Hàng loạt các mã cổ phiếu chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần, khiến chỉ số VN-Index giảm gần 32 điểm và xuống dưới ngưỡng 1.300 điểm.
Như vậy so với ngưỡng 1.524 điểm hồi đầu tháng 4, chỉ số VN-Index đã mất hơn 220 điểm, tương đương giảm gần 15%. Vốn hóa thị trường chứng khoán bốc hơi khoảng 40 tỷ USD.
Hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc ngay từ đầu phiên giao dịch. Trong nhóm VN-30, có tới 29 mã giảm giá, chỉ có Vinamilk là cổ phiếu hiếm hoi xanh trên thị trường.
Nhiều mã blue-chips giảm mạnh như: Bảo Việt (BVH) giảm 1.400 đồng/cp; FPT giảm 2.300 đồng, GAS giảm 2.300 đồng; Thế Giới Di Động giảm 4.300 đồng; Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm 1.500 đồng; Sabeco giảm 1.700 đồng; VietJet (VJC) giảm 2.500 đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục giảm mạnh, trong khi đó nhóm bán lẻ cũng xuống dốc nhanh. Cổ phiếu Chứng khoán VNDirect có lúc giảm gần 7%, trong khi VCI giảm 5,8%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giảm mạnh và góp phần kéo thị trường đi xuống. Bộ đôi Vingroup và Vinhomes đều giảm. Bên cạnh đó, các mã như DIG, DXG, GEO, FLC… cũng tuột dốc khá sâu.
Trước đó, thị trường chứng khoán ghi nhận tuần giảm điểm thứ năm liên tiếp với thanh khoản suy giảm. Tổng giá trị giao dịch bình quân từ mức trên tỷ USD rơi về mức 15-17 nghìn tỷ đồng.
so với tuần trước đó do chỉ giao dịch trong 3 ngày nhưng nếu tính trung bình từng phiên thì vẫn ghi nhận mức sụt giảm về thanh khoản. Các tổ chức có xu hướng bán ra, trong khi khối ngoại mua bán cân bằng.
Trên thế giới, lạm phát tăng cao kỷ lục và giá dầu quay đầu tăng trở lại khi thị trường lo ngại Nga cấm vận dầu khí Liên minh châu Âu (EU). Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ có khả năng rơi vào tình trạng suy thoái khi mà lạm phát tăng cao và kích cầu suy giảm.
Chứng khoán BSC cho rằng, VN-Index đang trong quá trình kiểm tra đáy ngắn hạn và cần có thời gian để ổn định và thu hút dòng tiền trở lại trước khi có những sự hồi phục rõ ràng.
MBS cho biết, việc VN-Index không thể giữ ngưỡng hỗ trợ 1.330 điểm trong phiên cuối tuần trước nên có nguy cơ sẽ kiểm tra (retest) mức đáy ngắn hạn tuần trước ở ngưỡng 1.260 điểm. Giới đầu tư tiếp tục dõi theo những diễn biến về căng thẳng giữa Nga và Ukraine vừa tiếp tục cuộc tranh luận về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.
Trong báo cáo cập nhập dòng vốn toàn cầu tháng 4/2022, SSI Research cho rằng, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu tới thị trường phát triển, sẽ không mấy khả quan khi các rủi ro vẫn được duy trì. Dòng tiền sẽ tương đối phân hóa, tập trung vào các ngành cố phiếu cơ bản và không bị tác động nhiều từ việc tăng lãi suất như ngân hàng hoặc năng lượng. Dòng vốn ghi nhận rút ròng tại thị trường cổ phiếu lần đầu tiền sau gần 2 năm từ tháng 8/2020.
Tuy nhiên, theo SSI, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi tăng mạnh, lên mức 12,9 tỷ USD - tăng hơn 90% so với tháng 2 và gấp 3 lần cùng kỳ. Nguyên nhân được SSI đánh giá chủ yếu nhờ định giá hấp dẫn khi mà trong năm 2021, cổ phiếu thị trường mới nổi ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn thị trường phát triển 24,5% trong khi mức này chỉ là 3,5% trong 4 tháng đầu năm nay. Chỉ số P/E forward của cổ phiếu EM là 12 lần trong khi đó cổ phiếu DM là 17,2 lần cho thấy EM hiện đang được định giá tương đối rẻ.
Lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt nhóm VN-30 khá cao. Nhóm VN-30 ghi nhận lợi nhuận trưởng vượt trội 24% đưa P/E trượt xuống dưới 14 lần. Trong đó, nhóm ngân hàng đóng góp lớn như VPBank, Techcombank và Vietcombank.
M. Hà