Lithi (lithium) là thành phần quan trọng trong sản xuất pin li-ion (lithium-ion), loại pin cung cấp năng lượng cho tất cả mọi thứ từ điện thoại di động đến ô tô điện. Quan trọng hơn, lithi được Liên Hợp Quốc coi là “trụ cột của nền kinh tế không nhiên liệu hóa thạch”, là giải pháp sơ khai để tích năng lượng trong lưới điện sạch của tương lai. Do đó, lithi trở thành một trong những mặt hàng được săn tìm nhiều nhất và giá cả của nó đã tăng hơn 500% trong vòng 2 năm qua.
“Khoáng sản của tương lai”
Các dòng chảy địa chính trị đang thúc đẩy cuộc tranh giành khoáng sản quý giá của các cường quốc trên thế giới. Có một cuộc chiến về việc ai kiểm soát chuỗi cung cấp lithi, do Mỹ khơi mào. Washington hiện đang tìm cách khẳng định lại ảnh hưởng của mình đối với hàng hóa toàn cầu quan trọng bằng cách đưa chuỗi cung ứng trở lại Mỹ và làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh.
Với vị trí thống trị đối với hàng hóa và công nghệ năng lượng tái tạo, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm giành lại vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này. Quyết tâm cạnh tranh của Washington đã khiến 2 quốc gia mâu thuẫn về việc ai có thể xác định vị trí và khai thác các mỏ lithi trên khắp hành tinh. Bất cứ ai kiểm soát chuỗi cung ứng sẽ thống trị ngành công nghiệp này.
Chuỗi cung cấp bắt đầu ở nơi khoáng sản lithi được tìm thấy. Về vấn đề này, Trung Quốc đã có một khởi đầu thuận lợi khi sở hữu trữ lượng đáng kể lithi và khả năng khai thác khoáng sản này. Bắc Kinh đứng thứ 6 thế giới về tài nguyên lithi (5,1 triệu tấn) và thứ 4 về trữ lượng có thể khai thác (1,5 triệu tấn).
Mỹ có trữ lượng lithi lớn hơn với 9,1 triệu tấn, nhưng trữ lượng có thể khai thác hiện tại chỉ ở mức 750.000 tấn.
Mặc dù có sự ủng hộ của Australia, với trữ lượng lithi 5,7 triệu tấn, có thể giúp thay đổi cán cân theo hướng có lợi cho mình, nhưng có vẻ như Mỹ đang mất dần sự kiểm soát đối với khu vực giàu trữ lượng lithi và cũng là khu vực được coi là “sân sau” mà Washington đã thống trị trong nhiều thập kỷ nếu không muốn nói là hàng thế kỷ: Trung và Nam Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đang đạt được những tiến bộ đáng kể ở các khu vực quan trọng này.
Chỉ riêng Mỹ Latinh sở hữu 56% trữ lượng lithi của thế giới, tập trung ở Bolivia, Argentina, Chile (được gọi là “tam giác lithi”) và Brazil. Trữ lượng 21 triệu tấn của Bolivia thực tế chưa được khai thác và trong khi Argentina mới chỉ khai thác 2,2 triệu trong tổng trữ lượng 19 triệu tấn. Rõ ràng, nguồn tài nguyên ở Nam Mỹ vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Ngoài ra, Mexico cũng có 1,7 triệu tấn. Giờ đây, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để tiếp cận nguồn cung khổng lồ này.
Cuộc cạnh tranh ở sân sau của Mỹ
Theo truyền thống, Mỹ đã thực hiện Học thuyết Monroe nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của bất kỳ đối thủ nào khác ở khu vực Nam Mỹ.
Khi sự cạnh tranh địa chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên, Bắc Kinh đã tìm cách đầu tư vào nhiều liên doanh lithi trên khắp châu Mỹ.
Mỹ phản ứng bằng cách tận dụng quyền lực chính trị ở những nơi có thể và đã có những nỗ lực ngăn chặn một công ty Trung Quốc khai thác lithi ở Mexico. Canada gần đây đã yêu cầu 3 công ty Trung Quốc thoái vốn khỏi các công ty khoáng sản của họ với lý do an ninh quốc gia. Cả 2 quốc gia này đều là các bên tham gia Thỏa thuận USMCA (Mỹ - Mexico – Canada) và khi Trung Quốc rút đi, các mỏ lithi của họ sẽ cởi mở hơn với đầu tư của Mỹ.
Nhưng nỗ lực của Washington không thành công trong mọi trường hợp. Quốc gia số một về trữ lượng lithi, Bolivia, không phải là một quốc gia thân thiện với Mỹ và nghiêng về cánh tả. Vài tuần trước, một tập đoàn Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận ở La Paz về quyền phát triển hai nhà máy lithi ở Bolivia. Công ty Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào giai đoạn đầu tiên của dự án.
Mỹ cũng phải đối mặt với những thách thức ở Argentina và Brazil, với việc cả hai nước đều không chấp nhận Học thuyết Monroe của Washington và tìm cách đảm bảo lợi ích của họ trong một môi trường đa cực hơn.
Với sự thất bại của ông Jair Bolsonaro trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 và sự trở lại của chính trị gia cánh tả Lula da Silva, có vẻ như rõ ràng Brazil sẽ tự coi mình là một phần của môi trường đa cực, từ bỏ quan điểm bài Trung, thân Mỹ của người tiền nhiệm.
Một năm trước, Argentina đã tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tháng 7/2022, một công ty Trung Quốc đã hoàn tất thỏa thuận trị giá gần 1 tỷ USD để tiếp quản một công ty lithi của Argentina.
Căng thẳng địa chính trị đang nóng lên nhanh như pin lithi quá tải. Một tương lai đầy ô tô điện và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có thể sẽ đến, nhưng các vấn đề về khí hậu và tương lai của nhân loại không phải là động lực ở đây. Các lợi ích chung toàn cầu sẽ bị cản trở bởi chính trị của quốc gia nào sẽ sản xuất những chiếc ô tô điện đó và quốc gia nào sẽ kiểm soát chuỗi cung ứng để sản xuất chúng.
Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc vượt lên trước, điều này đang tạo ra một cuộc đối đầu mới ở châu Mỹ./.