Cuộc đua vũ khí chống vệ tinh

23/11/2021 09:00

Bộ Quốc phòng Nga mới đây xác nhận quân đội nước này đã bắn hạ một vệ tinh tình báo được Liên Xô phóng lên không gian từ năm 1982. Thông tin trên đã dấy lên cuộc tranh cãi giữa các nước phương Tây và Nga, đồng thời làm “nóng” cuộc đua vũ khí chống vệ tinh.

Theo Reuters, ngày 15-11, Nga sử dụng tên lửa bay thẳng vào không trung (ASAT) để phá hủy một vệ tinh quay quanh quỹ đạo COSMOS 1408 của nước này. Nguồn tin trên cho biết thêm, COSMOS 1408 là vệ tinh tình báo tín hiệu thuộc hệ thống Tselina-D đã được Liên Xô phóng lên không gian từ năm 1982 và ở trên quỹ đạo từ đó đến nay.

Một ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng xác nhận vụ thử nghiệm thành công. Mặc dù không nói rõ hệ thống vũ khí mới là gì nhưng ông Shoigu xác nhận “hệ thống mang tính hứa hẹn” với khả năng tấn công chính xác vệ tinh.

Bộ Ngoại giao Nga sau đó cũng khẳng định, vụ thử “tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế” và “không nhằm vào bất cứ ai”.

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hoạt động trong không gian. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, vụ thử trên đã vấp phải sự phản đối của một số nước. Mỹ cáo buộc Nga thực hiện vụ tấn công “nguy hiểm và vô trách nhiệm” nhằm vào một vệ tinh, tạo ra đám mây mảnh vỡ và buộc phi hành đoàn Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) phải điều khiển hệ thống để né tránh.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, vụ thử của Nga có nguy cơ gây rủi ro lâu dài cho các hoạt động không gian, ảnh hưởng đến sự an toàn của các nhà du hành vũ trụ trên ISS.

Phản bác những cáo buộc trên, Bộ trưởng Shoigu khẳng định “các mảnh vỡ không gây ra bất cứ mối đe dọa nào với hoạt động trong không gian”.

Theo ông Shoigu, Washington chắc chắn biết rõ các mảnh vỡ, xét về thời gian thử nghiệm và thông số quỹ đạo, không gây ra mối đe dọa cho các trạm vũ trụ, tàu vũ trụ và các hoạt động không gian khác.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, nước này đang nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ trong không gian để loại trừ thiệt hại đối với an ninh quốc gia do vũ khí không gian của nước ngoài gây nên.

Về phần mình, Tổng giám đốc Tập đoàn Vũ trụ Nga Rosksomos, ông Dmitry Rogozin ngày 20-11 cho biết thêm, Nga trong điều kiện hiện nay cần có vũ khí chống vệ tinh. “Nhận thức rằng các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ bắt đầu từ vũ trụ.

Chúng ta phải tự bảo vệ trong vũ trụ, đó là lý do việc chế tạo vũ khí chống vệ tinh là điều hiển nhiên mà chúng ta phải có”, ông Rogozin nói trên kênh YouTube “Soloviev live”.

Tổng giám đốc Roscosmos khẳng định, hệ thống cảnh báo các tình huống nguy hiểm trong không gian của Nga đang theo dõi tình hình và coi sự an toàn của phi hành đoàn ISS là ưu tiên hàng đầu trong việc tạo ra và vận hành công nghệ vũ trụ.

Vũ khí diệt vệ tinh là loại tên lửa công nghệ cao chỉ một số ít quốc gia sở hữu, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 1970, Liên Xô thử thành công vệ tinh mang chất nổ có thể diệt vệ tinh khác trên quỹ đạo.

Ngày 13-9-1985, tiêm kích F-15A của Không quân Mỹ đã phóng tên lửa ASM-135, phá hủy vệ tinh Solwind P78-1 đang bay cách mặt đất 500km với tốc độ 28.000km/giờ. Vụ phóng trúng đích đánh dấu lần đầu tiên tiêm kích tiêu diệt thành công vệ tinh trên quỹ đạo.

Năm 2008, Mỹ cũng bắn hạ một vệ tinh nhằm đáp trả việc Trung Quốc thử vũ khí chống vệ tinh một năm trước đó. Năm 2019, Ấn Độ tiến hành vụ thử vũ khí chống vệ tinh nhưng hoạt động trên bị Mỹ và nhiều quốc gia chỉ trích vì tạo ra hàng trăm mảnh rác không gian.

Nga cũng là mục tiêu chỉ trích của Mỹ sau khi Moscow bắn tên lửa vào một vệ tinh trong khuôn khổ một cuộc thử nghiệm vũ khí năm 2020. “Mỹ cần đàm phán và thảo luận về những quan ngại của họ liên quan tới vũ khí trong không gian thay vì đưa ra cáo buộc vô căn cứ như hiện nay”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh.

BÌNH NGUYÊN

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua vũ khí chống vệ tinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO