, một trong những thành phố bị mất từ đầu cuộc xung đột. Trong tháng này, một tên lửa phòng không của Ukraine đã rơi vào lãnh thổ Ba Lan, gây ra nhiều cuộc tranh luận.

Tháng 12/2022: Ông Zelensky tới Mỹ

Ảnh: Pravda

Tổng thống Zelensky có chuyến công du tới Mỹ, đây là lần đầu tiên ông rời khỏi Ukraine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Về phía Mỹ, Tổng thống Biden đã đồng ý chuyển giao hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine để đối phó với các đợt tập kích của đối thủ.

Vào dịp Giáng sinh và Năm mới, Nga liên tục thực hiện các cuộc không kích trên nhiều khu vực của Ukraine.

Tháng 1/2023: Xe tăng và vũ khí mới

Sau rất nhiều tranh cãi, Mỹ và Đức đã đồng ý gửi những loại xe tăng chiến đấu chủ lực của mình tới Ukraine. Giờ đây các cuộc thảo luận của phương Tây chuyển sang một chủ đề mới: máy bay chiến đấu cho Kiev.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cuoc-xung-dot-nga-ukraine-sau-mot-nam-nhung-cot-moc-dang-chu-y-2110026.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/cuoc-xung-dot-nga-ukraine-sau-mot-nam-nhung-cot-moc-dang-chu-y-2110026.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc xung đột Nga-Ukraine sau một năm: Những cột mốc đáng chú ý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO