Chiều 2/8, Bộ Nội vụ cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét, có cơ chế chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở các xã đảo.
Theo cử tri, những địa phương hoàn thành nông thôn mới sẽ không được hưởng chính sách quy định tại Nghị định 76/2019 của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
"Việt Nam hiện có 12 huyện đảo, điều kiện đi lại công tác của cán bộ công chức và các lực lượng đóng quân tại các xã đảo đi lại rất khó khăn, mức chi phí rất lớn. Ở huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, đi từ về đất liền chi phí mất 4-5 triệu đồng; từ Đảo Trần mỗi khi về đất liền thăm gia đình chi phí mất khoảng 7 triệu", cử tri Quảng Ninh dẫn chứng.
Cử tri lo ngại nếu không tiếp tục có chính sách hỗ trợ sẽ không tạo được sự động viên, khuyến khích cán bộ, công chức nhận nhiệm vụ, gắn bó lâu dài và tham gia xây dựng và phát triển huyện đảo, xã đảo.
Trong công văn vừa gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, Bộ Nội vụ khẳng định đã có công văn hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện việc này.
Quảng Ninh căn cứ quy định tại Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và khoản 3 Điều 21 Nghị định 163/2016 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính để báo cáo HĐND tỉnh Quảng Ninh xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại địa bàn xã đảo và xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Nội vụ yêu cầu việc đó phải đảm bảo đúng quy định hiện hành và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương; tránh phát sinh bất hợp lý khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Mức chi chính sách hỗ trợ quy định bằng mức tiền tuyệt đối, không gắn với mức lương cơ sở hoặc mức lương hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Nội vụ đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh có ý kiến với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đề nghị điều chỉnh phụ cấp đặc biệt với 2 xã ở Mường Tè
Cử tri tỉnh Lai Châu phản ánh, năm 2005 Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 09 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, tỉnh Lai Châu có 3 xã được hưởng phụ cấp đặc biệt bằng 30%, 18 xã được hưởng phụ cấp đặc biệt 50% và xã Ka Lăng, huyện Mường Tè được hưởng phụ cấp đặc biệt 100%.
Cử tri đề nghị Bộ Nội vụ rà soát việc thực hiện Thông tư 09 và điều chỉnh chế độ phụ cấp đặc biệt của xã Thu Lũm và xã Pa Ủ (đều thuộc huyện Mường Tè, hiện đang hưởng là 50%) bằng với phụ cấp quy định cho xã Ka Lăng.
Lý giải đề xuất, cử tri phản ánh 2 xã biên giới trên giáp ranh với xã Ka Lăng, dân tộc chủ yếu là người Hà Nhì và La Hủ; diện tích tự nhiên rộng, đường giao thông khó khăn, xa trung tâm huyện. Trong khi đó, tại đây khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt và các điều kiện về kinh tế - xã hội rất khó khăn tương đồng với xã Ka Lăng.
Trong văn bản trả lời cử tri, Bộ Nội vụ dẫn Thông tư số 83/2005 sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2005/TT-BNV quy định: Trường hợp Bộ, ngành hoặc UBND cấp tỉnh đề nghị bổ sung địa bàn hưởng phụ cấp đặc biệt hoặc đề nghị thay đổi (tăng hoặc giảm) mức phụ cấp đặc biệt đối với các địa bàn đã được hưởng phụ cấp đặc biệt, thì thủ trưởng bộ, ngành ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ.
Trong đó giải trình rõ lý do, tên địa bàn đề nghị thay đổi mức phụ cấp, mức phụ cấp của các địa bàn giáp ranh đã được hưởng,…
"Đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu có ý kiến với Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu rà soát lại chế độ phụ cấp đặc biệt đối với các xã thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung mức phụ cấp đặc biệt thì UBND tỉnh Lai Châu có văn bản gửi Bộ Nội vụ để phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh cho phù hợp", Bộ Nội vụ nêu rõ.
Huyện Mường Tè có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài trên 130 km đi qua 6 xã (Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Tá Bạ, Pa Vệ Sử), tiếp giáp với các huyện Giang Thành, Lục Xuân, Kim Bình (Trung Quốc)... nên có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Huyện có 14 đơn vị hành chính gồm thị trấn Mường Tè và 13 xã: Bum Nưa, Bum Tở, Vàng San, Kan Hồ, Pa Vệ Sử, Mường Tè, Nậm Khao, Tà Tổng, Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm, Mù Cả, Tá Bạ.