CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA CÁC VŨ KHÍ TỐI TÂN CỦA NGA VÀ PHƯƠNG TÂY TẠI UKRAINE
Cả Nga và phương Tây gần đây đều đưa các vũ khí tối tân vào Ukraine và động thái này tiềm ẩn nhiều rủi ro liên quan tới việc 2 bên có thể bị lộ các bí mật quân sự quan trọng mà họ muốn giấu kín lâu nay.
Chiến sự Nga - Ukraine đã kéo dài qua tháng thứ 4 và nhiều chuyên gia cảnh báo nó có thể sẽ biến thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Nga đã phá hủy hầu hết cơ sở hạ tầng công nghiệp quốc phòng của Ukraine, và cũng đã khiến Kiev gần như cạn kiệt kho vũ khí từ thời Liên Xô. Điều này buộc Ukraine giờ đây phải dựa vào vũ khí phương Tây để có thể hy vọng xoay chuyển tình hình.
Chính vì vậy, chiến sự Nga - Ukraine giờ đây có thể được xem là cuộc đối đầu giữa vũ khí phương Tây và Nga. Trong cuộc cạnh tranh này, cả 2 bên đều hứng chịu những rủi ro nhất định khi những khí tài hiện đại của một bên có nguy cơ lọt vào tay bên còn lại. Đây được xem là thách thức không nhỏ về mặt tình báo mà 2 bên phải đối mặt vì họ có nguy cơ bị lộ những nghiên cứu đắt giá về mặt kỹ thuật và công nghệ quân sự.
NGA BỊ LỘ "MỎ VÀNG" TÌNH BÁO
Ngay từ khi Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự, các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ Moscow có thể để lọt thiết bị quân sự tối tân vào tay đối thủ.
Chuyên gia Mike Jason, người từng phục vụ trong quân đội Mỹ, nhận định rằng những khí tài quân sự của Nga mà Ukraine thu giữ được có thể trở thành những "chiến lợi phẩm" có giá trị cho tình báo Mỹ để Washington có thể hiểu rõ hơn về cấu tạo, cũng như dữ liệu về chỉ huy và kiểm soát trong các hệ thống của Moscow.
Chuyên gia này nói với Newsweek rằng, ngay cả những thiết bị tưởng như không có nhiều giá trị như radio, nếu còn nguyên vẹn, có thể chứa các thông tin quan trọng như cách thức mã hóa thông tin của Nga. Nếu đối thủ của Nga nắm được điều này, họ có thể ứng dụng nó vào công nghệ làm nhiễu hoặc nghe lén Nga trong tương lai.
Theo The Drive, hồi tháng 3, quân đội Ukraine đã thu được thiết bị nằm trong Hệ thống tác chiến điện tử di động Krasukha-4 của Nga.
Krasukha-4 được thiết kế để phát hiện và gây nhiễu các radar cỡ lớn - như radar trên máy bay điều khiển và cảnh báo sớm trên không, và các vệ tinh do thám. Nó được xem là một hệ thống tác chiến điện tử uy lực hàng đầu của Nga.
Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, hệ thống mà Ukraine thu giữ được trông gần như còn nguyên vẹn, ít nhất nhìn ở bên ngoài.
Giới quan sát cho rằng, việc Ukraine nắm giữ được Krasukha-4 còn nguyên vẹn được xem là Kiev nắm một trong những "mỏ vàng" tình báo của Nga.
Nga từ trước tới nay được biết tới là một cường quốc về tác chiến điện tử. Bản thân Mỹ vài năm trước cũng thừa nhận, tác chiến điện tử Nga lấn áp Washington ở chiến trường Syria.
Việc Ukraine nắm được một trong những thiết bị hàng đầu của Nga, đồng nghĩa với việc Mỹ cũng có cơ hội tiếp cận được xem là rủi ro rất lớn cho Moscow.
Vài tuần sau đó, lực lượng Ukraine tiếp tục thu được một phương tiện chỉ huy phòng không được trang bị radar của Nga nằm trong hệ thống Barnaul-T. Các chuyên gia cho biết, phương tiện mang tên 9S932-1 được tích hợp bộ cảm biến, chỉ huy và điều khiển của Nga, và điều này có thể biến nó trở thành "kho báu" vô giá về tình báo mà phía Ukraine cũng như phương Tây có thể tiếp cận được của Nga.
Theo The Drive, phía Ukraine phát hiện ra chiếc 9S932-1 trong tình trạng vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Nhờ các radar 1L122 tích hợp, 9S932-1 có thể cung cấp thông tin mục tiêu trực tiếp cho các hệ thống phòng thủ liên kết. Việc 9S932-1 bị thu giữ chắc chắn sẽ trở thành nguồn thông tin tình báo về các hệ thống phòng không, radar, liên kết dữ liệu của Nga.
Ngoài ra, truyền thông phương Tây cũng đề cập tới việc Nga có thể cũng đã mất vào tay Ukraine một phần hệ thống tác chiến điện tử uy lực Borisoglebsk-2, cũng như Zoopark-1M, một radar đối kháng di động được sử dụng để phát hiện hỏa lực pháo binh đang bay tới.
Gần đây nhất, sau khi Nga tiến hành giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự tập trung vào Donbass, họ đã đưa các siêu tăng "sát thủ chiến trường" T-95 tới Ukraine.
Hồi giữa tháng, mạng xã hội Twitter xuất hiện hình ảnh được cho là 2 chiếc T-90A hiện đại của Nga bị Ukraine thu giữ. Các dòng T-90 được xem là xe tăng hiện đại hàng đầu trong kho vũ khí Nga với giáp phản ứng nổ tiên tiến, hệ thống phòng vệ, và hệ thống điều khiển hỏa lực hiệu quả giúp nó có thể bắn xa và chính xác hơn vào mục tiêu. Chính vì vậy, để lộ xe tăng T-90 vào tay đối thủ có thể khiến Nga gặp rủi ro đáng kể về mặt tình báo với một trong những vũ khí quan trọng hàng đầu trong lục quân Nga.
Gần đây, người dân Ukraine đã phát hiện một quả tên lửa hành trình Kalibr của Nga với đầu đạn, radar dẫn đường và hệ thống điều khiển tương đối nguyên vẹn bị rơi xuống mặt đất. Kalibr là tên lửa uy lực hàng đầu mà hải quân Nga chuyên dùng để phóng vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine. Nếu Ukraine nắm được bí mật bên trong quả tên lửa, họ có thể tìm cách khắc chế hiệu quả của Kalibr trong giai đoạn tới.
Với việc bí mật về vũ khí bị lộ, Nga có thể sẽ phải bắt đầu lên kế hoạch về việc hiện đại hóa các vũ khí để tránh nguy cơ tiềm tàng bị phương Tây "bắt bài" trong tương lai.
Ngoài nguy cơ bị lộ thông tin mật vào tay phương Tây, Nga cũng bị lộ điểm yếu trong hệ thống khí tài quân sự khi phương Tây và Ukraine bắt đầu mổ xẻ khí tài quân sự tịch thu được của Moscow.
The Drive dẫn thông tin từ cơ quan tình báo Ukraine đưa tin, khi lực lượng Kiev xem xét các khí tài quân sự còn nguyên hoặc bị phá hủy một phần mà họ thu được từ Nga, họ dường như phát hiện ra bên trong các vũ khí này có khá nhiều các vi mạch do nước ngoài sản xuất, đặc biệt là vi mạch có xuất xứ từ Mỹ.
Theo phía Ukraine, những vi mạch nghi có nguồn gốc từ nước ngoài bị phát hiện bên trong nhiều khí tài uy lực của Nga như xe chỉ huy phòng không Barnaul-T, hệ thống phòng thủ Pantsir, trực thăng tấn công Ka-52, tên lửa hành trình Kh-101…
Sau khi xem xong bản danh sách tình báo Ukraine cung cấp, chuyên gia quân sự Skip Parish cho biết, nếu đó là thông tin chính xác thì nó có thể cho thấy mức độ phụ thuộc của Nga vào công nghệ phương Tây để sản xuất các bộ phận nhạy cảm của vũ khí dùng để nhắm mục tiêu, điều hướng, liên lạc và tác chiến.
Mặt khác, nó cũng giúp Mỹ nắm được điểm yếu của vũ khí Nga. Mỹ và các đồng minh đã dùng lệnh cấm xuất khẩu linh kiện để chặn nguồn cung công nghệ tiên tiến cho Nga, từ đó làm giảm khả năng của Moscow trong việc sản xuất các vũ khí tiên tiến thay thế những vũ khí đã bị phá hủy trong chiến dịch ở Ukraine.
NỖI LO CỦA PHƯƠNG TÂY
Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước qua giai đoạn khốc liệt, các lô vũ khí hiện đại hơn của phương Tây bắt đầu được chuyển tới chiến trường Ukraine. Lúc này, Mỹ và các đồng minh NATO cũng xem xét mối đe dọa của việc có thể bị lộ thông tin công nghệ nhạy cảm vào tay quân đội Nga.
Theo Defense News, những cân nhắc như vậy ngày càng trở nên phổ biến hơn khi các nhà lãnh đạo Ukraine liên tục đề nghị được cấp vũ khí có tầm bắn xa hơn và khả năng tác chiến tốt hơn.
Một quan chức Anh cho biết, bất cứ loại vũ khí nào được trang bị các bộ phận tìm kiếm và dẫn đường để nhắm mục tiêu cũng như các thuật toán mã hóa, đều có thể cung cấp manh mối cho lực lượng Nga về cách thức hoạt động của những vũ khí này và cách chống lại chúng.
Hồi giữa tháng 5, bức ảnh lực lượng Nga thu giữ tên lửa chống tăng dẫn đường chính xác Brimstone từ tay Ukraine làm dấy lên lo ngại với Anh. Anh luôn coi Brimstone là "vuốt sắc" trong quân đội của họ nên việc mất đi vũ khí tinh vi, hiện đại, có các công nghệ nhận dạng mục tiêu được xem là rất đáng lo ngại.
Trước đó, Nga cũng nhiều lần công bố các kho vũ khí mà họ tịch thu được của Ukraine với nhiều vũ khí mà phương Tây sản xuất như bệ phóng tên lửa Javelin, súng máy hạng nặng Browning M2 và súng phóng lựu Carl Gustaf, cũng như một số thiết giáp.
Anh đang cân nhắc có chuyển phiên bản Brimstone chống hạm cho Ukraine hay không trong bối cảnh Kiev đang bị Nga áp đảo hoàn toàn ở khu vực Biển Đen. Tuy nhiên, Anh lo ngại, các công nghệ hiện đại trong khí tài của họ có thể bị lọt vào tay Nga và điều này có thể khiến London gặp bất lợi.
Mỹ cũng thể hiện sự quan ngại nhất định với các hệ thống vũ khí họ đưa tới Ukraine.
Tháng trước, ABC News dẫn các nguồn thạo tin cho hay, hàng chục lựu pháo M777 mà Mỹ viện trợ cho Ukraine đối phó Nga dường như có một điểm chung: Không được trang bị hệ thống máy tính hiện đại - bộ phận quan trọng giúp khí tài này cải thiện hiệu quả và độ chính xác khi tác chiến.
Nếu được trang bị cho hệ thống lựu pháo, các máy tính có thể giúp cho các quân nhân vận hành sử dụng vũ khí nhanh chóng và khóa mục tiêu chính xác.
Những khẩu pháo không có hệ thống máy tính vẫn có thể bắn chính xác, sử dụng các kỹ thuật tính góc bắn truyền thống. Tuy nhiên, các hệ thống máy tính hiện đại có thể đảm bảo tính chính xác cao hơn, loại bỏ rủi ro xảy ra lỗi của con người dẫn tới vũ khí hoạt động kém hiệu quả.
Chuyên gia Steve Ganyard, một cựu quân nhân Mỹ, phỏng đoán rằng Mỹ dường như không muốn chuyển hệ thống máy tính cho Ukraine vì lo ngại rủi ro nó có thể rơi vào tay bên thứ 3.
"Nếu Nga có được hệ thống máy tính này, thiệt hại về mặt an ninh sẽ ra sao? Trong trường hợp này, Mỹ không thể chia sẻ thứ tốt nhất mà họ có", ông Ganyard nhận định.
Hồi đầu tháng, Reuters dẫn 3 nguồn thạo tin cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tính sẽ bán 4 máy bay không người lái (UAV) MQ-1C "Đại bàng xám" cho Ukraine kèm tên lửa "hỏa ngục" cho Ukraine.
Tuy nhiên, vào tuần trước, các nguồn tin nói rằng, do những lo ngại về việc những công nghệ và thiết bị trinh sát tiên tiến sẽ rơi vào tay quân đội Nga, Mỹ đã tạm dừng kế hoạch trên lại.
Theo nguồn tin của Reuters, radar và các thiết bị cảm biến hiện đại của MQ-1C chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự lo ngại của Lầu Năm Góc. Giới chức quốc phòng Mỹ nhận định an ninh quốc gia của Mỹ sẽ bị đe dọa nếu các thiết bị trên rơi vào tay người Nga.
Theo giới quan sát, mối lo ngại của Mỹ và phương Tây có thể cản trở họ đưa các vũ khí tối tân tới chiến trường Ukraine, dẫn tới viễn cảnh Ukraine sẽ không có đủ công cụ để chặn đà tiến của Nga trong thời gian tới.
Đức Hoàng
Theo Newsweek, The Drive, Defense News, NY Times
01/07/2022