Sâu trong khe vực thuộc dãy Appalachian (Mỹ), Warren Rogers đứng trên một đống phế thải của nhà máy rửa than để lại. Trước đây, mỗi ngày xưởng rửa than này làm sạch hàng trăm tấn nhiên liệu để vận chuyển sang thành phố Belfry, bang Kentucky.
Giữa mùa đông giá rét, đội ngũ nhân công của ông phải làm việc liên tục trong vòng 10-12 tiếng chỉ để cải tạo nhà máy bỏ hoang trở thành xưởng chuyên dụng cho vận hành máy đào Bitcoin và các loại tiền điện tử khác.
“Chúng tôi đang biến than trở thành năng lượng số hóa”, Rogers, Giám đốc mảng chiến lược của công ty khai thác Bitcoin Blockware Solutions, chia sẻ.
Tuy nhiên, cơn khát năng lượng của những xưởng đào coin khiến cho nhiều người dân Belfty bức xúc. Không chỉ đốt than, nhiều nhà máy tái chế rác thải hoạt động ngày đêm tại đây khiến người dân còn không có nước sạch để uống.
Sống chung với rác thải
Từng là một nhà đầu tư mạo hiểm, nhưng những năm gần đây Rogers đã đi khắp dãy núi Appalachia để tìm ra địa điểm và nguồn năng lượng khai thác Bitcoin.
“Chúng tôi như sở hữu một chiếc máy in tiền và xây dựng cả một kho vàng lớn nhất thế giới”, Rogers chia sẻ khi đưa mắt nhìn sang một dãy dây điện đang kết nối với các nhà máy nằm la liệt trên dốc núi. Đây chính là nơi ông và đội ngũ vận hành dàn máy đào Bitcoin sản xuất từ Trung Quốc.
Kentucky nhanh chóng trở thành thánh địa mới của thợ đào Bitcoin tại Mỹ. Ảnh: Thomson Reuters Foundation. |
Một khi công trình hoàn thành, nhà máy của ông có thể tạo ra hơn 3 Bitcoin/ngày, trị giá khoảng 100.000 USD. Tuy nhiên, Blockware Solutions ước tính công xưởng sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn tất thảy nhà máy ở Belfry cộng lại.
Thời điểm các dự án về môi trường hạn chế hoạt động của ngành công nghiệp đào coin cũng chính là lúc xu hướng này manh nha phát triển ở Kentucky. Mỗi năm, mức năng lượng lĩnh vực này tiêu tốn tương đương với một quốc gia có diện tích như Malaysia, theo Đại học Cambridge.
Nhà kinh tế học Alex de Vries cho biết Kentucky là tiểu bang xả khí thải nhiều nhất nước Mỹ. Ông ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính (carbon footprint) ở đây đã đạt mức 3,1 triệu tấn/năm. Con số này tương đương với việc vận hành 650.000 phương tiện thông dụng.
Điều này đã dấy lên nhiều mối lo ngại cho Lane Boldman, Giám đốc điều hành Ủy ban bảo tồn Kentucky. “Điều đáng lo là xu hướng đào coin này sẽ khuyến khích các nhà máy năng lượng cũ tiếp tục đốt nhiên liệu, xả thải ra môi trường”, bà chia sẻ.
Hiện, các mỏ đào coin đã có thể bắt gặp ở khắp nơi trong tiểu bang, từ những mỏ than cũ, những nhà máy dọc cao tốc, đến những khu công nghiệp tít trên dãy núi hay sâu trong các mỏ khí bị bỏ hoang.
Ngành đào Bitcoin liên tục xả thải ra môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ảnh: Thomson Reuters Foundation. |
Nhiều người dân tại Kentucky cũng không khỏi lo lắng trước hàng loạt những ảnh hưởng lên môi trường của ngành đào Bitcoin. “Thật vô lý khi ở Appalachia, chúng tôi còn chẳng có nước sạch để dùng nhưng lại sở hữu mỏ đào coin trị giá hàng triệu USD”, Nina McCoy, một giáo viên Sinh học sống ở Inez, chia sẻ.
Bà cho biết giờ đây người dân còn không dám tin vào nguồn nước uống hiện có. “Đừng dồn rác từ khắp mọi nơi về rồi đem đi đốt ở nơi chúng tôi đang sinh sống”, bà McCoy bày tỏ phẫn nộ.
“Nhiều người nói chúng hôi như rác, nhưng với tôi chúng có mùi tiền”, John Burke, đồng sở hữu của nhà máy đốt rác, cũng từng là chủ một cơ sở khai thác than chia sẻ.
Tháng 9/2021, Trung Quốc ban hành lệnh cấm toàn bộ các giao dịch và hoạt động đào Bitcoin do lo ngại các vấn đề về môi trường. Các nhà lập pháp ở New York cũng vừa công bố dự luật cấm khai thác tiền mã hóa vì ảnh hưởng đến mục tiêu về môi trường tại đây.
Thợ đào không ngớt tay
Tuy nhiên, trái ngược với những địa phương này, Kentucky lại là nơi thu hút tất cả thợ đào trên toàn thế giới.
Thượng nghị sĩ bang Kentucky Brandon Smith đã chu du khắp thế giới để rồi nhận ra rằng Kentucky là nơi “đắc địa” của các nhà máy khai thác tiền mã hóa. “Chắc chẳng nơi đâu có thể cạnh tranh lại với Kentucky trong mảng đào coin”, ông khẳng định.
Ông Smith vừa thành lập một nhà máy khai thác Bitcoin ở thành phố Inez, Kentucky vào tháng 2, đồng thời tham vọng biến tiểu bang thành điểm nóng cho ngành đào coin toàn cầu. “Chúng tôi muốn giương cờ kêu gọi các thợ đào đến với Kentucky”, ông chia sẻ.
Hàng loạt các nhà máy khai thác than bị bỏ hoang được trưng dụng làm xưởng đào Bitcoin. Ảnh: Thomson Reuters Foundation. |
Bên cạnh đó, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra trước quan điểm chính những nhà máy khai thác Bitcoin sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, bù đắp khoảng trống khi ngành đào mỏ và các nguồn năng lượng khác suy tàn.
Năm 2016, ngành khai thác than tuyển dụng hơn 6.000 công nhân cho 1 mỏ, theo Nội các Năng lượng và Môi trường Kentucky. Trong khi đó, quy trình đào Bitcoin chỉ cần khoảng 12 nhân công cốt cán để canh gác và đảm bảo nhà máy ở Belfry hoạt động.
Nhưng hiện nay, các mỏ than tại đây đã cắt giảm nhân sự xuống còn 4.000 thợ đào. Đây là mức giảm mạnh so với con số 50.000 thợ đào vào năm 1970. Do đó, các công nhân đào Bitcoin cho rằng chính họ đã giúp cho ngành công nghiệp địa phương thu hút thêm nhiều vốn đầu tư.
Nhà máy tại Belfry sẽ tuyển dụng khoảng 5-10 công nhân làm việc toàn thời gian với mức lương 23 USD/giờ, gấp 3 lần so với mức trung bình, Rogers cho biết.
“Cả đời tôi đã phải chứng kiến người thân trong gia đình còng lưng đào than”, Ethan Aslinger sống ở quận Harlan, Kentucky, chia sẻ. Gần đây, anh được công ty khai thác tiền điện tử PrimeBlock thuê để canh gác và bảo trì nhà máy đào coin tại đây. Mức lương khởi điểm 40.000 USD/năm là rất cạnh tranh so với những công việc thông thường ở đây, chàng trai cho biết.
Hodl Tarantula, một thợ đào Bitcoin tại Kentucky, tin rằng ngành công nghiệp này sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh tế cho người dân. Ông nhìn nhận công việc này sẽ giúp cho dân thường có thể bước vào thị trường tiền mã hóa mà không cần phải thông qua các ngân hàng lớn, những công ty hay trợ cấp từ chính phủ.
Mặc dù không sở hữu một nhà máy nào nhưng ông là người hướng dẫn người dân ở đây thành lập các xưởng đào coin. “Đây mới chỉ là khởi đầu. Chúng tôi sẽ không bao giờ ngớt tay đào”, Hodl Tarantula khẳng định.
(Theo Zing)