Liên quan đến dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) gắn chip, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an).
Cấp gần 6 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh
Tại Hội nghị tổng kết 2 dự án trên vào ngày 22/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, việc xây dựng hệ thống thành công mới chỉ là bước đầu. Đưa cơ sở dữ liệu này đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả thật tốt, người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật mới là điều mong mỏi của Đảng, Nhà nước; sự trông đợi và kỳ vọng của xã hội và toàn thể Nhân dân. Vậy ông cho biết, đến nay, 2 dự án này đã phát huy hiệu quả ra sao?
- Sau hơn một năm xây dựng, triển khai kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2020) và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (Quyết định số 1368/QĐ-TTg ngày 03/9/2020), Bộ Công an có Kế hoạch triển khai rất quyết liệt với các nhiệm vụ cụ thể tính từng ngày, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ công an từ Trung ương tới địa bàn cơ sở đã làm việc không quản ngày đêm để hoàn thiện việc thu thập, cập nhật, bổ sung thống tin dân cư trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân để đến ngày 25/2/2021, Bộ Công an đã khai trương 2 hệ thống và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2021.
Theo đó, toàn bộ dữ liệu của công dân Việt Nam đã được thu thập và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và luôn được cập nhật, chỉnh sửa, đảm bảo sẵn sàng để chia sẻ kết nối với các bộ, ban, ngành; tiến hành khai thác thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia để cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ số của xã hội.
Với việc hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã vận hành tại công an cấp xã trên toàn quốc, đến nay đã triển khai thực hiện khai thác và triển khai ứng dụng trên rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như việc xác thực phục vụ thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, lao động thương binh - xã hội, nội vụ...
Cũng tại hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tập trung đẩy mạnh chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, đơn vị khai thác, để phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19, tránh tình trạng "cát cứ" thông tin, cơ sở dữ liệu. Vậy ông cho biết, đến nay công tác chia sẻ, kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư đã có những kết quả ra sao?
- Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối, khai thác, ứng dụng gồm: Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý để kết nối, xác thực thông tin dân cư cho 63 tỉnh, thành phố; Kết nối với Văn phòng Chính phủ để xác thực thông tin người dân đăng ký trên cổng dịch vụ công quốc gia; Kết nối với Bộ Tư pháp phục vụ cấp gần 6 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh, trao đổi thông tin hộ tịch của người dân; Kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xác thực hơn 18 triệu thông tin; Triển khai 4 phân hệ phần mềm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Con chip "N trong một"
- Thủ tướng Chính phủ từng nói, "Cơ sở dữ liệu quốc gia là tài nguyên, mà đây là tài nguyên đặc biệt, càng khai thác càng tạo ra nhiều giá trị". Chính vì thế, Thủ tướng yêu cầu sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không chỉ phục vụ nhu cầu quản lý của lực lượng công an, mà còn phục vụ các mặt công tác quản lý Nhà nước và phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng quy định về phí, lệ phí khai thác để phù hợp với thực tiễn, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm duy trì hoạt động của Cơ sở này một cách bền vững, lâu dài. Yêu cầu này đã được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Trong thời gian vừa qua, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; Quyết định số 1911/QĐ-TTg về việc thực hiện kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Trên cơ sở đó, Bộ Công an khẩn trương triển khai, xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử để cấp tài khoản định danh cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các dịch vụ khác trên môi trường mạng. Ngoài ra, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để làm giàu, bổ sung cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ và liên thông, giảm bớt các thủ tục hành chính.
Bộ Công an cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư) để đẩy mạnh nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Để có cơ sở pháp lý triển khai cung ứng các sản phẩm dịch vụ, thiết bị ứng dụng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng khẩn trương nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về định danh, xác thực điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật khác để tổ chức thực hiện.
Thời gian qua, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tích hợp thông tin tiêm vaccine ngừa Covid-19, hưởng trợ cấp Covid-19 trên thẻ CCCD gắn chip… Vậy cho đến nay, chiếc thẻ này đã được tích hợp thêm những tính năng, thông tin gì và thời gian tới sẽ tích hợp thông tin, tính năng nào vào CCCD này, thưa ông?
- Hiện nay thẻ CCCD gắn chip đã được Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với các đơn vị có liên quan tích hợp các thông tin về mũi tiêm vaccine, thông tin người được hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 68, thông tin về bằng lái xe, đăng ký phương tiện,…
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kết nối, chia sẻ, bổ sung, đồng bộ để làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tích hợp trên CCCD.
Ngoài ra, trên thẻ CCCD có rất nhiều tính năng như QR code, mã MRZ (Machine- Readable zone: mã hàng không dân dụng quốc tế theo tiêu chuẩn ICAO. Mã này tích hợp với hộ chiếu, sau này sẽ thay thế hộ chiếu) phục vụ việc đọc và truy xuất thông tin nhanh chóng, trong chip của thẻ CCCD có các ứng dụng phục vụ việc xác thực danh tính công dân (MOC), ứng dụng PKI (tích hợp chữ ký số), vùng lưu trữ mở rộng…
Do vậy, thẻ CCCD có thể tích hợp rất nhiều thông tin và thay thế được một số giấy tờ trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương(thực hiện)