Cuộc chiến Kiwi: nổi tiếng nhờ New Zealand, bị 'đánh cắp' bởi Trung Quốc

29/06/2021 03:07

Đó là câu chuyện về một siêu cường toàn cầu, hoạt động buôn lậu, bệnh dịch và một loại trái cây nhỏ đầy lông.

Có mặt khắp nơi trên các khay kệ siêu thị và trong hộp cơm trưa, những trái kiwi nhỏ bé là mặt hàng xuất khẩu cây ăn trái có giá trị nhất của New Zealand. Tuy nhiên, "trận chiến" giành quyền kiểm soát loại trái cây này đã tiết lộ những căng thẳng trong mối quan hệ giữa New Zealand với Trung Quốc.

Giữa những năm 2010, một người trồng kiwi đã bí mật đánh cắp giống kiwi vàng ở New Zealand, tuồn lậu nó sang Trung Quốc. Sau đó, hàng ngàn hecta vườn cây ăn trái bất hợp pháp đã mọc lên vàNew Zealand mất nhiều năm tranh đấu để bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Giờ đây, những lựa chọn khả thi mà nông dân đất nước này phải đối mặt cho thấy, những thách thức còn lớn hơn đối trong mối quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất.

"Chén thánh" kiwi

Kiwi là mặt hàng thương mại chủ chốt của New Zealand.Zespri, hợp tác xã kiwi khổng lồ của đất nước này có doanh thu hoạt động là 3.9 tỷ NZD (khoảng 1.9 tỷ bảng Anh) vào năm ngoái. Có lẽ giá trị nhất trong số đó là Sungold, một giống kiwi vàng mới đã giúp cứu ngành công nghiệp địa phương khỏi cảnh thảm họa.

Thời điểm năm 2010, các vườn kiwi của đất nước này đã bị phá hoại bởi một loại bệnh mới có tên PSA. Dây leo rỉ ra dịch đỏ, hoa bị hư nát và phần quả như bị xì hết hơi. Đó thật sự là một cơn ác mộng về kinh tế và làm vườn với phí tổn khoảng 900 triệu NZD, và những giống kiwi vàng mới phổ biến nằm trong số bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, thăm một nhà máy đóng gói kiwi (ảnh: Michael Bradley)

Zespri đã chung tay cùng với các nhà tài trợ khác và đầu tư hàng triệu USD vào việc tìm kiếm một giải pháp thay thế. Họ đã sàng lọc được 50.000 giống vào danh sách rút gọn gồm 40 giống, trong đó có 4 giống được đưa vào thử nghiệm trong vườn cây ăn quả. Từ những thử nghiệm đó đã xuất hiện Gold3, chủng loại mà cuối cùng đã lên kệ tại các siêu thị với tên gọi Sungold.

Các thuộc tính của nó đại diện cho những thứ đặc tính hiếm có của quả kiwi: mạnh mẽ và đầy hấp dẫn, ngọt ngào với hương thơm đậm vị, giàu vitamin C, rẻ và luôn dồi dào để trồng trọt. Điều quan trọng là có khả năng chống chịu lại bệnh canker, đã tàn phá ngành công nghiệp New Zealand và Ý. Sungold là "con ngỗng vàng" của vùng Zespri, và công ty nhanh chóng đăng ký độc quyền sở hữu ở các quốc gia trên thế giới. Kiwi "vàng" đã vượt mặt kiwi "xanh" trong xuất khẩu, ngành công nghiệp kiwi của New Zealand được vực dậy một phần chính là nhờ Sungold.

Đó có thể là một kết thúc đẹp đẽ sau nhiều năm khó khăn của Zespri.Nhưng vào năm 2016, một tin đồn khó chịu đã lan đến trụ sở chính: Sungold được phát hiện đang phát triển ởTrung Quốc. Công ty đã thuê các bên điều tra tư nhân và phát hiện những tin đồn đó là sự thật.

Bị đánh cắp

Cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc dẫn đến Haoyu Gao, gã đàn ông mạnh dạn mua một vườn kiwi ở Opotiki, một thị trấn nhỏ ở Vịnh Plenty của New Zealand. Theo tài liệu tòa án, hắn đã buôn lậu một lô cành ghép cực quý đến Tứ Xuyên, nơi ông ta bán rong những cây mầm cái với giá 60.000 NZD (khoảng 42.729 USD). Tuy nhiên, cuối cùng, canh bạc không thành. Mặc dù ông ta phủ nhận hành vi sai trái của mình nhưng tòa án cấp cao của New Zealand đã ra phán quyết và yêu cầu bồi thường thiệt hại lên tới 14 triệu NZD.

Dù cho Zespri đã giành chiến thắng tại phòng xử án, nhưng lại thua trong cuộc chiến kiểm soát sự lan rộng của Gold3 tại Trung Quốc. Nỗ lực tiến hành các hoạt động pháp lý tiếp theo đã thất bại trong bối cảnh không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Bắc Kinh, và tất nhiên, trong khi đó Gold3 đã phát triển nhiều hơn. Trong một báo cáo gần đây cho nông dân, Zespri viết rằng diện tích trồng bất hợp pháp đã tăng gấp đôi từ năm 2019 đến năm 2021, đạt hơn 5.200 ha.

Quả kiwi Zespri Gold3 trên cây (ảnh: Craig Robertson)

Báo cáo cho biết: "Từ quỹ đạo mà chúng ta thấy, rõ ràng giống Gold3 trái phép đang nhanh chóng bị chiếm giữ", và Trung Quốc đang trên đà sản xuất từ ​​30 đến 90 triệu sọt Gold3 mỗi năm. Ở mức ước tính thấp nhất, bằng tổng lượng xuất khẩu của New Zealand sang Trung Quốc, khoảng 30 triệu sọt vào mùa trước.

Một đề xuất táo bạo

Có một sự trớ trêu đối với New Zealand, các chủng kiwi đầu tiên lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Năm 1904, hạt giống được đưa vào New Zealand, sau đó phát triển mạnh nhờ nền khí hậu địa phương. Họ bắt đầu xuất khẩu nó vào những năm 1950.Trong một khoảnh khắc vàng của tiếp thị, các nhà xuất khẩu đã đặt ra thuật ngữ "quả kiwi" dựa theo tên loài chim biểu tượng của New Zealand, có lông màu nâu mờ. Trong mắt người Âu Mỹ, loại trái cây này dẫn trở nên gắn liền với New Zealand.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc khó lòng giành lại một loại trái cây có nguồn gốc từ địa phương mình, nhưng lại được bán đại trà như đặc sản của quốc gia khác. Tuy nhiên, ngày nay, chính New Zealand cũng đang ở trong một tình thế khó khăn tương tự và Zespri đã phải đề xuất một thỏa thuận táo bạo đến những nông dân: nếu bạn không thể đánh bại họ, hãy tham gia cùng họ - hoặc ít nhất là mua chúng. Thay vì truy lùng các vườn cây ăn trái bất hợp pháp, họ đề xuất một phiên tòa kéo dài hàng năm đối với việc mua và tiếp thị trái kiwi giả mạo, được trồng ở Trung Quốc và lấy thương hiệu Zespri.

Câu hỏi sẽ được đưa ra, những người nông dân sẽ phải bỏ phiếu về việc nên theo đuổi chiến lược đối đầu đến cùng hay chấp nhận hợp tác Trung Quốc.

Jason Young, phó giáo sư tại Đại học Victoria và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại của New Zealand, cho biết đề xuất của Zespri "cho thấy sự việc ‘mất bò mới lo làm chuồng'. Câu hỏi thật sự của Zespri đó là điều gì sẽ xảy ra, nếu bạn mất quyền kiểm soát tài sản trí tuệ của mình ở thị trường Trung Quốc?"

Trái Kiwi Vàng của New Zealand đã bị "đánh cắp" (ảnh: Klever Fruit)

Chủ nghĩa thực dụng hay nguyên tắc?

Xung đột về loại trái cây này cũng làm nổi bật các cách tiếp cận cạnh tranh của chủ nghĩa thực dụng và nguyên tắc, khi mà New Zealand bị tố cáo đã phản ứng hết sức mềm mỏng để tránh làm mất lòng Bắc Kinh. Nó cũng cho thấy khó khăn mà một người chơi địa chính trị nhỏ bé phải đối đầu với Goliath. New Zealand thiếu các đòn bẩy với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Andrew Gillespie, một giáo sư luật quốc tế cho biết: "Từ ‘nhỏ' thật ra còn phóng đại quá mức chúng ta. Thực chất, chúng ta chỉ là một dấu chấm".

Đẩy mạnh vấn đề hơn nữa có thể khiến Bắc Kinh tức giận, ông nói: "Nó giống như với tất cả các án lệ.Về lý thuyết, bạn có thể giành chiến thắng, nhưng thông thường thì cái giá của chiến thắng còn lớn hơn những gì bạn có thể đạt được… Họ có thể thấy mình ở giữa một cơn bão, hậu quả cuối cùng sẽ lớn hơn nhiều so với vấn đề sở hữu trí tuệ này".

Cơn bão đó là rủi ro mà chính phủ và ngành công nghiệp của New Zealand nhận thức sâu sắc. Ngoại trưởng Nanaia Mahuta cũng từng dùng từ tương tự khi cảnh báo các nhà xuất khẩu về khả năng tổn thương, nếu New Zealand kích động sự tức giận của Bắc Kinh.

Tiến sĩ Hongzhi Gao, phó giáo sư tại trường kinh doanh quốc tế thuộc Đại học Victoria với kiến ​​thức chuyên môn về chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc cho biết: "Đây thực sự là một phép thử cho mối quan hệ này. Có thể cũng có cơ hội ở đây, để chính phủ New Zealand làm việc rõ ràng với chính quyền trung ương Trung Quốc".

Kiwi vàng của Zespri (ảnh: Tân Hoa Xã)

Về phía Trung Quốc, "vấn đề về ý chí chính trị lớn hơn bất cứ điều gì khác", Young nói. Chính quyền trung ương có "sự chú trọng chính trị rất lớn vào phát triển, đặc biệt là phát triển nông thôn, giải quyết các vấn đề đói nghèo ở Trung Quốc". Điều đó có nghĩa, Bắc Kinh ít có xu hướng thẳng tay xử lý nông dân vùng quê, những người đang áp dụng giống kiwi mới đó đầy hiệu quả. Kể cả khi đó là xâm phạm tài sản trí tuệ.

"Sống chung với lũ?"

Zespri đãsử dụng giả thuyết này để lập luận chống lại các giải pháp mang tính đối đầu. Công ty từ chối phỏng vấn, nhưng cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản,"tìm kiếm một giải pháp thương mại và có thể phù hợp với ngành công nghiệp Trung Quốc, mang lại cho chúng tôi cơ hội tốt nhất để đạt được kết quả thành công". Một giải pháp như vậy "cần làm việc cả hai bên để thành công".

"Nó thật ngây thơ," Gao nói."Bạn đang dựa vào chính quyền nước khác để bảo vệ quyền lợi của mình.Và nếu họ không làm vậy, bạn sẽ làm gì?"

Rõ ràng việc trồng Sungold ở Trung Quốc đang diễn ra với sự cho phép ngầm của chính quyền, ông nói: "Trồng ở quy mô lớn như vậy… không thể chỉ do cá nhân nhỏ lẻ".

Bắc Kinh có thể sẽ cảm thấy mức độ áp lực nào đó nhằm duy trì hình ảnh quốc tế của mình, nhưng các quan chức và chính quyền địa phương khó bị ảnh hưởng bởi các nghĩa vụ quốc tế hoặc danh tiếng. Ông nói: "Chính quyền địa phương không quan tâm. Họ không quan tâm đến một hiệp định thương mại tự do giữa New Zealand và Trung Quốc. Bạn không có nhiều đòn bẩy để kéo chính quyền địa phương nước đó về phía mình, bởi họ không hề đứng về phía bạn. Họ đứng về phía những nông dân nước họ".

Giang Vu (theo The Guardian)

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến Kiwi: nổi tiếng nhờ New Zealand, bị 'đánh cắp' bởi Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO