Cuộc đảo chính quân sự ở Niger tác động ra sao đến an ninh khu vực?

14/08/2023 20:18

Cuộc đảo chính quân sự vừa diễn ra ở Niger đã đẩy quốc gia này vào tình trạng bất ổn toàn diện. Nhưng hệ lụy chưa dừng lại ở đó. Cuộc đảo chính còn có nguy cơ thúc đẩy xu hướng đảo chính quay trở lại khu vực.

Chuyện gì đang diễn ra ở Niger?

Ngày 26-7, tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng bảo vệ Tổng thống, tiến hành đảo chính quân sự, lật đổ Tổng thống dân cử từ năm 2021 là ông Mohamed Bazoum. Đến nay, các thông tin cho biết lực lượng cận vệ và quân đội đang quản thúc ông Bazoum trong Phủ tổng thống. Hai ngày sau, ngày 28-7, tướng Tchiani tuyên bố là lãnh đạo mới của Niger trong giai đoạn chuyển tiếp, dù không được quốc tế công nhận, giữ chức Chủ tịch Hội đồng bảo vệ tổ quốc Niger (CNSP) với vai trò nguyên thủ quốc gia.

Tướng Abdourahamane Tchiani (ngoài cùng bên phải) - người đứng đầu đảo chính quân sự hiện nay ở Niger. Ảnh: Reuters

Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) ủng hộ ông Bazoum đã đưa ra hạn chót là ngày 6-8 để chính quyền quân sự Niger khôi phục quyền lực của Tổng thống dân cử nếu không sẽ can thiệp vũ trang vào Niger. Tuy nhiên, phe đảo chính đã phớt lờ cảnh báo này. Tới ngày 7-8, phe đảo chính thông báo bổ nhiệm ông Ali Mahaman Lamine Zeine, cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Mamadou Tandja, làm Thủ tướng đương nhiệm của Niger. Thủ tướng Zeine sẽ lãnh đạo chính phủ gồm 21 thành viên, đồng thời cũng kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính.

Trong khi đó, ngày 9-8, cựu thủ lĩnh phe nổi dậy ở Niger Rhissa Ag Boula, từng là Bộ trưởng Du lịch Niger giai đoạn 1996-1999 và 1999-2004, thông báo thành lập phong trào chống đảo chính nhằm khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum.

Tổng thống dân cử của Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: Leadership News

Ngày 10-8, lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS đã nhất trí về việc can thiệp quân sự càng sớm càng tốt vào Niger tại Hội nghị thượng đỉnh ECOWAS bất thường ở Nigeria - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của liên minh này, nhưng vẫn coi đây chỉ là sự lựa chọn cuối cùng. Lãnh đạo Nigeria kêu gọi các quốc gia Tây Phi cần thử mọi biện pháp ngoại giao để bảo đảm lập lại trật tự hiến pháp ở Niger, coi đây là đường hướng và cách tiếp cận cơ bản của ECOWAS.

Ngày 14-8, chính quyền quân sự Niger cho biết họ sẽ truy tố tổng thống vì hai tội phản quốc và phá hoại an ninh, sau khi thu thập bằng chứng để truy tố Tổng thống Mohamed Bazoum và các đồng phạm cả trong và ngoài nước. Cho đến nay, giới lãnh đạo đảo chính quân sự ở Niger chưa sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán do cộng đồng quốc tế thúc đẩy.

Những yếu tố nào “châm ngòi” đảo chính ở Niger?

Theo Al Jazeera, Niger là một trong những nước dễ xảy ra đảo chính nhất trên thế giới. Từ khi độc lập, quốc gia này trải qua 4 cuộc đảo chính, cũng như nhiều lần đảo chính bất thành. Cuộc đảo chính gần nhất ở Niger xảy ra vào tháng 2-2010, khiến Tổng thống khi đó là Tandja bị lật đổ.

Trên tờ The Conversation, Giáo sư Olayinka Ajala, nhà khoa học chính trị chuyên về châu Phi tại Đại học Leeds Beckett (Anh) đánh giá tình trạng bất ổn về an ninh và đình trệ về kinh tế tại Niger đã góp phần dẫn tới cuộc đảo chính quân sự mới nhất này.

Bản đồ thể hiện Niger và các quốc gia trong khu vực. Ảnh: AFP

Niger là quốc gia Tây Phi không giáp biển, có diện tích hơn 1,2 triệu km2 và dân số trên 25 triệu người. Nước này có đường biên giới với Libya, Mali, Algeria, Nigeria và Chad. Nước này luôn bị xếp nhóm những quốc gia nghèo mắc nợ nặng nề trên thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của nước này là 533 USD, trong khi mức trung bình toàn cầu là 12.633 USD vào năm 2022. Hiện một nửa người dân quốc gia Tây Phi này vẫn sống trong cảnh nghèo khổ với thu nhập dưới 2,15 USD/ngày.

Từ năm 2015, Niger phải vật lộn với hai chiến dịch của phiến quân Hồi giáo, ở Tây Nam (từ Mali) và ở Đông Nam (từ Đông Bắc Nigeria), biến nước này thành một “điểm nóng” của chủ nghĩa cực đoan khi chính quyền Niamey hầu như không có biện pháp hiệu quả để đối phó. Một số nhóm phiến quân hoạt động mạnh ở Niger gồm al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Boko Haram. Trong thông báo sau cuộc đảo chính ngày 26-7, phe của Tướng Tiani tuyên bố họ phải hành động để tránh “sự sụp đổ dần dần và không thể tránh khỏi” của đất nước khi cho rằng Tổng thống Bazoum không thể làm gì để ngăn chặn tình trạng bất ổn gia tăng cũng như nền kinh tế trì trệ, chìm đắm trong nghèo đói của Niger dù nước này đã nhận rất nhiều hỗ trợ từ nước ngoài.

Hiện một nửa người dân quốc gia Tây Phi này vẫn sống trong cảnh nghèo khổ. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, Giáo sư Ajala còn chỉ ra rằng những cuộc tranh luận về sắc tộc và tính hợp pháp của Tổng thống Bazoum cũng là nguyên nhân của cuộc đảo chính. Theo đó, ông Bazoum là người thuộc cộng đồng thiểu số Arab ở Niger và một bộ phận dư luận trong nước luôn cho rằng ông có nguồn gốc ngoại quốc. Điều này không được giới quân sự chấp nhận, khi họ chủ yếu thuộc các nhóm dân tộc chiếm đa số ở Niger. Khi ông Bazoum được bầu làm Tổng thống năm 2021, các binh sĩ từ một căn cứ quân sự gần thủ đô Niamey còn tìm cách chiếm dinh Tổng thống chỉ 48 giờ trước khi ông tuyên thệ nhậm chức và đơn vị cận vệ của Tướng Tiani khi đó đã đập tan kế hoạch này.

Mặt khác, quân đội Niger không chấp nhận sự hiện diện của lực lượng quân sự nước ngoài tại nước này vì cho rằng lực lượng bên ngoài sẽ làm suy yếu vai trò của họ. Theo Giáo sư Ajala, Niger là một trong những đồng minh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến chống lại các nhóm nổi dậy ở khu vực.

Cuối cùng, việc các tổ chức khu vực như ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU) không thể hiện lập trường cứng rắn với những cuộc đảo chính đã diễn ra liên tục trong khu vực đã thúc đẩy quân đội Niger phải hành động. Thống kê từ Giáo sư Ajala cho thấy trong 4 năm qua, vùng Sahel đã ghi nhận 7 cuộc đảo chính, trong đó ba cuộc thành công giúp quân đội lên nắm quyền ở Guinea, Burkina Faso và Mali. Các lãnh đạo ECOWAS và AU từng đe dọa trừng phạt 3 quốc gia này nhưng sau đó hầu như không làm gì thêm để ngăn chặn các cuộc đảo chính khác xảy ra trong khu vực.

Hệ lụy khôn lường bởi “hiệu ứng domino”

Cuộc đảo chính quân sự vừa qua ở Niger phản ánh một xu hướng đáng báo động. Đó là sự gia tăng các cuộc tiếp quản quân sự tại vùng Sahel nói riêng cũng như châu Phi nói chung, khiến châu lục này không còn ở giai đoạn tương đối ổn định như đầu những năm 2000. Mặc dù các nỗ lực đảo chính đã giảm, nhưng những năm gần đây, các vụ đảo chính đã trỗi dậy, cho thấy tính dễ bị tổn thương của chính quyền một số quốc gia châu Phi. Đặc biệt, diễn biến của cuộc đảo chính ở Niger ngày 26-7 cũng có nhiều đặc điểm tương đồng với các bất ổn chính trị xảy ra trên khắp khu vực.

Người dân Niger xuống đường tuần hành ủng hộ tướng Abdourahamane Tchiani và Hội đồng bảo vệ tổ quốc Niger (CNSP). Ảnh: AP

Kể từ khi xảy ra bất ổn chính trị ở Niger, đã xuất hiện những lo ngại về khả năng gián đoạn nhập khẩu uranium cho các nhà máy hạt nhân ở nhiều quốc gia châu Âu. Niger được biết đến nơi có trữ lượng uranium đáng kể, quốc gia này đóng vai trò then chốt trong bối cảnh năng lượng toàn cầu, cung cấp 15% nhu cầu uranium của Pháp và đóng góp 20% vào kho dự trữ uranium của Liên minh châu Âu (EU). Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết Niger chiếm 4-6% thị phần uranium toàn cầu trong thập kỷ qua. Nước này đã sản xuất hơn 2.000 tấn uranium vào năm 2022. Hiện chưa có thông tin cuộc đảo chính ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất uranium của Niger hay không. Tuy nhiên, tất cả các nước khác trong khu vực trải qua sự tiếp quản của quân đội trong những năm gần đây đều giàu tài nguyên và rất ít quốc gia gặp phải sự gián đoạn lớn đối với hoạt động khai thác.

Các tổ chức trong khu vực, đặc biệt ECOWAS, đã thực hiện các bước quyết định để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger, trong đó có đình chỉ quan hệ với nước này và đóng cửa biên giới cũng như cân nhắc về khả năng can thiệp quân sự để củng cố trật tự hiến pháp trong khu vực. Quốc gia Tây Phi này vốn phải phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, gồm cả các mặt hàng quan trọng như gạo. Với vị trí không giáp biển, hàng hóa nhập khẩu vào Niger thường được vận chuyển bằng đường bộ qua các nước láng giềng. Nigeria thậm chí đã ngừng xuất khẩu điện sang Niger, vốn chiếm 70% nhu cầu của nước này. Cùng lúc, động thái sơ tán công dân nước ngoài của các nước thuộc “lục địa già” vừa qua cũng cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng.

Lãnh đạo các nước ECOWAS tại Hội nghị thượng đỉnh hôm 10-8 ở Nigeria. Ảnh: Naija News

Phe đảo chính Niger ngày 1-8 đã mở lại biên giới với một số nước láng giềng sau khi đóng cửa tất cả biên giới và không phận trong ngày lật đổ Tổng thống Bazoum. Người dân và hàng hóa có thể qua lại với Algeria, Libya và Chad, những nước không thuộc ECOWAS, cùng hai nước thành viên ECOWAS ủng hộ đảo chính là Mali và Burkina Faso. Nhưng biên giới quan trọng với Benin và Nigeria vẫn đóng cửa do lệnh trừng phạt của ECOWAS. “Các cảng biển ở Đại Tây Dương của hai quốc gia này rất quan trọng đối với Niger về xuất nhập khẩu hàng hóa”, DW dẫn lời nhà kinh tế Abdoul Aziz Seyni tại Đại học Niamey (Niger) bày tỏ quan ngại.

Trước Niger, các cuộc đảo chính quân sự tương tự đã xảy ra ở hai quốc gia Tây Phi trên dải Sahel là Mali và Burkina Faso, nơi quân đội giành quyền lực một phần nhờ lời hứa làm nhiều hơn để bảo vệ dân chúng khỏi phiến quân. Bằng cách tiếp cận giống nhau, Mali và Burkina Faso đều ủng hộ đảo chính ở Niger, cảnh báo bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Niger sẽ được hai nước coi là lời tuyên chiến chống lại họ.

Một đại diện của phe đảo chính quân sự ở Niger trả lời phỏng vấn báo chí ngày 6-8. Ảnh: AP

AP cho rằng kịch bản mà nhiều chuyên gia lo ngại nhất là Niger và khu vực bị cuốn vào cuộc xung đột toàn diện. Mali và Burkina Faso tuyên bố sẵn sàng đối đầu với bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào ở Niger. Lãnh đạo chính quyền quân sự Niger Tiani cũng đã yêu cầu Mali hỗ trợ. Theo nhà nghiên cứu Folahanmi Aina tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), ECOWAS và các nước thành viên cần cẩn trọng để không khiến tình hình biến thành xung đột lan rộng tới những phần còn lại của Sahel và khu vực Tây Phi.

Lâu nay, châu Phi đã trở thành một chiến trường cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc. Trong bối cảnh này, động lực của các cuộc đảo chính ở châu Phi, như sự việc đang xảy ra ở Niger, ngày càng bị ảnh hưởng bởi một thế giới lưỡng cực. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại cuộc khủng hoảng tại Niger tác động tiêu cực đến sự phát triển và cuộc sống của người dân tại đất nước hiện có hàng triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, đồng thời rất có khả năng dẫn đến việc các thế lực khủng bố trong khu vực tranh thủ “đục nước béo cò” để gia tăng hoạt động.

Phản ứng của quốc tế

Đến nay, các đồng minh của Niger trong khu vực và phương Tây đã đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kể từ sau cuộc đảo chính quân sự nhằm buộc chính quyền quân sự trả tự do cho Tổng thống Bazoum và đưa nước này trở lại trật tự Hiến pháp.

Xe chở hàng ách tắc ở một cửa khẩu giữa Nigeria và Niger sau khi chính quyền Abuja quyết định đóng cửa biên giới với nước láng giềng này. Ảnh: AP

Trong những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất và ngay lập tức nhằm vào Niger, một số biện pháp được đưa ra bởi ECOWAS và Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA). Các tổ chức đã tạm dừng mọi giao dịch thương mại với Niger, phong tỏa tài sản nhà nước của nước này tại ngân hàng trung ương khu vực, phong tỏa tài sản của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng thương mại; đồng thời đình chỉ mọi khoản hỗ trợ tài chính liên quan đến các ngân hàng phát triển khu vực. Ngân hàng Trung ương khu vực Tây Phi (BCEAO) cũng đã đóng cửa các chi nhánh tại Niger để đề phòng rủi ro.

EU, một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Niger, đã tạm dừng hỗ trợ tài chính và hợp tác an ninh với nước này. Theo thống kê, EU đã phân bổ hơn 550 triệu USD từ ngân sách của mình để giúp Niger cải thiện năng lực quản trị, giáo dục và tăng trưởng bền vững cho giai đoạn 2021-2024. Pháp đình chỉ viện trợ phát triển và hỗ trợ ngân sách. Viện trợ của Pháp dành cho Niger là khoảng 130 triệu USD vào năm ngoái và dự kiến sẽ cao hơn trong năm nay. Hà Lan và Cananda tạm ngừng hợp tác trực tiếp với Niger. Mỹ hoãn các chương trình hỗ trợ trị giá hơn 100 triệu USD nhằm gây sức ép lên chính quyền quân sự tại quốc gia Tây Phi này.

Hàng triệu người dân Niger phụ thuộc vào cứu trợ nhân đạo. Ảnh: UNICEF

Cơ quan Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cam kết duy trì hỗ trợ những người gặp nhiều khó khăn nhất tại Niger sau cuộc đảo chính quân sự. Theo OCHA, Chương trình lương thực thế giới (WFP) đã triển khai các chuyến bay đặc biệt tới các khu vực Diffa, Tahoua và Agadez của Niger để đưa nhân viên của Liên hợp quốc và các đối tác làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo tại đây sau khi được nhà chức trách sở tại cho phép. Thống kê của OCHA cho thấy, khoảng 4,3 triệu người tại Niger cần cứu trợ nhân đạo, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ quan ngại về tình hình tại Niger, đồng thời cho biết đã ngừng giải ngân cho quốc gia Tây Phi này. Với các khu vực tư nhân có quan hệ đối tác, WB sẽ tiếp tục giải ngân song có thận trọng, cân nhắc. Niger là một trong những nước châu Phi nhận được danh mục đầu tư lớn nhất của WB, với tổng số tiền đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên lên tới 4,5 tỷ USD. Nước này cũng vừa nhận thêm 600 triệu USD khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp từ WB trong năm 2022-2023.

MINH ANH(tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đảo chính quân sự ở Niger tác động ra sao đến an ninh khu vực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO