"Cùng con" thế nào cho đúng?

19/08/2024 10:17

Tôi nhấn mạnh không biết bao lần hai tiếng "cùng con". Nhưng nhiều cha mẹ luôn tránh né việc "cùng con" như thế.

Trong hơn 20 năm qua, tôi luôn đau đáu với việc một số cha mẹ bỏ quên hai tiếng "cùng con". Cha mẹ nhiều khi để tiền bạc "cùng con", để thầy cô giáo "cùng con", để sách vở "cùng con", còn mình thì đứng ngoài chỉ đạo. Nên khi xảy ra chuyện, nhiều cha mẹ đánh mắng con, coi con như tội đồ, thoá mạ con, trừng trị con…

Đau lòng hơn, những người xung quanh cũng vậy. Con cái ai hư hỏng, sai lệch đều thoá mạ bố mẹ của trẻ, thay vì chia sẻ với họ cách dạy con.

"Cùng con" đúng nghĩa bắt đầu phải là việc lắng nghe con nhiều hơn. Lắng nghe chứ không phải bắt chúng nói. Mỗi ngày, mỗi cha mẹ đang dành ra bao nhiêu thời gian để lắng nghe con? Hay chúng ta đổ lỗi cho vất vả mưu sinh để từ chối nghe con nói?

Chúng ta xua đuổi con khi chúng ta mệt mỏi với những gì đang diễn ra ngoài kia. Bố bận lắm. Mẹ đang bận. Lũ trẻ đang trưởng thành trong cô đơn.

Việc chúng tiếp xúc với mạng xã hội hay những kênh youtube phản cảm, xấu xí chúng ta đổ lỗi cho xã hội. Chúng ta chỉ dễ mà làm bằng cách cấm đoán, tước bỏ, trừng phạt và phán xét con trẻ thay vì "cùng con" sửa chữa. "Nhìn cây sửa đất - Nhìn con sửa mình" cũng là sự "cùng con" như vậy.

Đều cần sự tập trung nhiều hơn nữa của cha mẹ. "Cùng con" không phải là coi con như tội đồ và mình là người phán xử. Lắng nghe con không phải chỉ khi chúng nói ra mà còn phải là những thứ chúng chưa biết nói ra cách nào, những thứ chúng chưa nói, những thứ chúng đang giữ trong đầu.

Chỉ khi "cùng con" bạn mới "hiểu", "đọc" và "cảm" được. Chỉ khi "cùng con", bạn mới có thể sửa chữa được những lệch lạc trong suy nghĩ của con.

Giáo dục giới tính cho con cũng vậy. Không phải chỉ là chuyện chỉ cho con đâu là vùng kín, đâu là vùng riêng tư, không ai được xâm phạm mà còn là tạo cho con biết và hiểu về những chuẩn mực sơ đẳng. Như con trai - con gái khác nhau ở điều gì ngoài bộ phận sinh dục. Như không gian riêng tư của con phải được tôn trọng và bất khả xâm phạm dù đó là bố mẹ, anh chị em ruột đi nữa.

Là chính bố mẹ phải thực hành đầu tiên. Đừng thay quần áo trước mặt con hay thoải mái cho con đi tiểu ngoài đường, thay quần áo cho con giữa cửa hàng bán quần áo trẻ con. Là cho con biết thân thể của con là thứ con cần phải bảo vệ, cũng như con không được quyền xâm phạm đến thân thể người khác.

Tạo vòng tròn phản ứng phòng vệ cho con và tạo lằn ranh giới hạn với con. Dạy con hiểu bằng chia sẻ chứ không phải bằng bài học. Là mỗi ngày chứ không phải vì hôm qua đọc bài viết của tôi mới nhớ ra là phải về dạy con.

Một đứa trẻ được tiếp xúc thường xuyên với những chuẩn mực xã hội thông qua mỗi tình huống xảy ra quan trọng hơn là đến lúc xảy ra mới nói. Như đèn xanh, đèn đỏ trong hiệu lệnh giao thông vậy. Con tuân thủ hiệu lệnh giao thông sẽ hiểu về sự an toàn khi tham gia giao thông.

Đừng coi nhẹ dù chỉ là một vài tình huống đơn giản. Như vượt đèn đỏ khi đèo con thì làm sao trẻ hiểu đèn đỏ là dừng lại? Cùng con chính là cùng con tạo ra thế giới mới vậy. Thế giới do con và cha mẹ cùng xây đắp, mỗi ngày!

Theo PNVN

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
"Cùng con" thế nào cho đúng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO