Điệp viên là "vũ khí bí mật" được nhiều bên tận dụng trong các cuộc chiến tranh và xung đột trên khắp thế giới. Từ những anh hùng tình báo được vinh danh cho đến các điệp viên hai mang, gây tranh cãi... tất cả đều ẩn chứa câu chuyện đầy bất ngờ và hấp dẫn. Cùng điểm lại những câu chuyện "gây chấn động" của các điệp viên nổi tiếng dưới đây.
Bài 1: Chân dung anh hùng tình báo Liên Xô giúp thay đổi cục diện Thế chiến II
Theo ATI và History, Juan được cho là có năng lực diễn xuất sánh ngang với nữ diễn viên tài năng Greta Garbo. Ông đã dành 2 năm để vờ như bản thân là một người cuồng tín ủng hộ Đức Quốc xã nhằm tạo dựng lòng tin trong khi cung cấp thông tin giả cho quân đội Đức. Thông tin sai lệch mà ông cung cấp cuối cùng đã giúp quân đồng minh có được một chiến thắng lớn, giúp kết thúc chiến tranh.
Thành tích của Juan xuất sắc tới mức được cả Anh lẫn Đức tôn vinh. Ông được Đức tặng Huân chương chữ thập sắt và Anh tặng Huân chương Đế quốc.
Đeo kính cận, hói đầu và rụt rè, Juan - người Tây Ban Nha, không phải là hình ảnh thường được gắn với một điệp viên hai mang chứ chưa nói tới danh hiệu mà nước Anh gán cho ông là "điệp viên nhị trùng vĩ đại nhất của Thế chiến II".
Hành động vì lợi ích nhân loại
Trong tất cả các vai trò của một điệp viên, vai trò của một điệp viên hai mang có lẽ khét tiếng và rắc rối nhất. Theo định nghĩa, điệp viên hai mang là người tuyên bố trung thành với một quốc gia trong khi lại làm việc vì lợi ích của kẻ thù.
Juan Pujol Garcia chào đời ở Barcelona, Tây Ban Nha vào ngày 14/2/1912 và lớn lên trong thời kỳ hỗn loạn của lịch sử đất nước. Vào những năm 1930, Tây Ban Nha rơi vào tình trạng nội chiến, ông chiến đấu cho cả phe Cộng hòa và phe những người theo chủ nghĩa dân tộc. Ông không cam kết với bên nào và ghét quan điểm cực đoan mà mỗi bên đại diện.
Sau khi nội chiến Tây Ban Nha kết thúc, Juan và gia đình chuyển tới Madrid. Tuy nhiên, không lâu sau Thế chiến II nổ ra và Juan quyết định lần này phải hành động vì lợi ích của nhân loại. Ông quyết định làm việc cho Anh - đối thủ của Đức, song cả 3 lần tiếp cận với các cơ quan của Anh ở Lisbon và Madrid để đề nghị làm gián điệp cho họ, ông đều bị từ chối. Không nản lòng, Juan quyết định trở thành điệp viên 2 mang.
Juan sau đó tiếp cận đại sứ quán Đức để đề nghị được phục vụ. Điều này có vẻ như là thiếu đạo đức nhưng thực ra nó lại làm Juan có giá trị hơn với chính phủ Anh.
Điệp viên Arabel
Để thu hút sự chú ý của Đức, Juan đã tạo ra một danh tính mới với tư cách là người nhiệt tình ủng hộ Đức Quốc xã và là nhà ngoại giao có thể sang Anh. Juan liên lạc với một đặc vụ Đức và được tuyển mộ, được cung cấp mật danh là Arabel.
Bất chấp chỉ dẫn là phải trực tiếp tới Anh, Juan đã tới Bồ Đào Nha do ông sở hữu một hộ chiếu ngoại giao giả, trong đó cho thấy Juan là một nhà ngoại giao làm việc tại Lisbon.
Việc này không ngăn cản Juan cung cấp tin tình báo cho Đức. Ông sử dụng sách hướng dẫn du lịch Anh, sách tham khảo và tạp chí từ thư viện để thu thập thông tin và nói đang đi du lịch vòng quanh nước Anh. Juan còn tạo nên một đơn vị gián điệp hư cấu gồm toàn những công dân Anh muốn phản bội đất nước để đổi lấy rượu.
Tất cả được tạo dựng dựa trên mối liên hệ mà Juan có ở Glasgow. Juan thậm chí còn cả gan gửi các báo cáo từ Lisbon và nói với người quản lý Đức rằng một trong số các điệp viên dưới quyền ông ta là phi công, thường xuyên bay tới Bồ Đào Nha và gửi thư từ đây.
Điệp viên Garbo
Những gì Juan làm thuyết phục tới mức cơ quan tình báo Anh MI5 phải tiến hành một cuộc săn lùng điệp viên lớn và xem trộm tin nhắn của ông. Chính phủ Anh vui mừng trước lượng thông tin sai lệch mà Juan cung cấp cho kẻ thù và quyết định tìm kiếm ông. Tuy nhiên, vào tháng 4/1942, Juan đã tiếp cận đặc vụ Anh. Lần này, chính phủ Anh đã xem xét đề nghị của Juan nghiêm túc hơn và trao cho ông mật danh Garbo. Sau đó, Juan bắt đầu làm việc với Tomas Harris - nhân viên anh ninh Anh nói tiếng Tây Ban Nha và Đức.
Người Đức rất ấn tượng với những việc Juan và mạng lưới điệp viên của ông làm được tới mức quyết định không cần tuyển thêm điệp viên. Đối với Anh, điều quan trọng là Đức phải tiếp tục tin tưởng "Arabel". Vì vậy, thông tin mà Juan và Harris cung cấp cho Đức thường chính xác nhưng không quan trọng, hoặc có giá trị cao nhưng được tính toán kỹ về thời gian để người Đức nhận được thì đã quá muộn và không thể thay đổi được gì.
Không lâu sau, nhóm điệp viên hư cấu của Juan lên tới 27 người, mỗi người đều có thân thế riêng, được cho là hiện diện trên khắp nước Anh. Người này thông báo với Đức rằng một số điệp viên trong nhóm đã bị bắt, bị bỏ tù hoặc trở nên không đáng tin. Trong một vụ việc gây ầm ĩ, một điệp viên hư cấu thuộc nhóm của Juan ở Liverpool qua đời và cơ quan mật vụ Anh thậm chí còn đăng cáo phó lên báo địa phương. Juan báo cáo sự việc cho Đức và yêu cầu nước này trả một khoản lương hưu hàng năm cho vợ người quá cố.
Trước ngày quân đồng minh thực hiện cuộc đổ bộ vào bờ biển Normandy vào tháng 6/1944, Juan đóng vai trò quan trọng trong việc giữ phần lớn sức mạnh của quân Đức tại Pas-de-Calais để đề phòng một cuộc xâm chiếm có thể xảy ra. Những khó khăn mà quân đồng minh gặp phải khi đổ bộ vào bãi biển Normandy sẽ khó hơn nhiều nếu không có nỗ lực của điệp viên 2 mang người Tây Ban Nha này.
Với nỗ lực của mình, Juan đã được Vua Anh George VI tặng Huân chương Đế quốc Anh và nhận cả Huân chương Chữ thập sắt của Đức. Juan có lẽ là điệp viên duy nhất được cả hai bên đánh giá cao như vậy.
Sau chiến tranh, Juan giả chết ở Angola và ổn định cuộc sống bình lặng cùng gia đình ở Venezuela. Ông qua đời ở Caracas vào ngày 10/10/1988, thọ 76 tuổi.