Cùng uống 2 lon bia, tại sao có người 4 tiếng nồng độ cồn về 0, người vẫn còn?

13/02/2024 17:34

Cùng uống 2 lon bia nhưng 4 tiếng sau có người không phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở, người vẫn còn. Vì sao lại có tình trạng này?

Tôi và bạn cùng uống 2 lon bia có nồng độ cồn 5%, thể tích 330ml. Tuy nhiên, 4 tiếng sau, khi thổi nồng độ cồn, bạn tôi không phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở, trong khi tôi lại còn ở mức 65,5 mg/100 ml máu, tương đương 0,312 mg/ lít khí thở. Có phải vì bạn tôi thể trạng tốt hơn (nặng 90kg) và tửu lượng tốt hơn tôi (bạn tôi rất hiếm khi say dù uống nhiều) nên đào thải cồn nhanh hơn? (Minh Hoàng, Hà Nội).

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), tư vấn:

Về cơ bản, cồn trong rượu bia hay thuốc đều tính mg trên cân nặng, bản chất là đều chuyển hóa qua gan khi đi vào cơ thể. Nhưng cân nặng không phải là yếu tố quyết định việc đào thải, chỉ là một phần. Không có chuyện người nặng 90kg thì khả năng đào thải cồn nhanh hơn, tốt hơn người gầy hơn.

Việc uống rượu bia và giải phóng nồng độ cồn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, vào men chuyển hóa/phân hủy cồn của cơ thể từng người và mức độ đào thải của gan. Đó là lý do có người uống ít thôi cũng say nhưng có người uống nhiều nhưng không say.

Mỗi một bộ máy trong cơ thể của mỗi người là khác nhau. Cân nặng và tửu lượng không quyết định việc đào thải nồng độ cồn hay tốc độ chuyển hóa này. Việc một người dễ say hay không dễ say, có say hay không say cũng không liên quan đến khả năng đào thải cồn khỏi cơ thể.

Hai lon bia tương đương với 3 đơn vị cồn, thông thường sẽ mất khoảng 3 tiếng để thải trừ cồn. Sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 tiếng để cồn trong hơi thở được phát tán hết. Như vậy, thông thường, cơ thể mất từ 5-6 tiếng để đưa nồng độ cồn về 0 sau khi uống 2 lon bia.

Tuy nhiên, tốc độ đào thải nhanh hay chậm của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào men chuyển hóa, vì thế cùng lượng bia, thời gian sau uống, có người 4 tiếng đã đưa nồng độ cồn về 0 sau khi uống 2 lon bia, nhưng có người vẫn còn nồng độ cồn trong cơ thể.

Theo luật, tại Việt Nam, người điều khiển ôtô, xe máy, mô tô không được phép có cồn trong máu khi đang lưu thông.

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Cùng uống 2 lon bia, tại sao có người 4 tiếng nồng độ cồn về 0, người vẫn còn?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO