Nằm ở phía đông nam Moldova là Transnistria, một nhà nước tự xưng nhưng không được công nhận và không tồn tại trên bản đồ thế giới. Cộng hòa Moldova xem phần lớn lãnh thổ Transnistria là một bộ phận của quốc gia này với tên gọi "Đơn vị lãnh thổ tự trị với địa vị pháp lý đặc biệt Transnistria".
Justin Barton, một nhiếp ảnh gia người Anh đến thăm Transnistria vào năm 2015 và phỏng vấn một cô gái 23 tuổi về quê hương của mình, cô ấy đã bật khóc vì chưa bao giờ đi xa khỏi Transnistria.
Trong khi đó nhiếp ảnh gia Julia Autz lần đầu biết đến sự tồn tại của Transnistria, cô đã mong muốn được tới đây và tự tìm hiểu. "Tôi muốn biết cảm giác sống ở một đất nước có tương lai không chắc chắn là như thế nào", Julia nói trên Huck Magazine.
Thế nhưng đặt chân tới Transnistria, những gì cô nhìn thấy lại là một lãnh thổ với hệ thống tiền tệ và bưu chính riêng, có quyền kiểm soát biên giới, có quốc hội, quốc ca, quốc kỳ, quốc huy và cả quân đội, cảnh sát. Người dân tại đây thậm chí còn mang quốc tịch Transnistria.
Mặc dù vậy, tất cả điều này đều không được thế giới công nhận, thậm chí là cả Nga. Chính điều đó đã dẫn đến sự phân cực về thái độ sống giữa tầng lớp thanh thiếu niên và người già ở Transnistria.
"Với những người trẻ tuổi, họ mong muốn rời khỏi Transnistria bởi ngày càng khó tìm được một công việc với mức lương đủ sống tại đây. Bên cạnh đó, bằng cấp của đại học Transnistria không được công nhận khiến họ không thể tìm việc ở nước ngoài", Autz chia sẻ.
Nhiều trẻ em Transnistria mơ ước được đi du học ở Nga.
Tháng 3/2014, trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc sáp nhập Crimea, chính phủ Transnistria đã yêu cầu được trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra khiến tương lai của Transnistria càng trở nên ảm đạm.