Khô nhái sau khi phơi |
Vốn nổi tiếng là xứ có nhiều nhái, từ vài năm nay, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên còn nổi tiếng với nghề làm khô nhái. Người dân Vĩnh Trung lại có thú vui là hằng đêm đi bắt nhái về nấu cháo hay bán dăm ba ký làm mồi cho những người đi cắm câu, lần hồi người ta nghĩ ra cách làm khô từ đó dân Vĩnh Trung bắt đầu nên nghề. Cái nghề làm khô nhái độc đáo này đã giúp hàng trăm người dân nghèo ở khu vực nông thôn có cuộc sống khấm khá.
Cứ vào độ tháng 4, tháng 5 âm lịch hàng năm, khi trời sa mưa thì cư dân nghề làm khô nhái Vĩnh Trung lại chuẩn bị đồ nghề cho một mùa làm ăn mới. Ngày nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều là những người soi nhái xách đồ nghề ra đồng, dụng cụ của những thợ săn chỉ gồm 1 bóng đèn bình gắn nơi trán, 1 cây vợt nối cán dài và giỏ đựng nhái. Trên những cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong thì trời nhá nhem tối là bản hợp ca của những chú nhái vang vọng cả vùng Bảy Núi.
Trải nghiệm cùng cư dân làm nghề soi nhái
Những thợ săn nhái về đêm |
Để hiểu biết thêm về đặc tính của loài nhái, những kinh nghiệm cũng như những vất vả của nghề, theo chân những thợ săn thì mới hiểu hết những đặc điểm về loài nhái. Theo họ, nhái có đặc điểm là cư trú nơi đồng trống, đặc biệt trên ruộng lúa mới thu hoạch, trời đang nắng gắt bỗng đổ mưa nhẹ là thời điểm nhái hội. Đặc biệt, vào đầu mùa nước nổi, mưa nhiều những thửa ruộng đồng bưng ngập nước, họ hàng nhà nhái rủ nhau lên ruộng trên nơi chân núi kiếm ăn. Bởi lúc này những thửa ruộng trên cũng đã thu hoạch nên có nhiều côn trùng đến cư trú.
Đêm tối hun hút, tiết trời se lạnh trong cơn mưa nhè nhẹ, gió đàn từng cơn nhưng trên các cánh đồng vẫn nhấp nháy ánh đèn pha liên tục của dân soi nhái. Trong đêm tối, người soi nhái phải thường xuyên căng mắt theo dõi cử động của từng con đến lúc phát hiện có chấm đỏ nhờ ánh sáng đèn mới dừng lại chụp thật nhanh.
“ Mình pha, nếu có thì trong gốc cây vẫn thấy, con nhái lúc nào cũng thấy đèn, nếu gặp đèn, hai mắt nhái sẽ nổi lên có màu đỏ, mình tiến đến chụp ngay- Anh Võ Văn Luyến (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) chia sẻ. Theo kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm, muốn bắt được nhiều nhái thì phải đi soi lúc trời tối, mưa nhẹ nhẹ, nếu trời có trăng thì nhái không nhiều.
Là nghề dễ hái ra tiền nên ngày càng có nhiều người nghèo ở vùng Bảy Núi chọn để mưu sinh trong đó có cả trẻ em từ 14 - 15 tuổi. Em Nguyển Văn An (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) cho biết: “Cũng nhờ nghề bắt nhái này mà em kiếm được tiền phụ giúp gia đình. Một đêm bắt cở 3- 4 kg, bán được khoảng hai trăm mấy đến ba trăm ngàn”.
Cuộc săn nhái trên đồng diễn ra từ khi trời tối kéo dài đến gần một, hai giờ sáng, tùy vào số lượng bắt được trong đêm mà người săn nhái về sớm hay muộn. “ Bắt có khi trúng một đêm mười mấy kg, có khi thất 7- 8 kg cũng có khi không có thì về sớm, về sớm đến nhà cũng từ 12 giờ đêm trở lên. Hôm nào trúng về tới nhà cũng gần 2 giờ sáng” - Anh Võ Văn Luyến (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) chia sẻ.
Nhiều năm qua, nghề soi nhái được xem là cần câu cơm của bà con nghèo ở ấp Vĩnh Lộc và Vĩnh Hạ, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. Vùng núi non này trước đây ếch nhái nhiều vô kể nhưng khi người người đổ xô đi soi, đi bắt, số lượng nhái ngày một ít đi vì không sinh sản kịp và những thợ bắt nhái chuyên nghiệp phải sang những vùng lân cận như Tri Tôn, Châu Thành, thậm chí sang tận miền biển Kiên Giang.
Sau khi bắt được nhái, những thợ săn sẽ mang nhái đến điểm tập kết để bán cho mối lái và công việc này chủ yếu do đàn ông đảm trách. Nghề soi nhái vất vả nhưng lại giúp người dân vùng Bảy Núi, đặc biệt là những hộ thiếu đất canh tác có được thu nhập khá cao góp phần ổn định cuộc sống.
Ông Võ Văn Liền, một trong những người làm khô nhái đầu tiên và có tiếng ở xã Vĩnh Trung cho biết: “ Vào mùa nhái rộ, mỗi ngày ông bắt đầu công việc của mình từ 4 giờ sáng, ông đến các điểm tập kết để thu mua nhái từ các thợ săn. Việc mua bán rất nhanh gọn và vui vẻ bởi phần lớn người đi bắt nhái đã hành nghề nhiều năm và là mối mua bán thân thiết với ông. Đến khoảng 9 giờ sáng công việc thu mua của ông kết thúc và bắt đầu công đoạn tiếp theo là chế biến thành khô”.
Chế biến khô nhái |
Theo chủ cơ sở sản xuất, trong các khâu làm khô nhái, khâu vất vả nhất là soi nhái, làm nhái và rửa nhái. Vì nhái rất trơn nên để lột được da một cách dễ dàng nhanh chóng, người làm ngoài việc dùng đến dao kéo còn phải chấm tay vào chén cát để tăng độ nhám nên khâu rửa cũng phải cẩn trọng từng chút một. Với những người làm nghề lâu năm, họ làm khâu này rất thuần thục và rất nhanh. Vào mùa nhái nhiều các cơ sở cũng tăng gia sản xuất nhờ vậy mà nhiều lao động nông nhàn có cơ hội kiếm thêm thu nhập nên làng nghề lúc nào cũng đông vui.
Một công đoạn chế biến khô nhái
Khi ếch, nhái được làm sạch thì đến công đoạn ướp gia vị và đem phơi, trong đó khâu ướp gia vị là khâu bí quyết của chủ cơ sở, nên chỉ khi người chủ ướp xong đem ra ngoài những người làm thuê mới xếp nhái lê vĩ phơi. Nếu nắng tốt thì chỉ cần một ngày rưỡi là nhái đã khô, còn nắng yếu thì có thể từ 2 đến 3 ngày.
Xếp nhái lên vĩ phơi |
So với nhiều loại khô khác, khô nhái đòi hỏi người làm tỉ mỉ và chịu khó. Theo kinh nghiệm của người xứ núi, khô phải phơi nắng mới ngon, sấy bằng các loại máy móc sẽ mất hương vị tự nhiên. Khô nhái ngon đúng chuẩn phải là thấm đều, các chân nhái dài đẹp, lớp thịt khô nhìn vào trong bóng thấy cả xương dậy mùi thơm của nắng và của gia vị.
Độc đáo của khô nhái là mặc dù không chất bảo quản nhưng khô nhái có thể để ăn quanh năm mà không bị mốc. Để làm ra 1kg khô nhái thì cần khoảng 5kg nhái tươi nguyên liệu, chính vì vậy khô nhái luôn ở mức giá cao, nhất là vào thời điểm cuối năm, gần Tết.
Hiện, những hộ làm khô cùng nhau thành lập hợp tác xã để xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường. Đồng thời sắp tới sẽ xây dựng thương hiệu cũng như thực hiện các thủ tục để được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Mùa mưa ở Bảy Núi là mùa hấp dẫn và thú vị nhất trong năm với hàng loạt đặc sản của núi rừng Tây Nam. Mưa về đem lại nguồn sống mới cho muôn loài vạn vật sau những tháng mùa khô, mùa của những cơn khát. Đây cũng là mùa của ếch nhái sinh sôi, mùa làm ăn sung túc nhất của cư dân Bảy Núi, nhất là những người dân gắn bó với nghề làm khô nhái.