Cuộc sống hiện đại ngày càng phát triển, nhiều gia đình ở TPHCM bán đi những bộ bàn ghế, ván ngựa, đồ trang trí bằng gỗ. Lúc này, những người mua nội thất cũ tỏa đi khắp thành phố để thu mua, chợ đồ gỗ cũ trong con hẻm 124 Phạm Thế Hiển (quận 8, TPHCM) cũng được hình thành.
Nhiều món đồ gỗ khi mua về đã bị mục và bong tróc sơn nên phải lắp ráp thêm bộ phận mới và quét sơn lại. Anh Thọ (chuyên mua bán đồ gỗ cũ) chia sẻ: "Tái chế lại đồ cũ, phải mất 2-3 ngày mới hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất và mới nhất''.
Vào các ngày trong tuần, con hẻm nhỏ luôn tấp nập người vận chuyển, mua bán đồ gỗ cũ. Tại đây, có gần 20 cửa hàng thu mua đồ gỗ là dân nhập cư, người từ Hải Dương, Nam Định, người từ An Giang, Cần Thơ... Có những người tới đây ở đậu, thấy nghề "sống được" nên làm thử, lâu dần thành phường, thành hội.
Chiếc tủ quần áo cũ được các cửa hàng thu mua và các thợ mộc sẽ tân trang lại cho đẹp và chắc chắn. Thợ làm mộc giỏi được bao ăn ở lại tại cửa hàng, tiền công khoảng 500.000 đồng/ngày.
Nhiều đồ gỗ nội thất được các cửa hàng trong hẻm chọn mua cẩn thận, đa dạng loại gỗ như: cẩm đỏ, gõ đỏ, cẩm lai, hương đỏ… quan trọng là sự tinh xảo và chắc chắn.
''Tôi làm ở đây hơn chục năm rồi. Trong hẻm này, giống như cái làng gỗ vậy, nhà nào cũng buôn bán và sửa chữa đồ gỗ'', ông Tám nói.
Trong quá trình "hồi sinh" những đồ gỗ cũ thành những món đồ có giá trị đến cả vài chục triệu, thì người thợ mộc cũng phải tỉ mỉ tạo mẫu hoa văn tinh xảo, cứng cáp.
Ông Sáu (quê ở Tiền Giang) chia sẻ: ''Nghề này nó vất vả lắm, bụi bẩn, còn phải cẩn thận với những thiết bị sắc nhọn. Chú thường nấu ăn ở nhà mang đi, trưa đến chú tranh thủ ăn nhanh rồi làm để chiều được về sớm nghỉ ngơi''.
''Anh cũng hay sang đây tìm đồ gỗ về cho gia đình sử dụng. Trong hẻm này có nhiều người mua hiểu biết về đồ gỗ vì ở đây nhiều đồ có giá trị xưa cao và hoàn toàn không dùng gỗ ép, cũng có nhiều người mua về bán kiếm lời'', anh Chuẩn nói.
Các món đồ gỗ cũ chất đầy trong những cái kho nằm sát bờ kênh Tàu Hũ. Khách cần mua đồ cứ tự vén đường, len lỏi trong những đống đồ cũ nát để tìm. Thấy cái gì ưng ý khách tự chọn rồi tìm chủ hỏi giá.
Ngoài đồ nội thất gỗ ra, trong hẻm còn nhiều nhà bán những đồ cũ để phục vụ trang trí cho một số không gian cần thiết.
Ông Thành, hơn 20 năm chở đồ gỗ thuê cho biết: "Khách đến chọn mua đồ xong thì nhờ tôi chở về, người mang về nhà sử dụng, người mua về để trang trí quán cà phê, quán nhậu... Bình quân một ngày tôi bỏ túi khoảng 400.000 đồng".
Xóm đồ gỗ nằm sát bờ kênh Tàu Hủ nên thương lái từ Bến Tre, Vĩnh Long... hay chạy ghe lên để thu mua. Không chỉ thương lái miền Tây, thương lái vùng Tây nguyên, miền Bắc, miền Trung cũng tìm về đây. Lý do là đồ gỗ tự nhiên ngày càng có giá, người dân chuộng những món đồ làm bằng gỗ tự nhiên có độ bền cao và giá cả cũng dễ chịu.