Một tháng rưỡi nữa, trẻ “tốt nghiệp” lớp mẫu giáo 5 tuổi sẽ chính thức bước vào lớp 1 năm học 2023-2024. So với các cấp học, việc chuyển cấp của trẻ mầm non vào lớp 1 có lẽ là vất vả hơn cả, do đặc thù cấp học và độ tuổi. Hành trang cùng con vào lớp 1 vì thế chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng cũng không quá khó nếu cha mẹ trẻ và những người đồng hành cùng nỗ lực, động viên, khích lệ trẻ.


lam-quen-chu-cai.jpg
Trẻ mầm non làm quen với chữ viết.

Câu hỏi nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các bậc phụ huynh có con học lớp mẫu giáo 5 tuổi là có hay không nên cho trẻ học trước chương trình lớp 1, trong đó có việc học đọc, học viết theo bảng chữ cái, học làm các phép toán đơn giản trong phạm vi 5 hoặc 10. Dù đã có nhiều cảnh báo từ các chuyên gia về tác hại của việc học trước, song vẫn có không ít cha mẹ trẻ mầm non còn hoài nghi.

Trao đổi về nội dung này, Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc dạy học theo nội dung chương trình lớp 1 cho trẻ tuổi mẫu giáo từng xảy ra ở một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Thực tế nghiên cứu và khảo sát cho thấy, việc dạy trước cho trẻ vào lớp 1 là phản khoa học, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.

Theo Tiến sĩ Thái Văn Tài, điều quan trọng là trang bị những kỹ năng cần thiết để trẻ sẵn sàng, tự tin vào lớp 1 mà không bị áp lực, căng thẳng. Những kỹ năng này đã được thiết kế trong chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi, bảo đảm khi kết thúc mầm non, trẻ có thể tiếp cận với chương trình lớp 1 mà không cần qua bất cứ một khóa học chuyển tiếp nào.

Thời gian hè này, cha mẹ hãy cùng con củng cố lại những kỹ năng đã học, đó là tự chăm sóc bản thân, là biết giao tiếp lễ phép, chơi hòa đồng với bạn, là cách tự thức dậy khi có tiếng chuông báo thức, là kỹ năng bảo quản đồ dùng, duy trì việc tập thể dục hoặc một môn thể thao yêu thích…

Các chuyên gia, nhà giáo chỉ ra rằng, một trong những kỹ năng cần thiết mà trẻ cần được củng cố là kỹ năng kết bạn, làm quen. Vui vẻ, cởi mở, chủ động chào hỏi bạn cùng lớp bằng những lời đơn giản như “Chào cậu. Tớ là Minh. Cậu tên gì?” hoặc hỏi về sở thích “Cậu thích màu nào?”, “Vẽ Doraemon cùng tớ không?”… Bảo đảm rằng, các cô cậu mầm non sẽ bị lôi cuốn bởi lời mời chào này và kết thân dễ dàng.

Để giúp trẻ hình dung và sẵn sàng tâm thế vào lớp 1, thời điểm này, hầu hết các trường mầm non đều tổ chức chuyên đề “Một ngày ở trường tiểu học”. Cùng con thức dậy theo tiếng chuông báo thức, sắp xếp sách vở, đồ dùng vào cặp sách; tự mang cặp sách tới trường và tự ý thức giờ nào việc nấy… là những điều cha mẹ cần kiên nhẫn đồng hành.

Theo Tiến sĩ Thái Văn Tài, dù bất kỳ lý do gì, cha mẹ hoặc người chăm sóc, giáo dục trẻ cũng không được phê bình hoặc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác. Thay vào đó, hãy động viên, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, dành thời gian hướng dẫn các em ngồi học đúng tư thế, cách cầm bút, đặt vở… từ đó giúp trẻ làm quen với việc học tập một cách tự nhiên, không áp lực.

Thế nhưng, vì nhiều lý do, không phải trẻ nào cũng tham gia học đầy đủ chương trình mầm non trước khi vào lớp 1. Việc đồng hành, hỗ trợ trẻ ở từng gia đình cũng có sự khác biệt.

Để bảo đảm tất cả trẻ mầm non trước khi vào lớp 1 đều có được hành trang cần thiết, tự tin, theo khung kế hoạch thời gian năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn cho phép học sinh lớp 1 được tựu trường sớm hơn ít nhất 2 tuần so với các lớp học khác. Khoảng thời gian đệm này trước ngày khai giảng sẽ có ích hơn rất nhiều khi có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ, giúp trẻ tự tin, sẵn sàng tâm thế chuyển trạng thái từ mầm non lên tiểu học.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cùng con tự tin vào lớp 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO