Cuộc sống mắc kẹt của phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban

19/02/2022 08:27

Dưới thời Taliban cầm quyền, cuộc sống của phụ nữ Afghanistan bị mắc kẹt do bị giới hạn mọi quyền lợi.

Cô Sara Seerat (27 tuổi) và Sahar (19 tuổi) là 2 trong số hàng ngàn phụ nữ Afghanistan đang phải sống trong những ngày tháng khổ cực bị giới hạn mọi quyền lợi dưới sự cai trị của chính quyền Taliban kể từ tháng 8/2021.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cô Seerat từng làm việc cho chính phủ cũ Afghanistan. Kể từ khi Taliban chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul vào giữa tháng 8/2021, cô Seerat đã nhận được những tin nhắn đe dọa và quấy rối vì tổ chức một cuộc biểu tình. Cô Seerat rơi vào cảnh tuyệt vọng khi không thể tự mình đi làm hoặc đi lại tự do trên các con phố như xưa.

Cuộc sống mắc kẹt của phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban
Tay súng Taliban đứng canh trên con đường đông phụ nữ qua lại ở thủ đô Kabul của Afghanistan. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, nữ sinh Sahar hiện không thể tiếp tục học Đại học. Cô cũng phải đóng cửa quán cà phê vốn được gây dựng để hỗ trợ việc làm cho những phụ nữ Afghanistan bị thất nghiệp.

Sau hơn 6 tháng kể từ khi Taliban lật đổ chính quyền Afghanistan vốn được phương Tây hậu thuận, những người phụ nữ ở quốc gia Nam Á vẫn đang chật vật đấu tranh để có được một cuộc sống tự do. Dù Taliban không ít lần hứa hẹn cải thiện quyền lợi và sự tự do cho phụ nữ, nhưng trên thực tế không ít phụ nữ Afghanistan vẫn bị bắt giữ dù họ chỉ là tham gia các cuộc biểu tình hòa bình để đòi quyền được đi học và đi làm.

Đối với cô Sahar, người được sinh ra dưới thời quân đội Mỹ tham chiến ở Afghanistan, cô từng tin rằng mình có thể hoàn thành chương trình học Đại học và quản lý một doanh nghiệp. Nhưng khi Taliban tràn vào Kabul, cô gái trẻ biết mọi hy vọng đã sụp đổ. Chuyện này đã gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý của cô.

“Nếu tình hình này còn tiếp diễn ở Afghanistan, tôi dám chắc toàn bộ phụ nữ sẽ bị trầm cảm và mắc các bệnh về tâm thần”, cô Sahar nói.

“Bởi hiện tại, phụ nữ không có quyền được đi học và đi làm. Họ cũng không được tham gia các cuộc biểu tình hòa bình để đòi lại quyền lợi. Mỗi ngày, nhiều phụ nữ từ các tỉnh thành khác nhau và ở khắp nơi trên đất nước này lại bị cầm tù chỉ vì dám đứng lên bảo vệ quyền lợi”, cô Sahar nhấn mạnh cô không tin Taliban sẽ giữ lời hứa tôn trọng các quyền của phụ nữ.

Cô Seerat, người mới đây đã được chấp thuận xin tị nạn ở một quốc gia châu Âu, cho biết cô hy vọng có thể trở thành tiếng nói đại diện đấu tranh cho các quyền lợi của phụ nữ Afghanistan khi sống ở nước ngoài.

Theo các chuyên gia, thế giới không được phép quyên bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và bé gái ở Afghanistan. Những nước trên thế giới có mối quan hệ với Taliban như Trung Quốc có thể gia tăng sức ép để buộc Taliban đảm bảo các quyền cho phụ nữ.

Trong các cuộc đối thoại gần đây với Taliban về quỹ hỗ trợ từ nước ngoài, các đại sứ vùng Vịnh đã nhấn mạnh quyền phụ nữ được đi làm và tầm quan trọng của việc cho phép các bé gái được tiếp tục chuyện học hành ở trường.

Cũng theo các chuyên gia, liên quan tới lời hứa mở cửa lại trường học và trường đại học cho nữ sinh, các nước cần thúc ép để Taliban thực hiện lời hứa trước khi tiến tới công nhận ngoại giao với lực lượng phiến quân.

Bên cạnh đó, chính phủ các nước và các nhóm hỗ trợ có thể giúp đỡ theo nhiều cách khác như đào tạo trực tuyến cho các bé gái bị mắc kẹt ở nhà, mở thêm nhiều nơi đón nhận người xin tị nạn, và xúc tiến thực hiện các yêu cầu hiện thời của phụ nữ Afghanistan.

Nói tóm lại, song song với việc tiếp tục gia tăng sức ép buộc Taliban hiện thực hóa lời hứa, các nước cũng cần duy trì những nỗ lực tăng khoản tài trợ và đa dạng hóa các kênh hỗ trợ nhân đạo, bởi nền kinh tế Afghanistan đang đứng trước bờ vực sụp đổ.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Afghanistan trở nên trầm trọng hơn một cách nhanh chóng sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát. Theo đó, hàng tỉ USD viện trợ đã bị phong tỏa khiến nguồn tiền mặt ở Afghanistan bị cạn kiệt.

Hồi tháng 10/2021, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết hỗ trợ 1 tỉ euro (1,12 tỉ USD) cho Afghanistan. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hứa chuyển 280 triệu USD cho Qũy Trẻ em Liên Hợp Quốc và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Mỹ đã đóng góp gần 474 triệu USD cứu trợ nhân đạo ngoài khoản cứu trợ phát triển trong năm 2021. Tuy nhiên, số tiền này không thấm vào đâu so với 9,5 tỉ USD tài sản bị đóng băng ở nước ngoài.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc sống mắc kẹt của phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO