Cuộc đời thăng trầm của nữ tiến sĩ đầu tiên trên thế giới

24/01/2024 07:56

Nữ tiến sĩ triết học Elena Cornaro Piscopia vượt qua định kiến giới đương thời để theo đuổi đam mê học thuật và khẳng định được vị thế của mình.

Elena Cornaro Piscopia là người tiên phong trong lịch sử học thuật châu Âu, để lại dấu ấn là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới nhận bằng tiến sĩ. Cuộc đời, những thành tựu và đóng góp của bà là nguồn cảm hứng lớn lao, đặc biệt trong bối cảnh xuất thân nghèo khó và trước những chuẩn mực xã hội đầy thách thức và rào cản giới tính của thế kỷ 17.

Định hình lại câu chuyện về phụ nữ trong học thuật

Elena Cornaro Piscopia sinh ra tại Palazzo Loredan, ở Venice, Cộng hòa Venice (nay thuộc Italia) vào năm 1646. Mẹ bà Zanetta là một nông dân nghèo. Bà Zanetta đã chạy đến Venice để thoát khỏi nạn đói, đem lòng yêu một chàng trai và sớm nhận ra người yêu xuất thân từ một trong những gia tộc quyền lực nhất lúc bấy giờ.

Cha mẹ không kết hôn vào thời điểm bà sinh ra nên Elena không được công nhận là thành viên của gia đình nhà Cornaro, vì luật pháp Venice cấm những đứa con ngoài giá thú của các quý tộc nhận được đặc quyền cao quý.

Tiến sĩ Elena Cornaro Piscopia.

Tiến sĩ Elena Cornaro Piscopia.

Cha đã nhiều lần cố gắng sắp xếp việc hứa hôn cho Elena ở tuổi 11 nhưng bà đã một mực từ chối để theo đuổi đam mê tìm tòi và khám phá của mình.

Từ nhỏ, Elena  sớm bộc lộ những dấu hiệu của tư chất thần đồng. Sự tò mò đã thôi thúc bà nghiên cứu ngôn ngữ, toán học và triết học từ khi còn nhỏ. Bất chấp những rào cản của xã hội hạn chế cơ hội giáo dục cho phụ nữ, quyết tâm của Elena đã dẫn lối bà vào con đường định hình lại câu chuyện về phụ nữ trong giới học thuật.

Bà học và thành thạo tiếng Latin và tiếng Hy Lạp cũng như tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha khi mới 7 tuổi. Bà cũng thông thạo tiếng Do Thái và tiếng Ả Rập. Kiến thức sâu rộng của bà đã thu hút sự chú ý và nể phục trên khắp Italia. Elena là người phụ nữ đầu tiên được giới thiệu vào học viện Accademia de' Ricovrati danh giá (1669)

Thành tựu chưa từng có tiền lệ

Năm 1672, cha Elena, kiểm sát viên của Vương cung thánh đường San Marco - một vị trí có quyền lực - đã gửi bà đến Đại học Padua để tiếp tục học.

Ban đầu, bà muốn theo đuổi bằng tiến sĩ thần học, nhưng nhà thờ kịch liệt phản đối ý tưởng về một nữ học giả thần học. Không nản lòng, bà lại nộp đơn xin học tiến sĩ triết học và được chấp nhận, theo website Brooklyn Museum.

Con đường lấy bằng tiến sĩ của bà đầy rẫy những thử thách. Sự phân biệt đối xử về giới ngày càng tăng và Elena phải nỗ lực trong một môi trường học thuật do nam giới thống trị. Cơ hội giáo dục hạn chế dành cho phụ nữ càng khiến hành trình của bà trở nên đặc biệt hơn.

Năm 1678, Elena đã bảo vệ thành công luận án trước hàng nghìn khán giả, bao gồm cả các quan chức nhà thờ và nhà nước.

Thành tựu này là chưa từng có tiền lệ bởi trước năm 1678, chưa một trường đại học ở châu Âu nào cấp bằng cho phụ nữ. Bất chấp các chuẩn mực hiện hành hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục đại học, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới có bằng tiến sĩ.

Sau khi tốt nghiệp, Elena ở lại trường giảng dạy toán học và thỉnh giảng tại nhiều học viện khác trên khắp châu Âu. Đại học Padua, một tổ chức giáo dục nổi tiếng thời bấy giờ, đã trở thành “sân khấu” cho thành tựu đột phá của Piscopia.

Tượng tiến sĩ Elena Cornaro Piscopia được đặt tại Đại học Padua để ghi nhận những cống hiến của bà.

Tượng tiến sĩ Elena Cornaro Piscopia được đặt tại Đại học Padua để ghi nhận những cống hiến của bà.

Ngoài việc phá bỏ rào cản giới tính, Elena Cornaro Piscopia còn nổi bật nhờ những đóng góp cho triết học và toán học. Tham gia vào các cuộc thảo luận về nhiều chủ đề triết học, bà chứng tỏ được chiều sâu trí tuệ của mình. Năng lực toán học nổi bật càng thể hiện rõ hơn tài năng đa diện, củng cố địa vị của bà như một học giả toàn diện.

Những đóng góp của Elena vượt xa tấm bằng tiến sĩ đơn thuần, bà trở thành biểu tượng cho sự xuất sắc về trí tuệ của phụ nữ, chứng tỏ rằng nữ giới hoàn toàn có thể thống lĩnh trong các lĩnh vực học thuật không thua kém đàn ông.

Cống hiến của Elena không chỉ giới hạn trong học thuật, bà còn được biết đến với các hoạt động từ thiện của mình trong những năm cuối đời. Năm 1684, Elena Cornaro Piscopia qua đời do bệnh lao ở tuổi 38. Cả cuộc đời, bà đã không chọn kết hôn hay sinh con để cống hiến hết mình cho giáo dục và khoa học.

Bà được chôn cất trong nhà thờ Santa Giustina tại thành phố Padua. Bức tượng của bà được đặt trang trọng trong trường đại học Padua để tôn vinh những đóng góp mở đường của bà cho các thế hệ phụ nữ tương lai, truyền cảm hứng cho họ theo đuổi con đường học vấn và sự nghiệp trong học viện.

Di sản của Elena vẫn tiếp tục cổ vũ xã hội đương đại phá bỏ các rào cản thách thức và thúc đẩy tính hòa nhập sâu hơn nữa trong giáo dục.

(Nguồn: Vietnamnet)

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/cuoc-doi-thang-tram-cua-nu-tien-si-dau-tien-tren-the-gioi-ar849360.html
Copy Link
https://vtc.vn/cuoc-doi-thang-tram-cua-nu-tien-si-dau-tien-tren-the-gioi-ar849360.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đời thăng trầm của nữ tiến sĩ đầu tiên trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO