Sáng 24/3, tại buổi tọa đàm của báo Pháp Luật TPHCM, đại diện Cục đăng kiểm Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải khách đã thảo luận về những giải pháp dài hạn nhằm gỡ vướng cho việc đăng kiểm, trong bối cảnh tình trạng ùn ứ giao thông và quá tải tại các trung tâm đăng kiểm được dự báo trở nên nghiêm trọng hơn.
Doanh nghiệp tồn 30% xe chờ đăng kiểm
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, nêu thực trạng, thời gian qua không chỉ ùn ứ khi đăng kiểm, cả việc sửa chữa phương tiện cũng trở nên quá tải, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp.
Ông Quản ví dụ, chờ đợi sửa chữa phương tiện có thể kéo dài 5 ngày, trong thời gian đó phương tiện dừng hoạt động, tương ứng chi phí cứng khoảng 5 triệu đồng. Chưa kể đến việc các tài xế còn phải thức thâu đêm, xếp hàng dài chờ đăng kiểm, mất thời gian, công sức.
Đại diện Công ty Cổ phần Giao nhận và Thương mại Quang Châu, ông Ngô Quang Trường cho biết hai năm qua, doanh nghiệp vận tải đã gặp nhiều khó khăn. "Nay cộng thêm biến động về đăng kiểm đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của doanh nghiệp và tài xế, xe đậu lại chờ đăng kiểm chiếm hơn 30%", ông Trường nói.
Với một doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định như Công ty vận tải du lịch và dịch vụ Châu Hà, bà Đào Thị Tuyết, đại diện doanh nghiệp, chia sẻ, đơn vị gặp khó khi chuyển đổi từ đăng ký xe màu xanh sang màu vàng. Trường hợp đi đổi sẽ mất ít nhất 15 ngày, không đổi thì sẽ không được đăng kiểm.
Trong khi đó, bến xe lại không chấp nhận biên nhận của đơn vị đăng kiểm trong thời gian chờ đổi giấy đăng ký xe và phương tiện ngưng hoạt động chờ 15 ngày là rất khó cho doanh nghiệp.
Đăng kiểm vẫn đang khủnghoảng
Về phía Sở GTVT TP, Phó Giám đốc Bùi Hòa An nhìn nhận, từ tháng 10/2022 đến nay, ngành đăng kiểm gặp biến động lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của cá nhân và tổ chức. Theo dự báo, tháng 3 có khoảng 50.000 phương tiện và tháng 4 là 85.000 phương tiện đến chu kỳ đăng kiểm.
"Rõ ràng công suất đăng kiểm đang không đủ phục vụ người dân, chưa nói đến 30% xe từ tháng trước chưa đăng kiểm hoặc đăng kiểm không đạt thì áp lực trong thời gian tới càng lớn", ông An nhận định.
Thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp để gỡ vướng. Song thực tế, xe vãng lai ở các địa phương đến TPHCM và xe không đăng ký qua ứng dụng đến nơi xếp hàng thì cơ sở đăng kiểm vẫn phải nhận, tình trạng ùn ứ vẫn diễn ra. "Do đó những việc đã triển khai thời gian qua cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn", ông Bùi Hòa An nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, hiện công tác đăng kiểm vẫn chưa vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng vẫn đang hiện hữu và nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt lực lượng đăng kiểm viên.
"Mấu chốt của vấn đề là, nếu có đủ lực lượng đăng kiểm thì không xảy ra quá tải như bây giờ", Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nói. Với những khó khăn của doanh nghiệp và ngành vận tải, ông Nguyễn Tô An cho biết cơ quan chức năng đều nhận diện, tiếp thu và có những động thái điều chỉnh.
Như ngày 22/3 vừa qua, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 02/2023 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021 theo hướng miễn kiểm định đối với ô tô mới và kéo dài chu kỳ kiểm định của nhiều loại xe. Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị khẩn trương sửa đổi Nghị định số 139 về Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Những động thái trên, ông Nguyễn Tô An cho rằng vẫn chưa thể giải quyết ngay việc ách tắc mà góp phần giảm dần về sau. Do đó, trong giai đoạn khó khăn hiện tại, Cục khuyến cáo người dân quan tâm theo dõi tình trạng, chất lượng phương tiện, nhất là khi xe đến hạn kiểm định để chủ động sửa chữa.
"Thực tế cho thấy tỉ lệ đăng kiểm không đạt rất cao, có trường hợp phương tiện quay đi quay lại rất nhiều lần mới đạt. Chính việc phương tiện không đảm bảo kỹ thuật cũng góp phần tăng thêm mức độ ùn ứ trầm trọng, gây lãnh phí thời gian và công sức", Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nói.