Cuộc chiến vì tham vọng trở lại chính trường của ông Boris Johnson

05/03/2023 19:49

Cựu Thủ tướng Anh tiếp tục đối mặt rắc rối khi ủy ban điều tra của Hạ viện Anh phát hiện những bằng chứng có thể buộc tội ông cố ý lừa dối Quốc hội.

Gần một năm sau khi từ chức, cựu Thủ tướng Boris Johnson đang ôm hy vọng trở lại chính trường Anh. Tuy nhiên, kế hoạch của ông gặp thách thức nghiêm trọng sau khi Ủy ban Đặc quyền của Hạ viện Anh phát hiện những bằng chứng cho thấy ông Johnson tìm cách lừa dối các thành viên Quốc hội.

Cáo buộc nhắm vào cựu Thủ tướng Johnson một lần nữa liên quan tới những buổi tụ tập của ông và các trợ lý tại số 10 phố Downing trong thời gian nước Anh bị phong tỏa, theo Guardian.

Thêm bằng chứng bất lợi

Các báo cáo cho thấy tại một sự kiện tổ chức tháng 11/2020, khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Anh đang có hiệu lực, Thủ tướng Johnson nói với những người có mặt rằng "đây có lẽ là cuộc tụ tập giãn cách phi xã hội nhất lúc này ở Anh". Chi tiết cho thấy cựu thủ tướng nhận thức được buổi tụ tập này trái quy định.

Bằng chứng khác bao gồm tin nhắn từ một nhân viên của văn phòng thủ tướng gửi đi tháng 4/2021, 6 tháng trước khi các buổi tiệc tùng của Thủ tướng Johnson bị phát hiện. Tin nhắn này nói về "lo ngại rò rỉ thông tin" Thủ tướng Johnson đang phạm luật dù đã được cảnh báo trước.

Những thông tin trên xuất hiện trong tài liệu của Ủy ban Đặc quyền do Hạ viện Anh thành lập gồm 7 thành viên, 4 trong số đó đến từ đảng Bảo thủ của cựu Thủ tướng Johnson. Nhiệm vụ của Ủy ban này là xác định liệu cựu thủ tướng có cố ý gian dối Hạ viện hay không khi ông bác bỏ các hành động trái luật của mình.

boris johnson tiec tung anh 1
Buổi tiệc tùng tại số 10 phố Downing trong thời gian nước Anh giãn cách xã hội. Ảnh: Guardian.

Tài liệu của Ủy ban Đặc quyền mới chỉ là báo cáo ban đầu, nhằm thông báo cho cựu thủ tướng những vấn đề sẽ bị chất vấn khi ông ra điều trần vào cuối tháng này. Tuy vậy, những phát hiện của báo cáo, đi kèm hàng loạt tình tiết mới được công bố, khiến cựu thủ tướng và các đồng minh của ông càng thêm khó khăn.

"Có bằng chứng rằng Hạ viện có thể đã bị lừa dối theo nhiều cách khác nhau", báo cáo của Ủy ban Đặc quyền cho biết.

Dù đã từ chức thủ tướng, ông Johnson vẫn là nghị sĩ của đảng Bảo thủ tại Hạ viện. Nếu bị kết luận là cố ý lừa dối Quốc hội, ông sẽ bị đình chỉ tư cách nghị sĩ, theo Reuters.

Theo quy định của cơ quan lập pháp, nếu một nghị sĩ bị đình chỉ từ 14 ngày trở lên, cử tri tại địa hạt nơi nghị sĩ này đại diện có thể yêu cầu bãi nhiệm tư cách nghị sĩ của người đó. Đây là một kịch bản đầy rủi ro bởi tại hạt Uxbridge và South Ruislip nơi ông Johnson đại diện, cựu thủ tướng chỉ chiếm đa số mong manh.

Trước cáo buộc từ Ủy ban Đặc quyền, cựu Thủ tướng Johnson đã lập tức bác bỏ và đặt ra nghi vấn với sự xác thực của các bằng chứng mới.

"Thật bất ngờ khi phát hiện các đề xuất của ủy ban dựa trên bằng chứng được chọn lọc và sắp xếp bởi Sue Gray, người tình cờ vừa được bổ nhiệm làm chánh văn phòng cho lãnh đạo đảng Lao động", ông Johnson nói.

Một đại diện của Ủy ban Đặc quyền Hạ viện bác bỏ cáo buộc từ phía ông Johnson, cho biết các phát hiện của ủy ban này dựa trên lời kể của các nhân chứng và bằng chứng do chính phủ cung cấp.

Trong cuộc phỏng vấn sau đó, ông Johnson tiếp tục khẳng định ủy ban điều tra không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào có thể chứng minh bản thân ông cố ý làm trái luật khi tham gia các buổi tiệc ở số 10 phố Downing.

Tuy vậy, các thành viên Ủy ban Đặc quyền chỉ ra rằng những cuộc tụ tập liên tục trong thời gian đại dịch rõ ràng đi ngược lại quy định giãn cách xã hội, và việc ông Johnson nói bản thân đã tuân thủ quy định chẳng qua là cách để biện minh với truyền thông.

Lừa dối công chúng?

Liên quan sự kiện tổ chức tháng 11/2020, khi các cuộc tụ tập trong nhà bị cấm, một nhân chứng thừa nhận ông Johnson đã nói chuyện với nhóm 4 - 5 người trong phòng.

Báo cáo của Ủy ban Đặc quyền cũng cho biết ông Johnson thường xuyên chứng kiến các buổi tụ tập tối thứ sáu tại văn phòng báo chí của Số 10 phố Downing.

Tháng 11/2021, khi lần đầu xuất hiện những báo cáo gây bất lợi, các quan chức phủ thủ tướng Anh đã thảo luận với Giám đốc truyền thông Jack Doyle cách xử lý vấn đề. Ông Doyle đề nghị số 10 phố Downing trả lời công chúng rằng luôn tuân thủ quy định về Covid.

boris johnson tiec tung anh 2
Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters.

Tin nhắn giữa các nhân viên tại số 10 phố Downing cho thấy họ đã phối hợp với nhau thống nhất kể một câu chuyện để có thể "tự bảo vệ bản thân tốt nhất".

Có một số dấu hiệu cho thấy ông Johnson và chính phủ của ông khi đó tìm cách ngăn cản cuộc điều tra của ủy ban bằng cách che giấu hoặc biên tập lại các bằng chứng.

Trong bức thư ngày 14/7/2022, các nghị sĩ đề nghị chính phủ của ông Johnson cung cấp một số tài liệu cần thiết. Văn phòng thủ tướng sau đó cung cấp một tài liệu bị tô đen nhiều đến mức không có bất cứ giá trị thực sự nào.

Một số tài liệu bị tô đen cả những chi tiết vốn đã được công bố công khai. Các tài liệu không bị tô đen chỉ được cung cấp vào tháng 11/2022, sau khi ông Rishi Sunak đã lên nắm quyền.

Ủy ban Đặc quyền cũng yêu cầu ông Johnson tự giao nộp bằng chứng, nhưng cựu thủ tướng ban đầu tuyên bố "không có các tài liệu liên quan". 6 tháng sau đó, luật sư của ông Johnson mới cung cấp 46 tin nhắn qua ứng dụng WhatsApp giữa cựu thủ tướng và 5 người khác.

Sẽ cần thêm nhiều tháng để cuộc điều tra đi tới kết luận cuối cùng. Từ 20/3, ông Johnson sẽ phải ra điều trần.

Angela Rayner, phó chủ tịch đảng Lao động, cho rằng báo cáo của Ủy ban Đặc quyền đã vạch trần hành vi "che giấu" sự thật của cựu Thủ tướng Boris Johnson.

Trong khi đó, phó chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Daisy Cooper kêu gọi Thủ tướng Rishi Sunak "công khai ủng hộ" nếu Ủy ban Đặc quyền tìm ra các bằng chứng chống lại ông Johnson.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến vì tham vọng trở lại chính trường của ông Boris Johnson
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO